Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc lần 2 - 2013, do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức, đã họp báo công bố những đổi mới của cuộc chơi được dành cho những đạo diễn trẻ. Theo ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD: “Cục đã xây dựng đề án 5 năm dành cho liên hoan, cuộc thi, hội diễn với lịch cố định, cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc lần 2-2013 là cuộc thử nghiệm trong lộ trình này”. Tuy nhiên, sân chơi này không được giới làm nghề thật sự tâm huyết ở TPHCM đón nhận ngoài những đơn vị, cá nhân muốn có cơ hội tìm kiếm thành tích.
Thiếu vắng những sân khấu mạnh
Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc lần 2 - 2013 sẽ được khai mạc tại Nhà hát TPHCM từ ngày 22-4. Có 22 vở diễn (13 vở kịch, 5 vở cải lương, 1 múa rối, 1 chèo, 1 kịch hình thể và 1 kịch hát) của 11 đơn vị công lập, xã hội hóa và 8 cá nhân tham dự. Nhìn vào danh sách vở diễn tham dự không khỏi băn khoăn khi thiếu vắng những sân khấu xã hội hóa được đánh giá là mạnh về chất, về lượng và có cả một đội ngũ đạo diễn trẻ tài năng kế cận.
Dù lý giải kiểu nào đi nữa, việc một số sân khấu xã hội hóa mạnh quay lưng với các cuộc thi, hội diễn, liên hoan do Cục NTBD tổ chức là một thực tế. Đạo diễn Ái Như cho biết: “Sân khấu Hoàng Thái Thanh lâu nay bị bỏ ngoài các cuộc chơi nghề nghiệp. Liên hoan kịch toàn quốc rồi đến cuộc thi này, chúng tôi đều bị… lờ”.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF, bức xúc: “Đã nhiều lần tôi lên tiếng phản ứng về những cuộc thi, liên hoan, hội diễn đã không còn ý nghĩa trong đời sống thực tế. Những năm gần đây, liên hoan, hội diễn vẫn diễn ra nhưng thực chất không khí làm nghề đã bị nhuốm màu tiêu cực. Do đó, nhiều năm rồi, Sân khấu Kịch IDECAF xác định là không tham gia bất cứ liên hoan, hội diễn, cuộc thi nào nữa. Bởi tiêu chí của các sân chơi này không phù hợp. Không thể đơn vị tổ chức cứ lên lịch tổ chức cố định là các đơn vị sân khấu chạy theo đăng ký. Việc thúc đẩy sáng tác, dàn dựng đối với loại hình nghệ thuật còn là sự quan tâm, chia sẻ của cơ quan quản lý ngành chứ không thể chỉ làm theo lộ trình”.
Và phải chăng việc thiếu một số đơn vị mạnh của sân khấu TPHCM tham dự nên tiêu chí cuộc thi cho phép những vở diễn dựng từ năm 2008 vẫn được tham gia tranh tài. Chính vì thế, nhìn vào danh sách vở dự thi, sẽ thấy ngay một số vở bị giới chuyên môn đánh giá yếu, không có gì đáng để xem và học hỏi về thủ pháp dàn dựng, ngoài việc chọc cười khán giả như: Cúc cu – cúc cù; Số đào hoa… cũng có mặt.
Được gì khi tranh tài?
Thật chạnh lòng khi nhắc lại 2 mùa hội diễn cải lương và kịch nói trong năm 2012 cũng do Cục NTBD tổ chức. Các vở diễn đoạt giải thưởng cao như: Cội nguồn (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Mê cung (Nhà hát Cải lương Việt Nam), Những mặt người thấp thoáng (Nhà hát Kịch Hà Nội), Lũ quét (Nhà hát Kịch Quân đội)… được công diễn bao nhiêu suất? Tiền ngân sách đổ vào các vở diễn này để có tác phẩm dự thi và rồi sau đó chúng không đến được với công chúng. Liệu các vở được dàn dựng tham gia cuộc thi năm nay có cùng chung số phận?
Rõ ràng, xuất phát từ mục đích tôn vinh những đạo diễn trẻ trước thực tế sân khấu cả nước rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, từ đội ngũ sáng tác, dàn dựng, biểu diễn…, cuộc thi này vì vậy rất cần đổi mới từ cách tổ chức.
Trong buổi họp báo, Cục NTBD cho rằng đã nỗ lực đổi mới để có được sự đồng thuận cao từ những người làm nghề, trước hết đã chấm dứt tình trạng thành viên của ban chỉ đạo, ban giám khảo có vở diễn tham dự các cuộc thi. Ông Nguyễn Đăng Chương phát biểu: “Chúng tôi mạnh dạn không mời một số đạo diễn uy tín, dù họ có nhiều tác phẩm hay, đạt thành tựu về mặt dàn dựng nhưng họ lại là thầy của nhiều đạo diễn trẻ. Ban chỉ đạo của cuộc thi năm nay sẽ giám sát ban giám khảo và theo dõi xuyên suốt cuộc thi. Tùy theo chất lượng cụ thể của tác phẩm tham dự, ban tổ chức sẽ chọn trao HCV, HCB. Sẽ không có chuyện kết thúc vui vẻ cả làng vì tiêu chí cuộc thi khác với liên hoan”.
Tuy nhiên, đạo diễn Chánh Trực cho biết: “Nếu dựng vở đi thi bằng kinh phí tự bỏ ra, rồi sau khi thi xong dẹp bỏ thì thật là uổng phí. Thời buổi kinh tế khó khăn, các đơn vị sân khấu xã hội hóa không dám liều lĩnh nếu biết đầu tư chỉ để đi thi mà không mang lại hiệu quả kinh doanh. Các đơn vị quốc doanh nhờ có ngân sách Nhà nước cấp nên họ mạnh dạn dựng vở đi thi nhằm tìm kiếm thành tích để báo cáo, có cơ sở để xin thêm ngân sách cho năm sau. Điều chúng tôi quan tâm là sau khi tranh tài, những người làm nghề sẽ đúc kết được gì cho việc phát triển nghề”.
Hiểu được những trăn trở này, Cục NTBD cho biết sẽ tổ chức hội thảo vào cuối cuộc thi. Theo ông Nguyễn Đăng Chương: “Sẽ phân tích cụ thể những mặt được, chưa được của từng tác phẩm dự thi, có sự tranh luận nghề nghiệp”. Người trong giới không tin hội thảo sẽ đạt được hiệu quả mà cũng chỉ là nơi đọc tham luận dài dòng của một vài người, với những mớ lý luận cũ rích như đã thấy qua những liên hoan sân khấu diễn ra vào năm 2012.
Cần gì huy chương, giải thưởng! Ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng: “Liên hoan Sân khấu xã hội hóa năm 2006 tổ chức tại TPHCM rất được các đơn vị xã hội hóa tại TPHCM nhiệt tình tham gia và đạt được thành tựu đáng ghi nhận. Chúng tôi nhận thấy đó thực sự là một sân chơi của những người làm nghề vì ban giám khảo cùng xem với khán giả. Liên hoan không xét giải mà đúc kết những vấn đề liên quan đến chuyên môn để anh em nghệ sĩ, đạo diễn, tác giả có sự trao đổi cùng nâng cao tay nghề”. Dư luận rất quan tâm đến tiêu chí tôn vinh nghệ sĩ có là rào cản của cuộc thi. Một khi cơ chế xét duyệt tặng thưởng danh hiệu NSND, NSƯT của Nhà nước vẫn còn lấy HCV, HCB qua các kỳ liên hoan, cuộc thi, hội diễn do Cục NTBD - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức làm tiêu chí thì mục đích của người tham gia sẽ nhuốm màu tiêu cực. |
Bình luận (0)