Xin trích lược:
Lê Nhược Thủy và tôi có ngót gần 50 năm quen biết. Tôi nhớ, vào một đêm mưa ở Huế cuối năm 1971, trong ngôi nhà có giàn hoa giấy nở rộ bốn mùa ở số 22 Trương Định, gần cầu Trường Tiền bên bờ Nam sông Hương, những người làm thơ đấu tranh và nhóm trí thức Huế đã ngồi lại quanh bàn cà phê của quán chị Giang sau ngôi nhà ấy để bàn về việc chuẩn bị ra mắt đặc san Mặt trận văn hóa dân tộc miền Trung sắp ấn hành. Quay đi quay lại còn thiếu một người, vừa lên tiếng hỏi đã thấy Lê Nhược Thủy đến với dáng cao cao gầy gầy dễ nhận biết. Thủy bận áo ba-đờ-xuy màu xám, đưa ra bản thảo đã đánh máy bài thơ "Ngày Tổ quốc vinh quang" đọc mọi người nghe. Bài khá dài, không lâu sau đăng trên tạp chí Đối diện xuất bản ở Sài Gòn.
Sau năm 1975, Lê Nhược Thủy sống những ngày tháng mộng tiếp theo không phải ở Huế mà trên cao nguyên - Pleiku. Lần này cơn mộng chuyển sang "gam màu" khác, mà đậm nhất là màu trời buồn bên ngoài ngoại cảnh hợp cùng với màu trời không mấy vui trong tâm hồn: "Ngọn lửa ngàn mùa chừng như đã tắt. Ngày âm u và đêm cũng âm u. Ta phiêu diêu đứng giữa sương mù". Anh dạy học ở Pleiku mười năm, đến Đà Lạt và dừng chân ở Blao, lãng mạn với "một bông hoa trắng". Chuyển về Sài Gòn: "rượu tràn cay mắt đỏ - nửa đời tựa khói sương - gặp em ngờ trong mộng".
Vậy đó, Lê Nhược Thủy mộng ở TP Huế thời đấu tranh rực lửa, mộng ở Pleiku sương mù và mộng ở Blao, ở Sài Gòn, rồi đẩy đưa thế nào, mộng chợt tràn lên đất Bắc: "hỡi người em Hà Nội - tựa nắng tinh khôi (…) Ta đã về - chập chờn giấc mộng". Ở một cõi say nào đó, Thủy mời: "uống đi rượu đã chuốc thêm - ngàn câu hỏi đứng bên thềm hư không". Hư không? Có không?
Có đó, trong bài thơ ngắn 16 câu "Khi đời ta vắng nhau" của Thủy chứa đến 4 chữ "không": Biển cũng là không (…) Rừng núi cũng là không (…) Ôi bầu trời, ôi mặt đất cũng là không? (…) Tất cả chỉ là không…
Chợt nhớ chữ "không" ấy của Thủy, một ngày rằm tháng tư, tôi đã tới nhà anh mang tặng anh bộ "Du già sư địa luận" bởi bộ sách uyên áo ấy có dẫn giải về lẽ "không" ngay trong phần "Sanh - Tử" mở đầu. Rằng tuy Sanh nhưng mỗi chớp mắt trôi qua, người ta vẫn nhích dần đến hư vô từng tích tắc. Nên tuy nói "có" mà "đương thể tức không" - bởi cái "có" ấy chỉ vốn mượn "bên ngoài" để hiện hữu, vậy tìm đâu trong những ảo ảnh "đang là"?. Thủy đã: "tìm em trong ảo ảnh - thênh thang không bến bờ" (Khi vắng em).
Không bến bờ? Tôi hỏi. Thủy đáp: "Có bờ bến đâu mà vọng!", đáp như thế trong một cơn say trên vỉa hè Sài Gòn, ở một quán cóc gió bụi ngã ba Trần Quốc Thảo - Võ Văn Tần, quận 3. Còn tôi, tôi nghĩ khó mà đứng yên ở một bến bờ nào của "thời - không", bởi thời gian không gian vốn luân chuyển trôi mãi, thay đổi không ngừng như tôi thường nghe: thế giới này đã và đang được tạo thành trong mỗi niệm.
Mỗi niệm vốn vô hình, không có tướng trạng nhưng có sức lan tỏa khắp cõi nhân sinh, đến tận một cọng cỏ, một mầm sống tinh khôi. Sở dĩ tôi nhắc như vậy nhân vì đọc câu thơ của Lê Nhược Thủy: "Ai nói đất trời không say đắm?".
Câu ấy, Thủy ngầm khẳng định đất trời cũng say đắm như người. Bởi đến chỗ thâm mật "đất trời" với "người" không hai (nhất thể). Người khởi lên một niệm hoài cảm trong tâm sẽ thấy "đất trời" đổi sắc - và có thể nghe thời gian đi ngược chiều kim đồng hồ để chạm vào quá khứ. Quá khứ lùi xa tới tận "một niệm tối sơ" để bắt đầu trở lại từ khởi thủy, nơi đó tình yêu được chép trong Kinh thánh với đôi dòng mở đầu chương Nhã Ca như sau: "Nguyện người hôn tôi bằng cái hôn của miệng người/ Vì ái tình chàng ngon hơn rượu".
Rượu ở ngoài thân, song đã thấm vào tâm cảnh.
Cảnh ở ngoài tâm, song đã lay động làm thức dậy trong Thủy một tình yêu: "Anh đã uống từng lời em như rượu thánh…".
Bình luận (0)