Chứng kiến “thảm họa dịch thuật” năm 2005, những nhà quản lý đã phải giật mình trước những bản dịch tồi tệ được phanh phui. Ngay lập tức, Hội Nhà văn Việt Nam đã phải mở bàn tròn để bàn về vấn đề dịch thuật (18-1). Nhiều dịch giả tiêu biểu đã được mời đến tham vấn. Tiến tới mục tiêu “làm sạch” văn học dịch trong nước, các dịch giả uy tín, lâu năm đã xắn tay vào cuộc.
Khắc phục “thảm họa”
Giọt nước cuối cùng làm tràn “thảm họa dịch thuật” là bản dịch nhiều lỗi Mật mã Da Vinci của Dan Brown. Ngay sau khi sự việc này bị báo chí lên tiếng, đại diện Nhà Xuất bản VHTT đã đề nghị dịch giả Dương Tường hiệu đính, khắc phục những lỗi sai, hoàn thiện tác phẩm Mật mã Da Vinci. Đích thân dịch giả Đỗ Thu Hà phải lên tiếng nhờ cậy, ông mới đồng ý nhận hiệu đính bản dịch này. Dịch giả Dương Tường cho biết, hiện nay, ông mới hiệu đính được hơn một nửa. Ông hầu như phải dịch lại từng câu chữ do bản dịch sai quá nhiều. Dịch giả Dương Tường tâm sự: “Tôi mất khá nhiều công sức cho tác phẩm này. Giá như dịch thẳng tác phẩm có khi còn đỡ mất thời gian hơn”.
Bước qua tuổi 58, dịch giả uy tín Trịnh Lữ, người cho ra đời các tác phẩm dịch nổi tiếng như Cuộc đời của Pi (giải thưởng về dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam 2005); Con nhân mã trong vườn... lại bắt tay dịch lại Norwegian Wood (Rừng NaUy) - một siêu phẩm văn học thế giới cũng của nhà văn Nhật Bản Murakami, xuất bản cách nay hơn 30 năm (trước đây, bản Rừng Na Uy đã xuất bản tại Việt Nam). Song song đó, ông cũng sẽ hoàn thành tập sách kinh điển Utopia - nhân gian ảo mộng của Thomas Moore.
Ngoài ra, dịch giả Sơn Lê cũng đích thân hiệu chỉnh lại tác phẩm Những người đàn bà tắm của nhà văn nữ Trung Quốc Thiết Ngưng mà lần xuất bản trước, ông chuyển tên thành Khát vọng thời con gái. NXB Hội Nhà văn vừa cho ra đời bản dịch này.
Tuyển chọn nhiều bản dịch mới
Bên cạnh việc dịch lại những tác phẩm đã xuất bản tại Việt Nam, những dịch giả uy tín vẫn tiếp tục tìm tòi, tuyển chọn để giới thiệu đến người đọc những tác phẩm mới của văn học thế giới.
Hơn bảy tháng nay, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng đang miệt mài với tác phẩm Wind-up bird chronicles (tựa dịch của dịch giả Trịnh Lữ là Biên niên chim dây cót), một tiểu thuyết xuất bản từ năm 1995 cũng của nhà văn người Nhật Haruki Murakami, cha đẻ của Kafka trên bờ biển (Kafka on the Shore), Rừng Na Uy... Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cho biết, đây là một tác phẩm khá phức tạp mà ông đã mất khá nhiều thời gian đầu tư. Một phần trong tác phẩm là vấn đề con người tự tìm kiếm và hoàn thiện bản thân mình. Tuy nhiên, việc tóm tắt được tác phẩm này không dễ. Thậm chí ông muốn viết lời giới thiệu cho cuốn tiểu thuyết này cũng khá gay go. Sức sáng tạo cũng như trường liên tưởng của tác phẩm rất rộng. Nhiều tuyến nhân vật, nhiều dòng suy tưởng trong đó khiến việc chuyển tải sát nghĩa tác phẩm đồng thời phải giữ được phong cách nhà văn là một thách thức với dịch giả. Từng câu, từng chữ trong tác phẩm ông đều phải chắt lọc.
Theo kế hoạch, dịch giả Lê Xuân Quỳnh, cha đẻ của bản dịch Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (G. G. Marquez) sẽ cho ra đời 3 bản dịch của văn học Mỹ La tinh trong năm 2006. 30 năm làm việc tại các nước châu Mỹ La tinh đã cho ông kiến thức vững chắc về ngôn ngữ cũng như văn hóa của những quốc gia này. Ông cho biết, việc dịch tiểu thuyết Ozahir, tác phẩm cuối cùng của nhà văn Brazil Paulo Coelho, đang bước vào giai đoạn cuối. Có thể vào đầu tháng 4 sẽ ra mắt dịch phẩm này. Bên cạnh đó, dịch giả Lê Xuân Quỳnh cũng đang tập hợp tài liệu để tiến hành chuyển ngữ tuyển tập truyện ngắn Brazil và tuyển tập truyện ngắn của các tác giả nữ Mỹ La tinh. Lê Xuân Quỳnh chia sẻ: “Tôi chỉ chọn dịch tác phẩm nào mình thực sự cảm thụ được. Mình hiểu tác phẩm là chuyện dễ nhưng để người đọc cũng hiểu và cảm nhận được tác phẩm như chính giá trị của nó là cả một vấn đề. Với tôi, chuyển ngữ là việc phải làm quyện được cái hồn tác phẩm vào văn hóa và con người Việt Nam”.
Bình luận (0)