Mười bốn tuổi được giải thưởng thơ báo Quảng Bình cho những sáng tác đầu tiên; năm 1971 được trao giải nhất báo Văn nghệ cho chùm thơ trong đó có bài thơ nổi tiếng "Khoảng trời và hố bom"; là một trong những tác giả nữ quen thuộc của thơ ca Việt Nam đương đại đồng thời là vợ của nhà văn nổi tiếng Hoàng Phủ Ngọc Tường và là mẹ của cây bút thiếu nhi khá đặc biệt Hoàng Dạ Thi (làm thơ khi chưa đầy 5 tuổi, tác giả nhí với 3 tập truyện 1 tập thơ và 3 giải thưởng văn học, Lâm Thị Mỹ Dạ gây ấn tượng cho cả những người từng gặp gỡ trò chuyện lẫn những người chưa bao giờ nhìn thấy chị.
"Hạnh phúc tính bằng khoảnh khắc"
Mới gặp và trò chuyện, khó ai hình dung rằng, người đàn bà đẹp có nụ cười tươi rói và giọng nói khẽ khàng như sợ đau cả không gian ấy lại có những câu thơ buồn đến tức tưởi: Em chết trong nỗi buồn/chết như từng giọt sương/rơi không thành tiếng. (Tặng nỗi buồn riêng). Là một phụ nữ xinh đẹp mang trong mình những phong cách rất đặc trưng của miền trung, chị là nữ thi sĩ có tiếng đào hoa trên văn đàn. Nhưng tình yêu đầu đời với một nhà thơ lính nổi tiếng đã tan vỡ nhanh chóng "không hiểu vì sao"... rồi yên ấm mỏng manh, rồi bao nhiêu những giọt nước mắt... Thì ra "Hạnh phúc chỉ được tính bằng khoảnh khắc. Khát khao thì nhiều lắm, nhưng thực tế trong cuộc đời tôi tình yêu sâu nặng hiếm hoi...". Những nỗi buồn trong thơ chị bắt nguồn từ những ngày xa ngái, khi chị còn là cô bé lãng đãng sống cùng mẹ bên dòng Kiến Giang...
...Ông nội là địa chủ, bố bỏ vào Nam từ năm 1949, một mẹ một con côi cút ở lại quê hương. Mẹ chỉ vì biết chút ít tiếng Pháp mà có lúc bị quy là gián điệp. Mới 7 tuổi - cái tuổi có đứa trẻ còn phải được bón cơm - chiều chiều chị đã phải một mình đi dọc một bờ sông dài để mang những mo cơm cho mẹ.
Cảm giác côi cút trong những buổi chiều hoàng hôn khi ráng trời hắt đỏ lên dòng sông làm cho nó rực lên như một dòng sông máu, như vẫn còn tức tưởi trong lòng chị cho đến tận bây giờ. Người mẹ giỏi giang tần tảo trọn một đời hy sinh cũng chỉ tạo được cuộc sống vật chất đầy đủ chứ không tránh được những thiếu thốn, dằn vặt trong cuộc sống tinh thần của đứa con yêu.
Tôi đã từng đốt 45 bài thơ đầu đời vì sợ sáo mòn
Những năm Mỹ đánh bom phá hoại miền Bắc, Lâm Thị Mỹ Dạ phải xa mẹ, xa quê theo bạn theo thầy đi học với ước mơ vào được đại học. Nhưng rồi sau những năm tháng miệt mài, khi tất cả bạn bè nô nức bước vào những giảng đường lớn thì chị một mình quay trở về quê vì lý do lý lịch gia đình. Trái tim non nớt lần đầu trong đời tràn ngập nỗi thất vọng. Tủi phận, chị đã chọn con đường quốc lộ thường xuyên bị đánh bom, một mình đi bộ 120 cây số về quê với mong muốn biết đâu có một trái bom rơi trúng mình để có thể chết đi. Nhưng số phận đã muốn chị sống.
