Sau những ngày nằm viện điều trị, sức khỏe của NSƯT Hán Văn Tình nay đã đỡ hơn rất nhiều. “Tôi nghĩ mình đã lấy lại 70%-80% sức khỏe. Đó thật sự là điều thần kỳ, hình như tôi là “ca hiếm” được trời thương” - anh Quềnh (hay lão Quềnh) của phim “Đất và người” nghẹn giọng chia sẻ.
Vượt lên nỗi đau thể xác
Giọng chùng xuống nhưng chỉ một phút sau, Hán Văn Tình đã lấy lại sự lạc quan vốn có của con người anh. Lại cười, lại vui, lại ấp ủ bao dự định dở dang của mình. “Tôi và nghệ sĩ Trà My đã lên ý tưởng cho một chương trình giao lưu để nói lời cám ơn mọi người. Ý tưởng thì đầy ắp, chỉ chờ điều kiện nữa thôi” - “anh Quềnh” tâm sự.
Trong lúc chờ đêm diễn của mình có thể diễn ra, “anh Quềnh” túc tắc làm nhiều việc, ví dụ tham dự buổi thuyết giảng giúp bệnh nhân ung thư tin vào cuộc sống tại bệnh viện nơi anh từng điều trị để truyền cảm hứng cho các bệnh nhân.
Nhớ lại những ngày đã qua, Hán Văn Tình nói 3 tháng với nhiều người là khoảng thời gian rất nhanh nhưng với anh và gia đình, đó là những ngày quá dài để chống chọi với bệnh tật. Sau khi vắt kiệt sức lực và tâm huyết cho vở kịch “Tiếng gọi non sông” viết về người anh hùng Ngô Quyền vào đêm 27-12-2014, Hán Văn Tình trong khi vào vai Kiều Công Tiễn, đã gần như ngất lịm đi nhiều lần. Gia đình nghệ sĩ đã không còn tin vào tai mình khi nghe tin dữ: anh bị ung thư phổi và ngay lập tức phải nhập viện.
Hình ảnh Hán Văn Tình khóc nghẹn khi bạn bè, người hâm mộ đến thăm trong bệnh viện đã gây xúc động cho rất nhiều người. Nếu không có những hình ảnh này và trước đó là chia sẻ của một người bạn về bệnh tình của anh trên Facebook, người ta sẽ không thể biết đến những nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần của Hán Văn Tình.
Trưởng đoàn hát phải đi bán than kiếm sống
Những người yêu mến anh chỉ biết đến một Chu Văn Quềnh - nhân vật trong phim “Đất và người” do anh thủ vai năm 2001 - ranh mãnh lúc nào cũng cười tít mắt với câu cửa miệng “Không nên hoãn cái sự sung sướng ấy lại”, chứ ít biết đến một Hán Văn Tình - NSƯT vẫn “tàng tàng” với chiếc xe máy rẻ tiền đi diễn hằng ngày, thu nhập cực thấp từ sân khấu tuồng. Bảy năm trước, khi đang là phó Đoàn 1 của Nhà hát Tuồng Việt Nam, lương của anh chỉ vài triệu đồng. Năm 2012, giữ chức trưởng Đoàn 2, lương vượt cấp 21% nhưng mỗi tháng nhận lương bao giờ cũng thấy chi tiêu trong vòng chục ngày là hết. Mà đấy là, theo Hán Văn Tình, anh hoàn toàn không tiêu pha hoang phí, chỉ là ăn uống, sinh hoạt, đổ xăng, đóng tiền điện nước... hằng tháng; chưa tính đến con cái học hành, tiền ốm đau, ma chay, cưới hỏi…
Nếu ở sân khấu kịch, nghệ sĩ còn kéo được khán giả đến rạp nhưng đối với sân khấu tuồng, khán giả bị thu lại cực hẹp. Chính vì thế mà “anh Quềnh” từng có thời phải đi lái xe thuê, đi bán than... để kiếm sống nuôi gia đình, đến giờ, khi đã có tiếng tăm thì vật vã đi đóng quảng cáo, clip, đóng phim... Thế nhưng, số tiền kiếm được từ những nguồn này cũng không phải là nhiều và anh vẫn phải xoay đủ kiểu để sống cho đến khi bị bệnh tật quật ngã.
