xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm mới tuyệt phẩm sân khấu

Thanh Hiệp

Đưa vào tuyệt phẩm sân khấu cũ hơi thở cuộc sống hôm nay, các sân khấu không chỉ tìm về những vở diễn chuẩn mực mà còn giải quyết được tình trạng khan hiếm kịch bản hay

Gần đây, những vở diễn nổi tiếng một thời bỗng xuất hiện trở lại trên các sân khấu tại TP HCM dưới hình thức tái dựng. Trong đó, “nóng” nhất là kịch bản Bông hồng cài áo của tác giả Hoàng Khâm - Kim Cương do đạo diễn Vũ Minh dàn dựng, đã công diễn tại Sân khấu số 7 Trần Cao Vân với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Xu hướng dàn dựng kịch bản sân khấu nổi tiếng hàng chục năm trước mở ra cho nhiều sân khấu kế hoạch dựng mới những tuyệt phẩm mang tính chuẩn mực, đồng thời giúp sàn diễn thoát khỏi cơn khủng hoảng trầm trọng kịch bản hay hiện nay.

img
Nghệ sĩ Thành Lộc và Hoàng Trinh trong vở Bông hồng cài áo tái dựng của đạo diễn Vũ Minh. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Kích thích niềm đam mê

Điều khiến khán giả chú ý ở những vở cũ tái dựng là không chạy theo phong trào mà có sự đầu tư chu đáo của các sân khấu và ê-kíp thực hiện nhằm đưa hơi thở cuộc sống hôm nay vào kịch, tìm cho vở diễn cũ có đời sống mới gần gũi với người xem.

Khán giả đến xem vở Bông hồng cài áo với bản dựng mới của đạo diễn Vũ Minh đã cảm nhận trọn vẹn hơi thở cuộc sống hôm nay quyện vào câu chuyện kịch đã ra đời hàng chục năm trước.

Về tuyến kịch, bản dựng mới có nhiều hư cấu, thêm thắt một số nhân vật phụ trong đoàn làm phim, làm cho câu chuyện tăng thêm tính hấp dẫn. Điểm chính của kịch bản vẫn là nội dung kể về 2 người con vì ham giàu sang mà bỏ rơi mẹ mình.

Khán giả cũng không cầm được nước mắt trước diễn xuất của các nghệ sĩ trong câu chuyện giàu tính nhân văn này. Bản dựng mới nhấn mạnh yếu tố nhân quả trong đời sống, khi mà 2 người con đối xử lạnh nhạt với mẹ để rồi nhận lấy quả đắng trong đời. Cái chết tức tưởi của người mẹ đã in sâu vào tâm trí khán giả nhiều thế hệ, nay một lần nữa xoáy sâu vào tâm can người xem qua nét diễn xuất hết sức sâu lắng của nghệ sĩ Hoàng Trinh (vai dì Tư bán chè - vai diễn đã “đóng đinh” tên tuổi NSND Kim Cương một thời).

“Dựng vở cũ mang nhiều áp lực nhưng nó kích thích niềm đam mê sáng tạo của người làm nghề. Hiện nay, không ít tác giả sáng tác kịch bản như để trả nợ, hiếm thấy được niềm đam mê cháy bỏng của họ trong từng trang viết. Trong khi đó, ở những tuyệt phẩm này, mỗi câu chuyện đều toát lên niềm đam mê sâu đậm của người viết, khiến cho người dựng đam mê sáng tạo theo” - đạo diễn Vũ Minh hào hứng.

Nâng cao tay nghề

Với những vở kịch cũ nổi tiếng được dựng lại, khán giả phần nào yên tâm về kịch bản vì đã được thẩm định khắt khe qua thời gian. Thực tế chứng minh các vở diễn này đã lôi kéo được số đông khán giả đến các quầy vé, áp lực về mặt doanh thu đã không còn là nỗi lo của nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo NSƯT Thành Lộc, việc tái dựng những kịch bản cũ “vẫn phải có cái gì đó mới mẻ để khai thác cảm xúc của khán giả trọn vẹn” .

NSND Hồng Vân nhận xét: “Yên tâm về mặt doanh thu chỉ là một vấn đề, quan trọng nhất là chất lượng của bản dựng mới. Nếu chỉ nói về doanh thu là chưa hiểu hết nội tình của các sân khấu hiện nay. Có nhiều lý do khác thúc đẩy chúng tôi dựng lại vở cũ. Đó là tạo sự chuẩn mực trong biểu diễn thông qua một tác phẩm đã mang tính mẫu mực mà công chúng nhiều thế hệ đã đón nhận và công luận từng ca ngợi. Lợi thế lớn nhất khi dựng lại những vở cũ là giúp diễn viên trẻ nâng cao tay nghề một cách hiệu quả khi tiếp cận các tác phẩm mang tính chuẩn mực này. Chắc ăn hay không là ở chỗ thả vào cái gì cho phù hợp khi tái dựng kịch bản cũ, trước hết là âm nhạc, cách thể hiện, bố cục tổng thể và những hư cấu, thêm thắt mới cho nội dung câu chuyện hấp dẫn nhưng vẫn giữ được sự tinh tế, sâu lắng của câu chuyện. Không thể áp đặt, cực đoan được”.

Rõ ràng, khi dựng vở cũ, không chỉ đạo diễn phải tìm tòi sáng tạo để làm tăng giá trị vở diễn mà các diễn viên trẻ cũng phải tập luyện vất vả mới mong thể hiện nổi các số phận nhân vật đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ đi trước trở thành ngôi sao. Họ được nâng cao tay nghề và yêu nghề hơn qua việc rút ngắn quá trình đào tạo thông qua vở diễn cũ. Thực tế, vở Chuyện lạ đã cho diễn viên Thanh Thúy cơ hội tỏa sáng qua vai diễn từng ghi dấu tên tuổi NSND Hồng Vân. Trên sân khấu cải lương, với vở Bên cầu dệt lụa, NSƯT Kim Tiểu Long và Thanh Ngân đã có cơ hội khẳng định mình...

Luôn ăn khách

Sân khấu cải lương từ 10 năm qua đã cố công tái dựng nhiều kịch bản cũ, đình đám nhất là hàng loạt chương trình kết hợp với truyền hình như: Nhà hát Truyền hình (VTV3), Dưới ánh đèn sân khấu (HTV), Những tác phẩm vang bóng (HTVC)... Công chúng đã được xem các vở diễn dựng lại từ kịch bản các tuyệt phẩm nổi tiếng một thời qua màn ảnh nhỏ, như: Đời cô Lựu (tác giả: Trần Hữu Trang), Kiều Nguyệt Nga (tác giả: Ngọc Cung), Bên cầu dệt lụa (tác giả: Thế Châu), Tình mẫu tử, Một ngày làm vua (tác giả: NSND Viễn Châu)...

Riêng lĩnh vực kịch nói, dù không ồ ạt như cải lương nhưng vài sân khấu xã hội hóa đã tái dựng nhiều kịch bản cũ. Trong đó, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM có vở Chuyện lạ (tác giả: Lê Duy Hạnh); Sân khấu IDECAF với vở Sông dài (tác giả: Hà Triều), Một cuộc đời bị đánh cắp (kịch bản nước ngoài, NSƯT Trần Minh Ngọc chuyển thể); Sân khấu Hoàng Thái Thanh với vở Cơn mê cuối cùng (tác giả: Ngọc Linh)…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo