Gắn với các “sao”, công việc stylist tưởng chừng thời thượng và đẳng cấp nhưng theo một stylist “nghề này không dễ làm và chẳng hề có cuộc sống dễ dàng như mọi người vẫn tưởng”.
Không như là mơ
Ngay cả các stylist ở Hollywood cũng phải than trời về công việc của họ dù kiến tạo phong cách hay còn gọi là cố vấn thời trang vốn là một nghề nóng sốt ở kinh đô giải trí Hollywood.
Stylist của Lupita Nyong’o và Micaela Erlanger nói: “Ra đời để đáp ứng nhu cầu mặc đẹp và phát triển hình ảnh của những người nổi tiếng, stylish không chỉ đơn thuần có gu thẩm mỹ mặc mà còn phải biết công chúng của người nổi tiếng là ai và họ mặc vào dịp nào”.
Với 20 năm kinh nghiệm làm cố vấn thời trang cho các siêu sao Hollywood như Cate Blanchett, Julia Roberts và Sandra Bullock, stylist Elizabeth Stewart chia sẻ rằng kể cả khi làm vì tâm huyết, đây vẫn là một nghề cực nhọc và tốn nhiều thời gian. Các stylist luôn phải tìm cách tạo mối quan hệ tốt với nhà tạo mốt và nhà thiết kế thời trang để được mượn đồ không tốn phí. Đa số nhà tạo mốt chỉ muốn liên kết với những ngôi sao thật sự nổi tiếng để họ kiểm soát hình ảnh thương hiệu của mình.
Đó cũng là lý do không ít lần những stylist đầy kinh nghiệm như Travis, Tân Đà Lạt, Lê Minh Ngọc, Đỗ Long hay cả những người mới như Zoe Phan, Đạt Trần đã phải đền tiền cho nhà tạo mốt vì bộ váy cho mượn của họ bị hư hại.
Stylist Lê Minh Ngọc chuẩn bị trang phục cho Hồ Ngọc Hà trước khi xuất hiện trước công chúng Ảnh: TARO
Không ít người vẫn nghĩ stylist là công việc nhàn hạ, được nhận lương cao. Thế nhưng, ít ai biết để trở thành stylist được tín nhiệm, họ phải trải qua quá trình dài đầu tư nhiều công sức để tự tạo năng lực cho mình. Erlanger (stylist của Lupita Nyong’o) đã mất gần 10 năm để bắt đầu công việc của mình (từ lúc học trường cao đẳng thời trang đến khi ra làm việc, tích lũy kinh nghiệm tại một số tạp chí, làm công việc trợ lý cho stylist nổi tiếng trước khi trở thành stylist có tên tuổi) nhưng mức lương cô nhận được khá bấp bênh. “Bạn có thể khấm khá khi có 3 khách hàng cùng lúc nhưng lúc khác lại túng thiếu vì chẳng có ai” - Erlanger nói.
Travis, stylist của diễn viên Minh Hằng, cho biết: “Lương chúng tôi được nhận thường chỉ là tượng trưng”. “Sao mới nổi thì không có tiền trả còn sao cũ thì trao đổi theo kiểu tôi làm stylist cho họ còn họ sẽ chụp hình giúp cho những mẫu thiết kế mới hoặc mặc đồ của shop thời trang để quảng cáo không lấy thù lao. Sự hoán đổi mang tính chất tình cảm hơn là nhận một khoản lương cố định như các stylish ở nước ngoài” - stylist Đỗ Long chia sẻ.
“Trăm dâu đổ đầu tằm”
Trước một sự kiện có nhiều sao tham dự, nhiều stylist chạy đôn chạy đáo, giành giật mẫu váy đẹp nhất từ những nhà thiết kế nổi tiếng cho khách hàng của mình. Jen Rade (stylist của Angelina Jolie) kể trước ngày đến gặp khách hàng để thử trang phục dự Oscar, cô thức dậy từ sáng sớm để kiểm tra danh sách dài ngoằng gồm những món đồ cần đem theo: trang phục chính lên đến 20 bộ, trang sức, giày, túi xách, nội y chuyên dụng các loại và cả những thứ linh tinh như băng keo hai mặt, ghim băng, chỉ màu, kim khâu...
