
- Ông Lưu Trần Tiêu: Chúng ta không thể tự chọn theo tiêu chí của riêng mình mà phải theo những hướng dẫn rất cụ thể và cơ bản của UNESCO như: không gian của di sản, ảnh hưởng của di sản đó đến truyền thống, tác động đến hiện tại, tương lai và những nguy cơ bị mai một... Trên cơ sở tiêu chí này, Bộ VHTT thành lập Hội đồng Thẩm định với nhiều chuyên gia văn hóa đầu ngành để lựa chọn một di sản tiêu biểu.
Nhưng tại sao lại là múa rối nước chứ không phải là loại hình nghệ thuật truyền thống nào khác?
- Thứ nhất, múa rối nước hội đủ các tiêu chuẩn do UNESCO đặt ra. Nghệ thuật này không chỉ phát triển trong dân gian mà ngay ở các sân khấu chuyên nghiệp cũng rất được yêu thích. Khán giả quốc tế đặc biệt yêu thích nghệ thuật này. Thứ hai, phải là “của để dành”. Hai năm một lần, UNESCO xét công nhận di sản văn hóa thế giới. Năm nay chúng ta đề cử di sản này, sang đợt tới là di sản khác. Hiện đã có 4 di sản của chúng ta được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới gồm: Hạ Long (2 lần), cố đô Huế, phố cổ Hội An và di tích Mỹ Sơn.
Hồ sơ ứng cử di sản văn hóa thế giới của múa rối nước đã thực hiện chưa, thưa ông?
- Trong tháng 3-2002, Bộ VHTT đã có công văn đăng ký gửi UNESCO đề nghị xét công nhận rối nước truyền thống là di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Hiện chúng tôi đang chờ UNESCO xét chấp nhận và trả lời chính thức, sau đó phía Bộ VHTT sẽ làm hồ sơ cụ thể gởi UNESCO.
Bình luận (0)