Cũng may, về sau nhà thơ Xuân Hoàng - lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội văn nghệ Quảng Bình
Tiểu sử văn học:
- Quê: Lệ Thuỷ, Quảng Bình
- Tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du khoá 1
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
- Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam
- Tổng Thư ký Hội nhà văn Thừa Thiên Huế
- Tác phẩm đã xuất bản:
Thơ:
+ Trái tim sinh nở, Nxb Văn học, 1974
+ Bài thơ không năm tháng, Nxb Tác Phẩm mới, 1983
+ Hái tuổi em đầy tay, Nxb Đà Nẵng, 1990
+ Mẹ và con, NXB Phụ nữ, 1995
+ Đề tặng một giấc mơ, Nxb Thanh Niên, 1998
Truyện thiếu nhi:
+ Danh ca của đất,1984
+ Nai con và dòng suối, 1989
+ Nhạc sĩ Phượng Hoàng, 1989
- Giải thưởng:
+ Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ,1973
+ Giải A về đề tài thương binh liệt sĩ, Bộ Nội vụ,1973
+ Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam, 1981-1983
+ Giải A thơ năm 1999 của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. |
Mười tám tuổi về Hội văn nghệ Quảng Bình, không có gì ngoài tình yêu đối với thơ. Được một nhà thơ đi trước quan tâm, luôn nhắc nhở "làm thơ phải cho vần" Lâm Thị Mỹ Dạ đã say mê viết, có khi mỗi ngày viết được mấy bài, cố sao cho thật vần. Một lần, nhà thơ Trần Vũ Mai trên đường đi chiến trường ghé qua Hội văn nghệ Quảng Bình nghỉ chân, Lâm Thị Mỹ Dạ đã nhờ anh đọc tập bản thảo của mình. Chỉ sau chừng hai tiếng đồng hồ, nhà thơ Trần Vũ Mai nói với chị "bỏ hết, bỏ hết, cũ lắm, sáo lắm, làm thế này nữa thì chết, muốn đi vào thơ phải bỏ hết, đừng tiếc". Chị nghe và đã đốt hết cả tập thơ 45 bài chỉ giữ lại đúng một bài.
Rồi chị được tham gia một lớp Bồi dưỡng của Hội nhà văn tại Quảng Bá, Hà Nội. Mười năm sau chị vào học trường Viết văn Nguyễn Du. Chị nói: "Miền quê của thơ tôi là nỗi buồn. Thơ tôi được cấy trồng trên nỗi buồn dằng dặc có từ kiếp nào".
Quả tình, đằng sau nét hồn nhiên, dung dị, có chút gì non tơ trong những câu thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ, là những thoáng u buồn phảng phất, xa xăm: "Tôi mơ thành tôi / tôi mơ thành chim / tôi mơ thành giấc mơ"
- Thơ thường cần những phút giây lãng mạn của tâm hồn và những nét thơ mộng của đời sống, mà cuộc sống hàng ngày, nhất là đối với một phụ nữ thì... Chị đã làm cách nào để thơ đến được với mình?
- Sống và chờ đợi thôi. Thơ là thứ biến hiện đột ngột, nắm bắt được thì có, không thì mất. Sự mất còn này là rất mong manh. Lòng mình dù muốn có thơ, nhưng giữ thơ ở mãi với mình không dễ.
- Gần đây chị có bài thơ mới "Lá cờ trắng" mà nội dung gần như là lời tuyên bố đầu hàng trước Thơ của chị. Có phải khi không còn trẻ nữa, nói như Huy Cận "Đi hết đường thì lòng cũng hết yêu", thì sẽ không còn thơ?
- Đó là một phút tuyệt vọng của tôi. Sau khi công bố "Lá cờ trắng" tôi đã lại tiếp tục có những bài thơ mới. Thơ không chỉ viết về tình yêu. Người ta có thể làm thơ về nỗi khổ, về bất hạnh... chỉ cần có một tấm lòng và một trái tim, và còn rung động trước đời sống.
"Ta thành trái mà hồn còn như lá"
Yêu cái mơ mộng của người Huế mà lấy chồng, Lâm Thị Mỹ Dạ đâu hiểu được Hoàng Phủ Ngọc Tường - người luôn trăn trở thao thức đến đau đáu về thế sự, về những điều lớn lao trong tư tưởng, trong tinh thần, về nhân dân, về dân tộc... nhưng lại đơn giản, tuềnh toàng trước đời sống cơm áo hàng ngày.
Với một ông chồng nhà văn không hề biết đến tiền, trong những năm tháng bom đạn gian khổ đói kém, chị đã sinh con, nuôi con và không nhớ là mình đã dành chỗ cho sự mơ mộng của thơ mình ở đâu nữa. Hai sáu tuổi đời, bế đứa con 8 tháng tuổi trên tay theo chồng về Huế vào năm 1975, cô gái của miền Trung cát bụi bước ra khỏi cuộc sống đơn giản trong chiến tranh để thực sự sống cuộc đời làm dâu của Cố Đô nền nếp.
Các đồng nghiệp bạn bè của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn nhắc vui chuyện Mỹ Dạ đã từng "bù lỗ" cho sáng tác của chồng như thế nào. Năm 1979 khi chiến tranh biên giới nổ ra, trái tim yêu nước lại sôi lên trong con người cầm bút, cầm súng một thời, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chờ lệnh tổng động viên để lại lên đường. Rồi sốt ruột vì tin chiến sự, không đợi được nữa, chỉ mười ngày sau, nhà văn bảo vợ: "Anh phải đi thôi, trong nhà mình có bao nhiêu tiền?". Hiểu được mong ước của chồng, Lâm Thị Mỹ Dạ lẳng lặng mang 3 xấp vải áo dài đi bán rồi đưa thêm cho chồng 2 tháng lương cộng thêm một số tiền vay mượn nữa để anh có thể tự đi thực tế lên biên giới.
