NSƯT Đặng Văn Hùng, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, tổng đạo diễn chương trình, cho biết sau khi dàn trống và cồng chiêng tấu bản nhạc lễ tại sân khấu chính khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, hiệu lệnh “Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long” sẽ được bắt đầu, đài lửa sẽ rực sáng.
Sau lễ dâng hương và chào cờ, Tổng Giám đốc UNESCO sẽ trao bằng Di sản Văn hóa thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho lãnh đạo TP Hà Nội.
Tổng duyệt chương trình văn nghệ trong đêm khai mạc. Ảnh: ĐÀM DUY
Hàng ngàn nghệ sĩ góp mặt
Hàng ngàn du khách sẽ được thưởng thức không khí của phần hội tại 6 sân khấu khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám từ 9 giờ 30 phút.
Theo đạo diễn Đặng Văn Hùng, 6 sân khấu là 6 chủ đề gắn với tiến trình lịch sử của Thăng Long xưa và Hà Nội hôm nay: “Thăng Long - Hà Nội, thành phố lịch sử truyền thống anh hùng”; “Thăng Long - Hà Nội, thủ đô văn hiến”, “Thăng Long - Hà Nội, thành phố vì hòa bình”, “Hà Nội, thành phố của hội nhập và phát triển”...
Sau khi kết thúc chương trình của sân khấu 1, dàn quân nhạc di chuyển về phía sân khấu Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám, vừa đi vừa biểu diễn những tác phẩm, ca khúc về Thăng Long - Hà Nội.
Ông Hùng khẳng định kịch bản lễ khai mạc đã được chuẩn bị đến từng chi tiết để bảo đảm không chỉ mang tính linh thiêng, hào hùng sâu lắng, xúc động, thanh lịch mà còn nói lên được cả quá trình dời đô dựng nước của vua Lý Thái Tổ.
Sân khấu chính có sự góp sức của 1.000 nghệ sĩ, 5 sân khấu nhỏ mỗi sân khấu có từ 100 đến 400 nghệ sĩ. Năm sân khấu này do các nhà thơ, nghệ sĩ, đạo diễn: Phan Huyền Thư, Thảo Vân, Đức Trịnh, Đinh Công Thuận, Lại Văn Đăng phụ trách.
Đêm huyền ảo hồ Gươm
200 người mẫu, hoa hậu có mặt trong đêm nghệ thuật Đêm huyền ảo hồ Gươm chính là điểm nhấn của ngày khai mạc đại lễ.
Với hai phần Đêm hội hồ Gươm và Năm cửa ô chào đón, hai bộ sưu tập áo dài lên đến con số hàng ngàn mẫu của nhà thiết kế Đức Hùng và Ngân An sẽ được giới thiệu trên sân khấu có sàn catwalk dài nhất Việt Nam từ trước đến nay (350 m).
Trong đêm diễn này, khán giả sẽ được chiêm ngưỡng các màn diễn ấn tượng như màn đại hợp xướng của 1.000 người trên 5 sân khấu trong cùng thời gian, màn thả diều mô phỏng dáng rồng bay trên mặt nước, rùa vàng nổi trong ánh sáng huyền ảo, màn đại hợp xướng Thăng Long tỏa sáng...
Cũng trong đêm 1-10, khán giả yêu âm nhạc cổ điển sẽ được thưởng thức những ngón đàn điêu luyện của NSND Đặng Thái Sơn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Anh sẽ chơi bản Concerto số 2 giọng đô thứ viết cho piano và dàn nhạc của Rachmaninov với bản Giao hưởng số 9 của Beethoven.
Hoạt động chính trong 10 ngày đại lễ
- Ngày 1-10: 8 giờ: Lễ khai mạc và đón nhận bằng công nhận Di sản Văn hóa thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại vườn hoa Lý Thái Tổ.
9 giờ 30 phút: Biểu diễn nghệ thuật tại 6 sân khấu xung quanh hồ Hoàn Kiếm. 19 giờ 30 phút đến 20 giờ: Cầu truyền hình cả nước với Hà Nội.
20 giờ: Chương trình hòa nhạc do NSND Đặng Thái Sơn biểu diễn tại Nhà hát Lớn, Hà Nội... tất cả các chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1.
- Ngày 2-10: 8 giờ: Khai mạc và trưng bày hiện vật lịch sử 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội tại Hoàng thành Thăng Long.
14 giờ: Công bố kết quả công trình nghiên cứu khoa học tổng quan về Hà Nội tại Nhà hát Lớn...
- Ngày 3-10: 20 giờ: Chương trình nghệ thuật Thăng Long-Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh tại sân vận động Hàng Đẫy...
- Ngày 4-10: 15 giờ 30 phút: Khai mạc triển lãm “Các trận đánh và chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử quân sự Việt Nam” tại Bảo tàng Lịch sử quân sự. 20 giờ: biểu diễn các điệu múa cổ Thăng Long-Hà Nội tại vườn hoa Lý Thái Tổ...
- Ngày 5-10: 9 giờ: Khánh thành Con đường gốm sứ ven sông Hồng và xác lập kỷ lục Guinness con đường gốm sứ dài nhất thế giới tại đường Yên Phụ...
- Ngày 6-10: 8 giờ: Khai mạc Liên hoan Nghệ thuật diều tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
14 giờ: Khánh thành tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn tại Công viên Thống Nhất.
- Ngày 7-10: 8 giờ: Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững thủ đô văn hiến” tại 11 Lê Hồng Phong.
20 giờ: Biểu diễn âm nhạc dân tộc tại Nhà hát Lớn...
- Ngày 8-10: 7 giờ: Chương trình biểu diễn nghệ thuật của tuổi trẻ thủ đô quanh hồ Hoàn Kiếm.
20 giờ: Giao lưu “Thăng Long-Hồn thiêng sông núi” tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình...
- Ngày 9-10: 20 giờ: Biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế tại các sân khấu ngoài trời nội thành Hà Nội...
- Ngày đại lễ 10-10: 8 giờ: Mít tinh trọng thể, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội tại Quảng trường Ba Đình.
20 giờ: Đêm hội văn hóa-nghệ thuật kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình. |
Bình luận (0)