Sau khi Báo Người Lao Động số ra ngày 2-1-2017 đăng bài “Một kiểu làm sách cẩu thả” phản ánh quá nhiều sai sót trong các cuốn: “Hồ Chí Minh - Biểu tượng của hòa bình và hữu nghị giữa nhân dân toàn thế giới” do Đỗ Hoàng Linh - Nguyễn Văn Dương sưu tầm, biên soạn và “Cách mạng Tháng Tám 1945” (sự kiện, hình ảnh và ký ức) do Đỗ Hoàng Linh - Nguyễn Văn Dương - Vũ Thị Kim Yến sưu tầm, biên soạn (đều do NXB Thông tin - Truyền thông cấp phép, được xác định thuộc kinh phí nhà nước tài trợ), tòa soạn đã nhận được thông tin từ bạn đọc Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường ĐH An ninh Nhân dân, cho biết đang cất giữ nhiều đầu sách khác cũng có nội dung về lãnh tụ và những sự kiện xã hội lịch sử quan trọng nhưng nội dung cực kỳ nhảm nhí, đang được lưu hành công khai trên thị trường.
Kiếm tiền quá dễ
Cuốn “Hồ Chí Minh - Con người và thời đại dấu ấn trong lòng dân tộc” được NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành hồi năm 2014 do tác giả Hải Sơn sưu tầm và biên soạn, dày 432 trang, giá bán 335.000 đồng/cuốn thực chất là những bài viết tập hợp từ nhiều nguồn, cả báo chí, các trang web chính phủ, trang web địa phương và các trang web khó kiểm chứng.
Cuốn “70 năm nhìn lại nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Một sự thật lịch sử” do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2014, giá bán 350.000 đồng/cuốn. Khi mở sách ra thì… hỡi ôi, chỉ là một mớ tài liệu chưa kiểm chứng, được tập hợp cẩu thả. Phần 1 của cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - một sự thật lịch sử” chỉ là một bài viết nhỏ của một tác giả, dài gần 10 trang in khổ A4. Phần 2 “Tội ác chiến tranh của phát xít Nhật tại Việt Nam” cũng chỉ dài 9 trang in. Phần 3 “Vạch rõ nguyên nhân gây ra nạn đói” dài 9 trang in. Những bài viết ngắn lại được kèm theo các bảng biểu số liệu dài dòng như “Danh sách các hộ ở thôn Lương Phú” và “Xóm Trại của thôn Thượng” dài 21 trang (từ trang 89 đến trang 109), “Các hộ gia đình ở Lương Phú và người chết trong hộ” dài 12 trang, từ trang 129 đến trang 141… và rất nhiều bảng biểu khác nữa khiến người đọc có cảm giác người biên soạn đang sử dụng tài liệu hội thảo in ra kiếm tiền.
Cuốn “Những cuộc đàm phán lịch sử trong thời đại Hồ Chí Minh” có sử dụng 2 hình ảnh minh họa “Quang cảnh hội nghị Genève” và “Đồng chí Tạ Quang Bửu thay mặt Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Đông Dương năm 1954” nhìn qua đã biết là lấy xuống từ internet vì ảnh bị vỡ, mờ nhòe, nhìn không rõ bất cứ nhân vật nào trong ảnh để xác định đúng sai.
“Những cuốn sách theo kiểu “biên soạn”, “sưu tầm” này đều có chất lượng in quá xấu, quá ẩu, chẳng khác gì sách sao chụp. Mặc dù có ghi: “Trong quá trình biên soạn cuốn sách này, chúng tôi có sử dụng một số tư liệu từ một số tác phẩm đã xuất bản” nhưng cách nói này chỉ là “lừa đảo”, người biên soạn đã làm không đúng luật. Lẽ ra phải liên hệ và xin phép các tác giả và phải ghi rõ nguồn gốc tài liệu sử dụng nhưng các ấn phẩm này tự động trích dẫn các tài liệu, tự tập hợp bài viết của các tác giả từ nhiều nguồn để in thành sách bán kiếm lời. Thứ hai, những sự thật lịch sử liên quan trong các cuốn sách nói trên chưa được bất cứ chuyên gia nào thẩm định hoặc dẫn theo thông tin xác thực từ những nguồn đáng tin cậy. Thứ ba, có quá nhiều chuyện nhảm nhí được trộn lẫn đưa vào trong sách để tăng độ dày, mọi bảng biểu đưa vào sách chẳng có chút giá trị nào về mặt học thuật” - ông Lê Hoàng Việt Lâm bức xúc nêu ý kiến.
Coi thường độc giả
Độc giả Lê Hoàng Việt Lâm cho biết vì công việc thường xuyên của mình cần tham khảo các tài liệu như thế nên khi có người gọi điện tới cơ quan để tiếp thị các đầu sách nói trên, anh và đồng nghiệp đều lựa chọn đặt hàng. Không ngờ, khi nhận được sách, mở ra đọc mới thấy thất vọng kinh khủng. Anh cho biết chẳng tham khảo được gì từ những cuốn sách này, tất cả các bài viết được tập hợp trong sách hầu như khi tra trên Google đều có thể tìm thấy ngay, vậy tại sao lại phải bỏ một số tiền lớn như thế để chuốc nỗi bực bội?
Tất cả những cuốn sách nói trên đều được các nhà xuất bản cấp phép xuất bản. Với số lượng in ghi trên sách là 1.000 cuốn, giá bán 350.000 đồng/cuốn, người làm những cuốn sách này đã thu được 350 triệu đồng mỗi đầu sách, thực tế số lượng in có thể lên đến bao nhiêu là tùy nhu cầu thị trường mà không cơ quan chức năng nào kiểm soát.
“Cầm những cuốn sách này, chúng tôi chẳng tham khảo được bất cứ kiến thức nào. Khi mua phải sách làm ẩu, thậm chí làm gian, chúng tôi biết phản ánh với ai? Số điện thoại gọi đến bán sách có phải khi nào người mua cũng lưu lại đâu? Mà có lưu lại nhưng gọi người ta không đến thì biết làm thế nào? Làm sao có thể vào Nam ra Bắc gặp lãnh đạo các NXB này để hỏi cho rõ tại sao các vị lại cấp phép ẩu đến thế?” - giảng viên Lê Hoàng Việt Lâm thất vọng bày tỏ.
Bình luận (0)