Sau chuyến đi ấy, cộng thêm 20 ngày đóng cửa ngồi trong nhà với 3 tút thuốc lá và 1kg trà, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cho ra đời bút ký nổi tiếng "Rừng hồi". Nhuận bút mà báo Văn Nghệ trả cho bút ký này sau khi đăng là 3 đồng! Thì các nhà văn đa số đều phải có người bù lỗ. Đương nhiên người bù lỗ nhiều nhất không ai khác chính là những người vợ của họ.
- Chị bù lỗ cho sáng tác của chồng, vậy ai bù lỗ cho sáng tác của chị?
...Cặp mắt Lâm Thị Mỹ Dạ rưng rưng. Chị kể ngày vào học trường viết văn Nguyễn Du, chị phải mang theo cả con nhỏ. Bé Hoàng Dạ Thi lúc đó mới 3 tuổi. Hà Nội những năm vừa ra khỏi chiến tranh chắc chẳng ai quên. Chị phải chắt chiu từng đồng tiền phụ cấp để mỗi ngày mua được một mớ rau, mấy bìa đậu và một tuần mua được vài lạng thịt cho con.
Một lần dắt con đi chợ, khi qua quầy có bày mấy hộp sữa, bé Hoàng Dạ Thi đã không chịu đi nữa. Hỏi mãi bé mới nói. "Con thèm sữa quá rồi, con không đi được nữa, mẹ mua sữa cho con". Nếu mua 1 hộp sữa cho con thì tiền ăn cả chục ngày sau sẽ không còn. Chị đành dỗ dành "Con thèm đến mức nào? Thèm ít thì để bữa khác mẹ mua cho, hôm nay mẹ hết tiền rồi", bé Thi lập tức nói "Con thèm giống như cái lò xo bật hết nấc lên rồi". Câu nói kỳ lạ từ miệng đứa con 3 tuổi đã làm chị không chịu nổi, chị quyết định mua cho con hộp sữa và quay về.
Cũng vào dạo đó, một lần khác bé Thi đòi ba dắt ra con đường ven hồ Quảng Bá để ngóng mẹ. Ngóng mãi không thấy mẹ về, đói mà không dám khóc. Ngồi dưới tán cây nhìn lên thấy mặt trời đỏ sau vòm lá, bé hỏi ba "Ba ơi mặt trời có phải là trái không? Có ăn được không?". Nhà văn nói để cho con khuây khoả "mặt trời có thể ăn được". Không ngờ bé Thi liền đòi: "Ba tìm sào chọc mặt trời cho con ăn, đói lắm rồi". Tiếp tục trò chơi với con, nhà văn loay hoay đi tìm cành cây, khi tìm được thì vầng mặt trời đã trôi khỏi vòm cây ra giữa hồ, đứa trẻ lăn quay ra đất gào khóc "Mặc kệ ba, ba phải chọc mặt trời cho con ăn, con đói lắm rồi"...
- Bây giờ mỗi ngày chị sống ra sao?
- Thường là thức dậy lúc 4h30, tập thể dục, rồi tập cho anh Tường. Mỗi đêm dậy ba hoặc bốn lần để giúp mỗi khi anh khó thở hoặc đi vệ sinh. Nếu lần cuối cùng mà vào chừng 4h là mừng lắm vì có thể thức đến sáng, chứ nếu vào lúc 1h hoặc 2h thì sợ vô cùng vì ngủ lại không được mà thức thì quá dài. Sau đó là bữa sáng, rồi tiếp khách, rồi đọc lại và sửa chữa các sáng tác của anh ấy do người giúp việc ghi, sau đó đưa đi đánh máy.
Sau một cơn đột quỵ, sáu năm nay nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị liệt một chỗ. Vừa chạy chữa khắp nơi, nhà văn vừa sáng tác. Ông đã viết được 4 cuốn sách trong đó có cuốn bút ký nổi tiếng "Ngọn núi ảo ảnh". Cuộc sống của ông giờ đây trông chờ vào đôi bàn tay chăm nom của vợ. "Hiện giờ tôi chỉ có một mong muốn thực tế, một mong muốn tưởng như giản đơn nhưng thật không dễ đối với tôi là có sức khoẻ, để còn có thể chăm chồng, có thể yêu đời, có thể bước tiếp trên con đường thơ ca".
Bình luận (0)