Phim “Lật mặt 2: Phim trường” do Lý Hải đảm nhận nhiều khâu từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên… vừa chiếu ra mắt tối 28-4 tại TP HCM.
Từ đầu năm 2016, đã có nhiều phim Việt ra mắt với đủ thể loại và được nhận định là chưa có “thảm họa”. Riêng thể loại thuần về hành động có phim “Truy sát” và hành động pha hài có phim “Lật mặt 2: Phim trường” của Lý Hải. Nội dung phim này chủ yếu nói về Trung, một cascadeur chuyên nghiệp kiêm đạo diễn chỉ đạo võ thuật cho đoàn phim. Nhân vật này tâm huyết với công việc của mình nhưng đoàn phim đang quay thì gặp khó khăn về vốn khiến phải dừng lại đột ngột. Đạo diễn phim này là người có tài, năng lực nhưng lại thiếu vốn đến mức bị xiết nhà và rao bán thêm một cái nhà khác. Trước tình hình khó khăn của đạo diễn, Trung và em trai quyết định nhận lời làm việc cho một “đại gia” với hy vọng ông này tiếp vốn cho đoàn phim…
Nhìn chung, phim này của Lý Hải khá ổn ở thể loại hành động, hài. Phim có đầy đủ các cảnh mạo hiểm từ rượt đuổi trên xe, đánh nhau trong lúc xe đang chạy tốc độ cao, đu bám trên thành xe khi xe đang chạy… cho đến những yếu tố hài hước được diễn viên Minh Đạt thể hiện duyên dáng, tiết chế, không quá lố thành “nhảm”. Vì thế, tiếng cười được vang lên sảng khoái ở những phân đoạn hài hước chứ không phải cảm giác bị ép mà vẫn chẳng cười được. Những cảnh cháy, nổ được thực hiện trông thật hơn so với một số phim khác. Một số phân đoạn hành động đơn độc của nhân vật Trung khá đẹp mắt, tạo hứng thú cho người xem.
Phim cũng lồng ghép vào đó những thông tin hậu trường, giúp khán giả hiểu hơn nỗi khó khăn vất vả của ê-kíp khi hoàn tất được một bộ phim. Đặc biệt, phim này ca ngợi về tình yêu nghệ thuật của một đạo diễn có tâm với nghề, tình nghĩa giữa những người trong đoàn phim từ diễn viên cho đến công nhân hậu đài.
Dàn diễn viên dù quy tụ khá đông nhưng có đất diễn riêng của mình và đều thể hiện tròn vai. Phim này khắc phục được trường hợp quy tụ nhiều danh hài nhưng mỗi người chỉ xuất hiện một lúc rồi mất dạng, không tạo dấu ấn gì với khán giả.
Hẳn nhiên, bên cạnh những yếu tố đáng xem, được nhận định là đầu tư tử tế vẫn có những “hạt sạn” khiến phim chưa tạo đột phá trong thể loại của mình. Những cảnh đánh tay đôi hay đại cảnh đánh nhau loạn xạ giữa hai phe thiện – ác trông giống dòng phim xã hội đen Hồng Kông trước đây.
Sự cũ kỹ này có lẽ cần được thay đổi ở thể loại hành động Việt bởi phim “Truy sát” cũng gặp nhược điểm tương tự. Khán giả thấy mình như xem phim Hồng Kông trước đây hơn là tiêu chí hành động nhanh, quyết liệt, hiện đại của thể loại hành động thuộc điện ảnh thời nay. Cảnh các “đại gia” gặp nhau, đối đầu rồi thanh toán nhau… cũng mang lại cảm giác cũ kỹ này. Thêm vào đó, để tạo nhiều tiếng cười, cân bằng với yếu tố hành động nên phim có một số trường đoạn dài dòng, lê thê. Trong khi đó, sự phát triển nội tâm của một số nhân vật phụ thay đổi chóng vánh, khiến người xem hụt hẫng. Sự thay đổi nhanh nhất là của nữ diễn viên ban đầu là người chua ngoa, chảnh chọe theo kiểu bệnh ngôi sao trên phim trường, chỉ biết đến tiền nhưng chỉ sau lần chứng kiến đạo diễn bị xiết nhà, đuổi ra sân đã thay đổi tính cách biết sẻ chia, đồng cảm.
Bình luận (0)