xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lả người quay đêm

Thanh Hiệp

Làm nên những thước phim không chỉ có đạo diễn, diễn viên mà còn có những nhân viên kỹ thuật, hậu đài. Họ đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu để mưu sinh. Hiệu quả công việc đạt được là điều họ vui mừng vì trong đó có sự đóng góp thầm lặng của họ

Thời tiết ở Đà Lạt về đêm rất lạnh, để quay cảnh Thúy Kiều trầm mình, ê-kíp thực hiện cảnh quay của bộ phim cải lương Thả một bè lau (đạo diễn: Phượng Hoàng), thực hiện tại Đà Lạt, phải trân mình dưới nước để quay đi quay lại cảnh này. Có theo chân đoàn làm phim quay đêm mới có dịp tận mắt chứng kiến những người làm phim và nhân viên hậu đài đã làm việc cực nhọc như thế nào để có những thước phim đẹp. Phim cải lương Thả một bè lau nói về cuộc đời truân chuyên của Thúy Kiều nên đội ngũ thực hiện phim cũng “truân chuyên” theo từng thước phim.

“Hễ than van là... bệnh”

Không biết từ khi nào câu này đã trở thành lời khuyên cho những ai làm công việc hậu trường quay đêm ở các đoàn phim. Theo anh Tư Dẫm, người phụ trách tổ thiết kế và là nhân viên hậu đài có trong tay rất đông nhân công: “Đi quay đêm mà than mệt thì sẽ bệnh, không bị cảm lạnh cũng đau bụng. Anh em chúng tôi quen rồi, chịu cực để có thu nhập” - Tư Dẫm chia sẻ.

 

Một cảnh quay đêm của đoàn làm phim cải lương Ảnh: Minh Hoàng
Một cảnh quay đêm của đoàn làm phim cải lương Ảnh: Minh Hoàng

 

Tổ hậu đài của anh Tư Dẫm gồm 10 người làm đủ việc, từ bưng bê, dọn cảnh cho đến những vai quân sĩ… Để có một cảnh quay đêm, ê- kíp thực hiện từ đạo diễn, quay phim, nhân viên kỹ thuật, hậu đài phải cực nhọc gấp nhiều lần so với cảnh quay ban ngày. Họ phải vận chuyển đạo cụ, cảnh trí, thậm chí cả những cây đèn công suất lớn có giá sắt nặng, đi bộ hàng cây số đến điểm quay phim. “Nhân viên thiết kế chọn bối cảnh sai là anh em hậu đài cực nhất, phải dịch chuyển từ điểm này sang điểm khác” - anh Bích, một chuyên viên âm thanh chuyên đi theo đoàn phim cải lương, cho biết. “Làm phim cải lương hiện nay vừa có “chín”, có “sống”- nghĩa là bài ca thu sẵn, còn lời thoại thì thu trực tiếp ở hiện trường. Để tránh tiếng ồn, máy phát điện phải đặt thật xa nơi quay phim. Chi phí tăng, nhà sản xuất phản đối, hai bên cãi nhau có khi dẫn đến việc hủy quay, vậy là chúng tôi cực” - anh Tư Dẫm kể lại trong nỗi buồn.

Nhân viên làm đêm ở phim trường mà gặp nhà sản xuất hà tiện là gần như bị nhốt trong bóng tối, phòng không mở máy lạnh để tiết kiệm. Khi nào nghệ sĩ ngôi sao có mặt, nhà sản xuất mới cho mở máy lạnh, bật đèn. “Nhiều buổi quay đêm xong, hôm sau ai cũng bệnh vì khí hậu oi bức, mùi hôi mốc của phim trường khiến chúng tôi đều bị viêm xoang” - anh Cơ, nhân viên quay phim chuyên quay chương trình hài kịch, cho biết.