Mong một mái nhà tử tế
Hán Văn Tình từng được cấp một căn nhà ở khu tập thể Văn công (Mai Dịch, Hà Nội) nhưng sau đó ông bán đi vì thấy bất tiện trong cuộc sống. “Trong khu có một cái cổng chung, hôm nào đi diễn khuya về cũng phải trèo cổng vào vì không muốn đánh động hàng xóm trong khu. Sống như thế mãi thấy không ổn nên bán căn hộ ấy đi, mua một mảnh đất nho nhỏ ở Cổ Nhuế và xây một căn nhà cấp bốn để ở, trồng rau, nuôi gà” - “Quềnh” tâm sự. Anh cũng chia sẻ nhiều khi mong muốn có một cái nhà tử tế, có một ô tô hạng vừa vừa để đi nhưng với đồng lương nghệ sĩ truyền thống thì chẳng biết đến bao giờ mới có được điều ấy. Lương vợ chồng của ông (vợ Hán Văn Tình làm nhân viên của Bệnh viện Xanh Pôn mới về hưu) chỉ vừa đủ chi tiêu cho gia đình và nuôi 2 con (một đang học đại học, một đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm) ăn học. Anh thú nhận đôi khi không dám mời bạn bè ở xa về nhà chơi vì ngại.
Nhưng bù lại những khó khăn về vật chất, nghệ sĩ lớn lên từ làng cười Văn Lang, Phú Thọ này may mắn có được người vợ rất mực yêu thương chồng, con. Chị luôn bên cạnh anh những khi buồn cũng như vui, một tay lo liệu để chồng dành thời gian cho đam mê nghệ thuật, đồng cam cộng khổ với chồng không một lời ta thán... “Cô ấy là người rất ít nói và toàn tâm toàn ý chăm lo cho gia đình. Kể từ khi lấy tớ, vợ tớ lo tất cả việc đối nội, đối ngoại, chăm sóc lo lắng cho ba bố con tớ” - Hán Văn Tình thổ lộ. May mắn nữa là anh có được những người bạn, người hâm mộ luôn ủng hộ mình. Khi thông tin về bệnh tật của Hán Văn Tình được đăng trên báo, rất nhiều người đã quyên góp, ủng hộ, thậm chí tổ chức riêng một đêm nhạc gây quỹ cho Hán Văn Tình; Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cũng nhận điều trị cho anh miễn phí, thay vì dự kiến điều trị bằng thuốc nam như phương án của gia đình ban đầu.
Người tốt được trời thương
Với nhiều người, đón nhận tin bị bệnh ung thư cũng đớn đau như nhận án tử, bởi hiếm ai qua được lần cửa hẹp này nhưng Hán Văn Tình thì không. Sau gần 2 tháng điều trị tích cực, sức khỏe của anh đã được khôi phục 70%-80%, các bác sĩ đã yên tâm để anh về nhà điều trị ngoại trú. Đến giờ, nghệ sĩ hài đã có thể làm được nhiều việc vặt trong gia đình, đã có thể giúp người khác bằng tiếng cười của anh. Ngẫm lại cuộc đời sau khi xảy ra những biến cố quá lớn, nghệ sĩ của những người nông dân chân chất chia sẻ đúng là ông trời không lấy đi của ai cái gì, mà cũng không cho không ai cái gì. “Trải qua những lúc ốm đau sinh tử mới thấy mình thật hạnh phúc. Cứ nghĩ đời mình nghèo nhưng nhìn lại thì tôi giàu hơn rất nhiều người vì tôi có khán giả, bạn bè, người thân luôn bên mình, như thế là quá đủ. Ông trời lại cho tôi được sống, được trân trọng những tình cảm mọi người dành cho mình, trên đời còn điều gì quý giá hơn” - Hán Văn Tình rưng rưng.
Hán Văn Tình sinh năm 1957 tại Văn Lang, Tam Nông, Phú Thọ. Ông học Trường Đào tạo Sân khấu ở Hà Nội từ năm 1973, sau khi tốt nghiệp về Đoàn tuồng Trung ương (nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam) và làm việc ở đó cho đến nay.
Trên sân khấu tuồng, Hán Văn Tình giành được rất nhiều huy chương trong các hội diễn toàn quốc. Anh nổi tiếng với khán giả cả nước qua các phim “Đất và người”, “Bão qua làng”, “Người thổi tù và hàng tổng”, “Phía trước là bầu trời”..., trước đó là các phim nhựa “Canh bạc”, “Vụ áp phe Đông Dương”... Tuy chỉ vào những vai phụ nhưng Hán Văn Tình luôn để lại những ấn tượng khó quên với khán giả. Khác hẳn với cái xuề xòa, chân chất ngoài đời, Hán Văn Tình trên sân khấu, màn ảnh trở thành một con người hoàn toàn khác: gian ngoan, xảo trá trong các vai phản diện.
Bình luận (0)