Hè năm nay, NXB Trẻ đưa ra thị trường phục vụ độc giả nhí tới 800 tựa sách, trong đó 700 tựa tái bản và 100 tựa sách mới. Đó là một nỗ lực lớn của NXB này bởi ai cũng biết viết sách cho thiếu nhi đã rất khó, bán được sách cho trẻ con cũng không dễ chút nào.
Chưa vượt qua tâm lý sính ngoại
Thị trường sách hè sôi động thế nhưng tại cuộc tọa đàm về người Việt viết cho người Việt đọc do NXB Trẻ tổ chức sáng 25-5, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng phần lớn phụ huynh chưa vượt qua được tâm lý sính ngoại, chỉ chọn mua cho con các sách dịch, chưa coi trọng sách của tác giả Việt, trong khi rõ ràng là các câu chuyện trong sách Việt đưa ra gần gũi hơn, bài học cũng sinh động không kém gì sách ngoại.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, tự sự: “Sách thiếu nhi mỏng nên khó bày trên quầy, vì thế NXB phải đi năn nỉ các nhà sách trưng bày giùm, không bán hết thì gom trả lại. Sách thiếu nhi thường là xếp chồng lên nhau, chứ không được bày ra nhiều tựa trên quầy. Biết thực trạng là thế nhưng người viết đã than khó rồi, NXB không thể than khó được nữa. Nhà văn viết xong là xong việc, làm thế nào để sách tới được tay người đọc là việc của NXB”.
Sách Việt chưa thật hấp dẫn
Nhà văn Lê Văn Nghĩa rất thành công với cuốn truyện dài “Mùa hè Petrus Ký” được học sinh trung học rất hâm mộ. Ông cho biết mình cố gắng cao nhất để loại bỏ tính chất giáo điều trong truyện viết cho trẻ. Làm được điều này rất khó bởi vì đa phần các nhà văn viết cho thiếu nhi chỉ thành công khi đã… lớn tuổi. Theo nhà văn Lê Văn Nghĩa, cần giáo dục trẻ bằng những bài học hấp dẫn và xúc động. Ông khẳng định: “Viết cho thiếu nhi đừng nghĩ đến danh tiếng và tiền bạc”.
Họa sĩ Biên Thùy kể: “Hồi trước, tôi thấy có những kỳ thi, học sinh thành phố có vô số em bị điểm 0 môn lịch sử. Tôi lại rất mê lịch sử, thấy sử rất hay. Thế nên, mới suy nghĩ làm bộ sách lịch sử cho trẻ em nhưng bình thường sử khô cứng lắm, tôi thử nghiệm bằng cách kể cho các con tôi và lũ trẻ hàng xóm nghe; nghe xong, nếu chúng nhớ được, nghĩa là câu chuyện hấp dẫn. Bắt tay vào vẽ thì rất dễ dàng đối với tôi nhưng cũng không chủ quan. Thường là tôi vẽ phác thảo xong, để trên bàn, nếu các con và mấy đứa nhỏ hàng xóm dừng lại, ngó lâu một chút hoặc xin tôi mấy tấm hình đó về tô màu thì đó chính là những tấm hình trẻ đã chọn”.
Làm ra được một bộ sách cho trẻ không dễ, tâm huyết của người viết thường phải cộng hưởng với người vẽ, cộng thêm sự hướng dẫn, trao đổi, chỉnh sửa rất nhiều của các biên tập viên mới có được thành quả cuối cùng. Nhưng vì đặc thù sách thiếu nhi thường là mỏng, nhỏ nên nhuận bút khá thấp khiến cả người viết, người vẽ đều nản. Khó viết, khó bán, khó thay đổi tâm lý phụ huynh, thế nhưng, thật mừng là thời gian gần đây, ngày càng có nhiều tác giả Việt tham gia viết cho thiếu nhi Việt. Trong số họ, không phải ai cũng là nhà văn, có người là họa sĩ, có người là nhà giáo, có cả bác sĩ và kế toán.
Sôi động sách hè
NXB Trẻ mới ấn hành 2 bộ sách vừa được giải thưởng sách 2016 của Hội Xuất bản Việt Nam là “Cổ tích mới” của nhà văn Nguyên Hương (giải vàng sách hay), lấy cảm hứng từ các nhân vật cổ tích trong và ngoài nước được kể lại bằng phong thái dí dỏm, thú vị và bộ truyện thơ 4 cuốn của TS giáo dục Thụy Anh (giải đồng sách hay) dành cho bé từ 1-4 tuổi với các bài thơ ngắn như đồng dao, được minh họa bằng hình ảnh, màu sắc rực rỡ. Trong mùa sách hè, bé có thể vừa chơi vừa học với các bộ “Giúp bé làm chủ cảm xúc”, “Giáo dục trí tưởng tượng cho bé” (Nguyễn Tấn Thanh Trúc). “Tớ nghĩ gì khi còn bé” (họa sĩ Biên Thùy) là bộ sách tương tác với người đọc, có sẵn các câu hỏi dành cho các em tuổi từ 6-10, với mục đích rèn luyện khả năng viết (hoặc nói) những điều mình nghĩ.
“Con nít tụi mình” (Phan Vũ và Ngọc Nga), “Nam nhi đại trượng phu” (Văn Thành Lê), “Siêu nhí hỏi, siêu sao trả lời”, “Kiến thức bé thơ”, “Tớ tìm hiểu nghề”, “Học ứng xử qua ngụ ngôn”, “Cùng bé làm nghệ sĩ”… đưa ra những góc nhìn mới mẻ, có cầu nối giữa thế giới trẻ con với thế giới người lớn trong ngôn ngữ, câu chuyện.
Bố mẹ cũng có thể đọc sách cùng con với các bộ “10 phút cùng con mỗi ngày”, “Con lớn lên từng ngày” (Lê Lan Anh), “Bộ sách Usborne”, “Khởi đầu lịch sử”, “Cuộc sống bao điều hay”… giải thích cho trẻ nhiều khái niệm về thế giới rộng lớn.
Các bộ sách “Vì em là người Việt Nam” (Bình Linh - Quang Phúc) có các kỹ năng rèn đức tính tốt cho trẻ qua các gương danh nhân sử Việt; bộ “Truyện tranh danh nhân lịch sử Việt Nam” của họa sĩ Biên Thùy cũng rất thành công với các tấm gương danh nhân được kể lại, thú vị và gần gũi với trẻ nhỏ.
Bình luận (0)