Những bữa ăn đêm nhớ đời

“Cái cực của quay đêm khó kể cho hết nhưng đã gọi là làm nghề thì không than van, cứ làm cho đúng trách nhiệm vì nếu lên phim mà có những hạt sạn không đáng, có phần lỗi của tổ hậu đài” - Tư Dẫm nói.

Để quay kịp tiến độ, có khi cả ê-kíp làm việc không kịp ăn cơm. Những buổi quay giữa rừng không có gì ngoài mì gói. Đốt lửa lên nấu mì. “Lửa lên thì côn trùng bay vào, vậy là chúng tôi ăn mì trộn với xác côn trùng. Những bữa ăn đêm bằng mì gói như vậy là nhớ đời nhất” - anh Hậu, nhân viên hậu đài, kể lại.

Đi quay phim ở những vùng sâu thường rất khó khăn khi giải quyết tình huống phát sinh. Anh Hoàng Minh, nhân viên hậu đài, kể: “Một lần tôi khiêng kiệu bị dầm gỗ đâm vào vai, chảy máu nhiều nhưng cũng cố quay cho xong vì không thể tìm đâu ra thuốc cầm máu ở những nơi xa xôi, chỉ biết lấy vải băng lại. Đến khi diễn vai quân sĩ, máu loang ra khắp người thấm vào áo. Đạo diễn phát hiện thì đã gần xong nên phải nghĩ ra cách cho nhân vật trong vở chém người khiêng kiệu là tôi đến bị thương để “hợp thức hóa” hình ảnh có máu me này. Khi xem phim, khán giả nghĩ đó là máu giả nhưng thật sự là máu của tôi thấm áo. Khi đóng máy quay, cũng đã 4 giờ sáng, tôi choáng vì máu ra quá nhiều, anh chị em trong đoàn cấp tốc đưa tôi vào bệnh viện cấp cứu”.

Nói đến những nhân viên hậu đài và ê-kíp thực hiện phim trong những cảnh quay đêm, họ không quên trường hợp anh Trúc nhắc tuồng, bị lao phổi do phải làm việc đêm thường xuyên, sáng về còn phải đánh máy lại kịch bản, thiếu ngủ trầm trọng, lại còn làm việc trong thời tiết thay đổi thất thường nên đã thổ huyết, vĩnh viễn ra đi trong niềm đau xót của gia đình và đồng nghiệp. “Chúng tôi nhớ đến anh Trúc mà bùi ngùi lo cho phận mình. Không biết khi nào đến lượt mình sẽ vướng vào những căn bệnh nghề nghiệp như anh ấy” - một nhân viên hậu đài tâm sự.

 

Có lương, không bảo hiểm

Anh Tư Dẫm cho biết thường các đoàn phim cải lương video quay đêm và cả quay ngày đều khoán trắng toàn bộ với số tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng cho một tổ gồm 6 nhân viên hậu đài. Công nhân phim trường, kỹ thuật quay, nhân viên quay phim, chuyên viên ánh sáng cũng nhận khoán với mức 50-60 triệu đồng/phim/tổ (gồm 10 người). Trên thực tế, sau một chuyến đi, mỗi người có vài triệu đồng tiền lương nhưng không có bảo hiểm y tế nên việc xảy ra sự cố như gãy tay, trầy xước, sứt đầu mẻ trán đều tự chịu, nhà sản xuất không lo chi phí. Anh Trực, nhân viên quay phim, cho biết mình từng bị chấn thương cột sống do té khi đi quay phim đêm, từ đó bỏ nghề chuyển sang làm ngoại vụ cho đoàn. “Anh chị em trong đoàn góp lại cho được vài triệu đồng. NSƯT Vũ Linh, Phương Hồng Thủy cho 10 triệu đồng, còn lại vợ tôi phải đi vay để điều trị cho chồng, tôi nằm dưỡng thương mất mấy tháng” - anh Trực kể lại trong nước mắt.

 

Kỳ tới: Bị “sao” hành

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo