Ngay sau bài phát biểu khai mạc của PGS-TS Trần Luân Kim, Tổng Thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam, là phần trao giải thưởng. Những người được mời tham gia công bố giải năm nay hoàn toàn là những nghệ sĩ như NSND Hải Ninh, NSND Trần Phương... diễn viên Tăng Bảo Quyên, Bằng Lăng... Cũng như năm ngoái, mỗi giải thưởng sẽ được công bố và trao giải bởi hai nghệ sĩ và MC của lễ trao giải cũng là nhà báo Lại Văn Sâm. Tùy theo từng thể loại, MC sẽ có cách “dẫn dắt” phù hợp, chẳng hạn như đến phần trao giải công trình nghiên cứu lý luận phê bình, MC sẽ xuất hiện trên sân khấu kéo theo giá sách có bánh xe, bày các cuốn sách được đề cử, phần trao giải phim hoạt hình thì nói về niềm say mê các bộ phim hoạt hình... Trong khi trao giải các nghệ sĩ, nhóm tác giả được đề cử vẫn đứng trên sân khấu, và các góc máy sẽ tập trung ghi lại cảm xúc vui, buồn của họ. Mỗi nghệ sĩ, mỗi nhóm tác giả được giải sẽ có lời phát biểu cảm tưởng, chia sẻ niềm vui của mình với các khán giả.
Xen kẽ giữa các màn trao giải là phần tôn vinh các nghệ sĩ quá cố: nhà quay phim Khương Mễ, đạo diễn Phạm Kỳ Nam, đạo diễn - diễn viên Đức Hoàn. Điều đáng nói, phần tôn vinh này sẽ không chỉ đơn thuần là các thước phim hồi tưởng mà cuộc đời, sự nghiệp của các cố nghệ sĩ còn được dàn dựng bằng các hình tượng nghệ thuật trên sân khấu. Ngoài ra, sự góp mặt của các các ca sĩ đã thành danh từ chương trình Sao Mai, Sao Mai Điểm hẹn với những ca khúc trong phim cũng hứa hẹn sẽ đem lại cho lễ trao giải thêm phần đặc sắc.
Nhận xét của các Trưởng Ban Giám khảo Cánh diều vàng 2005 PGS-TS Trần Luân Kim, Trưởng Ban Giám khảo phim truyện nhựa: Phần lớn các phim tham dự Cánh diều vàng năm nay chất lượng ở mức trung bình. Tuy nhiên, cũng có một vài phim nổi trội, cho thấy tư duy nghệ thuật của các tác giả khá thoáng đạt, không bị gò bó. Hai bộ phim tư nhân tham dự giải đều thuộc loại khá của dòng phim giải trí, vừa có tác dụng giải trí, vừa có ý nghĩa xã hội. Đạo diễn - NSƯT Vương Đức, Trưởng Ban Giám khảo phim truyền hình nhiều tập: Điều đáng phấn khởi ở phim truyền hình nhiều tập là có những bộ phim rất khá về kỹ xảo, dựng được những đại cảnh hoành tráng (Dòng sông phẳng lặng), rất tiến bộ trong những cảnh võ thuật (Đô la trắng), mạnh dạn ôm khối lượng sự kiện lịch sử khổng lồ (Dưới ngọn cờ đại nghĩa), khả năng xử lý tổng thể các mạch truyện tốt (Mạnh hơn công lý)... Tuy nhiên, các đạo diễn vẫn chưa khắc phục được nhược điểm cố hữu: “kẹo kéo”! Đạo diễn - NSƯT Khải Hưng, Trưởng Ban Giám khảo phim truyền hình ngắn tập: Chất lượng phim truyền hình ngắn tập có sự đột phá mạnh mẽ, nhiều phim không thua kém phim truyện nhựa. Điều dễ nhận thấy là sự chuyển giao thế hệ rất rõ nét: việc xuất hiện của lớp đạo diễn trẻ với ngôn ngữ hình ảnh mạnh, thuyết phục người xem. Đạo diễn - NSND Ngô Mạnh Lân, Trưởng Ban Giám khảo phim hoạt hình: Một vài phim sử dụng kỹ xảo 3D tương đối hiệu quả, nhưng nhìn chung, các bộ phim dự giải mới chỉ đạt chất lượng trung bình, chưa có phim nào thật sự xuất sắc, nổi bật cả về nghệ thuật, kỹ thuật cũng như nội dung. Đạo diễn - NSƯT Đặng Xuân Hải, Trưởng Ban Giám khảo phim tài liệu - khoa học: Mặt bằng chung của phim tài liệu - khoa học tranh giải năm nay là rất phong phú về đề tài, khai thác từ những vấn đề của lịch sử cho đến nhiều mặt đa dạng của cuộc sống hôm nay. Tuy nhiên, nhược điểm dễ nhận thấy là cách tiếp cận đề tài của đa số đạo diễn không có gì đặc biệt, lại bị sa vào sự lê thê, diễn giải. Nhà văn - nhà biên kịch Đoàn Tuấn, Trưởng Ban Giám khảo các công trình lý luận phê bình điện ảnh: Những tác phẩm này mang tính chất cá nhân, khác với bộ phim - mang tính tập thể. Điều đó chứng tỏ nhiều nghệ sĩ điện ảnh vẫn âm thầm làm việc, mong góp sức mình làm phong phú thêm cho tủ sách điện ảnh hiện còn khan hiếm. Năm nay, số lượng công trình tham dự nhiều hơn (9 tác phẩm), chất lượng cao hơn, tính lý luận và tính ứng dụng nhiều hơn. Song rất tiếc chỉ có một giải duy nhất. T.Chi ghi |
Bình luận (0)