Ở quê tôi, ngày xưa có người đàn ông tên Xu, không vợ con, mỗi ngày gánh đậu hũ bán quanh xóm. Tiếng rao lanh lãnh “ai… đậu… hẩu… hôn…”, nghe mai mái giọng nữ, mọi người bảo “lại cái”. Có thể hiểu ông ta “ái nam, ái nữ”.
Trong tập sách “Ngôn ngữ văn hóa vùng đất Sài Gòn và Nam Bộ” (NXB Tổng hợp TP HCM, 2012), TS Lý Tùng Hiếu ghi nhận: “Cùng với sản phẩm văn hóa, một loạt từ ngữ tiếng Chăm đi vào tiếng Việt ở Trung và Nam Trung Bộ, và lưu dân Việt chuyển tiếp vào Nam Bộ” (tr.61). Anh dẫn chứng: Tiếng Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận gọi “likay” để chỉ “đàn ông, nam, trai”, chính nó là nguồn gốc của “(đàn bà) lại cái” mà Nam Trung Bộ đã sử dụng.
Không những thế, anh còn liệt kê một loạt từ có mối quan hệ giữa tiếng Chăm và Nam Trung bộ, chẳng hạn: Ray: (vậy) > ri; re ro: (rón rén, lân la, lò mò) > rị mọ; rik: (cổ, xưa) > (cũ) rích; têh (đó, nọ, kia) > tê; ro ro (trơn tru) > ro ro; palao (đảo, cù lao) > cù lao; ke (ghe, bè, đò) > ghe; lôi (bơi, lội) > lội…
Dẫn chứng vừa nêu trên, tôi không có khả năng kiểm chứng. Chỉ xin hỏi, có phải: “likay” để chỉ “đàn ông, nam, trai”, chính nó là nguồn gốc của “(đàn bà) lại cái”? Quyết là có nhầm lẫn gì chăng? Từ bé đến nay, tôi chưa hề nghe ai nói “đàn bà lại cái” bao giờ. “Lại cái” chỉ dành cho các đấng mày râu! Không hề liên quan chút tẹo tèo teo gì đến đàn bà cả.
Theo “Đại từ điển tiếng Việt” (NXB VHTT, 1999) do Nguyễn Như Ý chủ biên, trong tiếng Việt, “lại” có nhiều nghĩa. Mà “lại cái” hàm nghĩa: “Từ biểu thị trạng thái hướng về trạng thái cũ”. “Lại cái: Bán đực bán cái, ái nam ái nữ” (sđd, tr.960). Trở về “trạng thái cũ” trong “lại cái” là nhằm chỉ đàn ông trở lại giống cái, chứ dứt khoát không thể đàn bà.
Tương tự, trong “Tiếng nói nôm na” (NXB Văn nghệ TP HCM-1999), Lê Gia cho biết: “Lại cái, lại giống”: Trở về giống cái, lìa xa giòng giống (tr.393). Xa hơn nữa, “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895), Huình Tịnh Paulus Của cũng ghi nhận: “Lại giống: Để giống mà nối sinh, lấy giống mà nối ra nữa”.
“Lại” do đâu mà ra? Theo nhà ngôn ngữ học trứ danh Lê Ngọc Trụ, “lại: đọc trại từ tiếng lai như lai cái, lai đực, lai giống” (“Việt ngữ chánh tả tự vị”, NXB Minh Tân - tr.261).
Tóm lại, “lại cái/lại giống” là dùng để chỉ đàn ông. Nếu đàn bà trở lại “trạng thái cũ” ắt phải dùng từ khác, chẳng hạn “lại đực”, thì hợp lý, chính xác hơn.
Mà này, cũng xin hỏi thêm: Có phải “lại cái” có nguồn gốc từ “likay” tiếng Chăm?
Nghe thế, ta giải thích thế nào với hàng loạt từ “lại” đã có từ xưa trong tiếng Việt? Chẳng hạn, ngày Tết, bánh tét, bánh chưng đã nấu chín nhưng khi cắt ra ăn lại thấy từng hạt sống sít, sượng ta gọi “lại gạo”. “Việt Nam tự điển” do Hội Khai Trí tiến đức khởi thảo (1931), đã ghi nhận các từ “lại” như “Lại mặt”: Tức là lễ nhị hỉ. Lễ làm sau hôm cưới, dâu rể về thăm nhà vợ. “Lại quả”: Nói khi đưa lễ sêu, lễ hỏi, lễ cưới nhà gái biếu lại nhà trai một phần lễ”. “Từ điển từ ngữ Nam Bộ” của Huỳnh Công Tín cũng cho biết: “Lại mâm: lại quả, tặng lại một phần lễ vật của nhà trai đưa đến”. À, thú vị chưa? Ngoài Bắc dùng “lại quả”; trong Nam dùng từ “lại mâm”…
Rồi khảo sát thêm thành ngữ, tục ngữ còn thấy dấu vết sờ sờ ra đó: Lại mặt hơn ăn đám, Đám cưới chẳng tày lại mặt… Rõ ràng, trong tiếng Việt, từ “lại” đã có từ “đời tám hoánh” chứ nào phải khi giao lưu văn hóa với người Chăm mới du nhập thêm từ “lại/lại cái”. Mà lại chỉ “đàn bà lại cái” thì vô lý quá đi mất.
Nhân đây cũng xin nói luôn, hiện nay, mặc dù từ “lại cái” còn sờ sờ ra đó nhưng nó đã được bổ sung một loạt từ mới. Chuyện này, ta sẽ bàn sau.
Bình luận (0)