Theo tiêu chí, mỗi đoàn được dự thi 1 vở nhưng đã có những nhà hát ở phía Bắc mang tới 3 vở, như: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ. Các đơn vị khác như Đoàn kịch Công an Nhân dân, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch Quân đội cũng có 2 vở. “Vì đi thi để kiếm huy chương nên cứ như quăng nhiều mẻ lưới vướng được càng nhiều cá lớn càng tốt” - một nghệ sĩ trong giới mỉa mai.
Dù Ban tổ chức đã công bố số lượng giải thưởng cho vở diễn, diễn viên không vượt quá 35% tổng số vở diễn và diễn viên tham gia nhưng tại lễ trao giải, sau 15 ngày biểu diễn (từ 21-6 đến 6-7), Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015 (có sự tham gia của 19 đoàn nghệ thuật, trong đó 11 đoàn công lập, 8 đoàn xã hội hóa với 29 vở diễn) đã chứng kiến một “trận mưa” huy chương, giải thưởng với 122 giải cá nhân (47 HCV, 75 HCB), 13 giải dành cho vở diễn (5 HCV, 7 HCB và 1 giải thưởng của Hội đồng Giám khảo).
Với thành tích lớn lao như vậy, công chúng và người trong giới sẽ mừng vì sân khấu đang mùa bội thu nghệ thuật. Thế nhưng, bao mùa hội diễn, liên hoan đã qua đều cho thấy các vở kịch đoạt giải không có cơ hội ra rạp hát hoặc công diễn mà vắng người xem. Tâm lý người làm vở là để đi thi đoạt nhiều huy chương, còn khán giả xem hay không là việc chẳng cần quan tâm. Một vài vở của sân khấu xã hội hóa trong miền Nam cố gắng “cơm ghe bè bạn” để đi thi lần này, như nhóm kịch Vũ Khắc Duy, Ngọc Trinh, Minh Béo, Sân khấu Kịch Sài Gòn, Nhà hát Thế giới trẻ đã phần nào tạo nét riêng, sức trẻ cho mùa hội diễn nhưng bản thân các vở diễn được giải, muốn báo cáo thành tích bằng vở diễn cũng phải còn phân vân bởi phòng vé “không cho phép”.
NSND đạo diễn Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, thành viên Hội đồng Giám khảo cuộc thi - cho biết một khi đạo diễn, diễn viên trẻ đến với hội diễn chỉ để mong lấy huy chương cá nhân thì khó mà trông chờ có sự chuyển biến tích cực của sân khấu kịch vì chính họ đang làm chủ ngôi nhà sân khấu. Ông nhấn mạnh: “Còn quá ít sự dấn thân, tìm tòi trong sáng tạo ở các bản dựng. Diện mạo sân khấu chưa có gì đổi khác trong 3 năm qua. Tinh thần giao lưu, học hỏi giữa các đồng nghiệp với nhau vẫn chưa được mọi người quan tâm”.
Một vấn đề lưu cữu qua các kỳ liên hoan, cuộc thi sân khấu là vai trò đạo diễn trẻ chưa thật sự nổi bật. Theo nhận định của các nhà chuyên môn, vẫn thấy đâu đó mảng miếng của các thầy cô đã từng dìu dắt họ làm nghề. Và “sân chơi” mang tầm vóc quốc gia này quá ít điều để công chúng kỳ vọng dù có nhiều huy chương qua mỗi mùa hội diễn. Nói như NSƯT Minh Thu “bao giờ những mùa thi không còn kẻ bon chen kiếm huy chương thì tác phẩm mới thật sự mang lại giá trị nghệ thuật, được công chúng đón nhận”.
Bệnh thành tích của các đơn vị khiến họ không mấy quan tâm đến những vở mang tính thử nghiệm của đạo diễn trẻ, chỉ cần chọn kịch bản của người trong ban chỉ đạo, trong ban giám khảo là sẽ được giải. Và chuyện một tác giả được giải tại cuộc thi lần này vì có nhiều đơn vị chọn kịch bản dàn dựng đã cho thấy cuộc chơi ít nhiều nhuốm màu “lợi ích nhóm”.
Và khi một sân chơi cho người làm nghề chưa đủ sức tác động mạnh để vực dậy nền sân khấu nước nhà thì chẳng nên tồn tại làm gì cho tốn kém!
Bình luận (0)