Thêm nữa, vở kịch với nội dung sâu sắc, đề cao những bài học lịch sử này cũng nằm trong chương trình chào mừng lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Lễ mở xiêm áo là sự nối tiếp của bộ Thăng Long ký, do nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết cách đây đã gần 10 năm. Năm 2004, nhà văn gửi kịch bản đến Sở VH-TT Hà Nội, sau đó không nhận được hồi âm. Bốn năm sau, ông bất ngờ khi biết Nhà hát Cải lương Hà Nội dàn dựng tác phẩm của mình.
Lúc đầu, nhà hát mời NSND Doãn Hoàng Giang làm đạo diễn, song do “ông già” họ Doãn quá bận nên không thể nhận lời. Người được chọn thay thế đạo diễn gạo cội là anh Trần Quang Hùng, gương mặt “mới toanh” của sân khấu. Dù Lễ mở xiêm áo là vở diễn đầu tay song Quang Hùng tự nhận, anh không chịu áp lực khi dàn dựng một tác phẩm lịch sử có quá nhiều nhân vật với số phận và tính cách phức tạp, khó hơn, đây là vở diễn đề cập đến vận mệnh đất nước.
Nhân vật chính của Lễ mở xiêm áo là Hoàng Cương, một danh sĩ Thăng Long có cuộc sống nội tâm phức tạp. 10 tuổi, Hoàng Cương được mẹ yêu cầu thề độc: phải giết Lê Thái Sư để trả thù cho cha. Mẹ của anh chết ngồi ngay giữa pháp trường, khi cha vừa bị kết tội chém đầu. Lớn lên, Hoàng Cương thi đỗ thái học sinh và tìm cách tiếp cận Lê Thái Sư để trả thù. Tình cờ, anh được con gái Thái Sư đem lòng yêu thương và giúp anh được vào làm việc trong phủ của cha nàng.
Trong lúc day dứt vì phải lợi dụng tình cảm của người con gái trong trắng để thực hiện âm mưu mờ ám, Hoàng Cương gặp ca nương trẻ đẹp Đào Mây, người đang chuẩn bị làm lễ mở xiêm áo, một nghi thức bắt buộc để được phép hát trong giáo phường. Giữa họ đã nảy sinh tình yêu thơ mộng.
![]() Cảnh trong vở Lễ mở xiêm áo |
Lúc này, Nguyễn Chính, người em kết nghĩa của Hoàng Cương, xuất hiện. Hoàng Cương bị tên này lợi dụng khiến anh phải xa cách người yêu, đồng thời nghi ngờ Lê Thái Sư cố ý hại mình nên càng quyết tâm trả thù. Thế nhưng, lúc quyết định cho Thái Sư uống thuốc độc cũng là lúc Hoàng Cương nhận ra: ông là người yêu nước. Lê Thái Sư đưa ra những bằng chứng cho thấy cha Hoàng Cương bị xử chém vì đã từng dâng đất cho ngoại bang.
Chính lòng cương trực, ngay thẳng mà Thái Sư đã ra lệnh giết con trai mình vì tội không hoàn thành sứ mệnh chặn quân xâm lược. Điều này khiến Hoàng Cương vô cùng cảm phục. Vở diễn kết thúc với âm hưởng bi tráng khi Hoàng Cương hy sinh vì tự do của dân tộc, mang theo ước mơ hạnh phúc bên ca nương Đào Mây.
Sau khi xem tổng duyệt, nhà văn Nguyễn Khắc Phục vô cùng xúc động. “Các bạn đã dựng cho tôi vở diễn tuyệt vời nhất trong đời.
Nếu chọn giữa Kẻ sĩ Thăng Long, vở kịch từng được trao nhiều giải thưởng và Lễ mở xiêm áo để biểu diễn trong đại lễ, tôi chọn vở thứ hai” - ông bộc bạch. Theo nhà văn, những nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Hà Nội đã tự trưởng thành trong bóng tối, bởi từ lâu họ không có nhiều cơ hội làm nghề.
Song, thắc mắc của nhiều đồng nghiệp và khán giả yêu sân khấu truyền thống là liệu Lễ mở xiêm áo có thể công diễn liên tục từ nay đến ngày kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Trực, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội, cho biết đơn vị này sẽ cố gắng diễn càng nhiều, càng tốt và sẽ đưa Lễ mở xiêm áo vào danh sách vở diễn phục vụ chính trị để biểu diễn khắp các tỉnh.
Bình luận (0)