Chuyên cần là thế nhưng không có nghĩa stylish sẽ được tin tưởng hoàn toàn. Mang danh là cố vấn thời trang nhưng chưa chắc stylist có quyền chọn mọi trang phục cho “sao”. Nhiều lúc ý kiến stylist cũng không được xem trọng khi “sao” nằng nặc đòi hóa thân thành một nhân vật nào đó mà họ thích, bất chấp có bị chỉ trích của dư luận. Angela Phương Trinh là một ví dụ điển hình. Cô luôn nằm trong tầm ngắm “bóc mẽ” của dư luận bởi những bộ trang phục luôn giống hệt mẫu của các thương hiệu thời trang danh tiếng. “Tất nhiên, những bộ trang phục đó là hàng nhái và stylist đề nghị cần phải làm khác hay ít nhất sáng tạo cho khác với bản gốc nhưng Trinh vẫn đề nghị nhà thiết kế may thật giống, đơn giản vì cô thích thế” - một stylist từng làm việc chung với Phương Trinh kể. Trường hợp của Phương Trinh không phải cá biệt khi rất nhiều người nổi tiếng trong showbiz Việt thi nhau bắt chước hình mẫu nước ngoài và stylish thay vì đưa ra chính kiến của người làm nghề, họ chỉ làm theo ý thích của khách hàng. “Và tất nhiên, stylish phải nhận lỗi khi dư luận lên án” - stylist Đỗ Long nói.
“Chúng tôi chỉ là những ôsin cao cấp thôi” - đó là lời tâm sự của Travis. Stylist thường là người phải nằm bò ra sàn phòng thay đồ để ngắm nghía và chỉnh sửa từng chi tiết trang phục cho “sao”. Hết sự kiện, họ phải mau chóng đóng gói những bộ trang phục đắt tiền này một cách cẩn thận, mang trả cho nhà tạo mốt. “Chạy mượn từng bộ trang phục, tìm kiếm từng món phụ kiện và làm theo yêu cầu của khách hàng. Chúng tôi đích thực chỉ là người giúp việc” - stylist Thành Đạt nói. Nhận xét đó không hề quá lời bởi stylist ở Việt Nam đang trở thành một nghề rất “hot” nhưng tiền lương lại là thứ chưa được bàn thảo đến.
Đòi hỏi tính sáng tạo rất cao
Rob Zangardi và Mariel Haenn (stylist của Jennifer Lopez, Lily Collins và Gwen Stefani) nói rằng mọi người sai lầm khi quan niệm phong cách là kết quả của công thức đơn giản giữa mua sắm và ăn diện. Họ nói rằng: “Nghề này đòi hỏi tính sáng tạo rất cao, tốn nhiều công sức để biến một ý tưởng ban đầu thành một bộ thời trang hoàn thiện”. Không tính đến stylist mới vào nghề và chưa tạo được tín nhiệm đối với các thương hiệu thời trang để có thể sử dụng trang phục của họ thì ngay cả những stylist lâu năm cũng vất vả trong việc phối những bộ trang phục đắt đỏ với nhau. “Dù đó là những bộ trang phục giá vài ngàn USD nhưng không phải cứ khoác lên người là đẹp”- stylist Zoe Phan nhận định. Đó là lý do không ít người đẹp Việt xài hàng hiệu, phụ kiện đắt tiền nhưng vẫn không thoát khỏi tốp “sao xấu”. Khai thác hiệu quả bộ trang phục không phải chuyện dễ nếu stylist không hiểu được xu hướng thị hiếu của thời đại cũng như trang phục đó có phù hợp với người mặc hay không. Đó là lý do “stylist xuất hiện ngày càng nhiều nhưng gặt hái thành công ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay” - stylist Tân Đà Lạt cho biết.
Bình luận (0)