Lần đầu tiên, Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng được tổ chức kéo dài trong 10 ngày với hàng loạt hoạt động văn hóa đặc sắc.
Mở đầu 10 ngày lễ hội tại đất tổ là một chương trình diễu hành kéo dài từ 7 giờ đến 11 giờ, quảng bá tiềm năng văn hóa của hàng ngàn nghệ sĩ, nhân dân đến từ 9 tỉnh vùng Đông Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Bắc Giang và Phú Thọ).
Lễ hội hoành tráng nhất
Đúng 20 giờ, Lễ hội Đền Hùng được khai mạc gắn với khai mạc Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần 7 với chủ đề Linh thiêng đất tổ Hùng Vương. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ có bài phát biểu đặc biệt trong lễ khai hội này, chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1.
Lễ dâng hương giỗ tổ Hùng Vương sẽ được tổ chức tại đền thờ Hùng Vương vào ngày 23-4 (mùng 10-3 âm lịch) với quy mô quốc gia, tới dự lễ có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành...
Bà Nguyễn Thị Kim Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Canh Dần 2010, cho biết 14 hoạt động văn hóa du lịch sẽ được tổ chức trong suốt 10 ngày lễ hội, nổi bật là hoạt động trưng bày các hiện vật thời đại Hùng Vương, giới thiệu văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc, triển lãm tác phẩm hội họa, tranh thờ dân gian các dân tộc vùng Đông Bắc, triển lãm tranh mỹ thuật các vùng kinh đô Việt Nam (Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế, Bắc Ninh, Hà Nội...).
Đền Hùng trước ngày khai hội
Chủ đề vua Hùng được tô đậm bằng triển lãm sách tư liệu Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam, triển lãm ảnh tư liệu Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng xưa và nay, triển lãm ảnh ngoài trời Các vùng kinh đô Việt Nam, lễ rước kiệu của các xã vùng ven di tích về Đền Hùng, trưng bày hiện vật về nhà nước Văn Lang, thời đại Hùng Vương.
Bên cạnh đó là các cuộc thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày, triển lãm trang phục dân tộc, trình diễn màn sử thi võ thuật dân tộc với chủ đề Hào khí đất Việt...
Liên tục từ ngày 19 đến 23-4, hàng ngàn diễn viên, nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, các đoàn nghệ thuật đến từ Hà Nội, TPHCM, Thừa Thiên-Huế, Hải Dương, Lâm Đồng... sẽ tổ chức nghệ thuật phục vụ đông đảo khán giả Phú Thọ.
Lễ hội Hùng Vương sẽ là di sản nhân loại?
Tín ngưỡng thờ Hùng Vương và lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội văn hóa tâm linh lớn nhất trong toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định giao cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ nhanh chóng hoàn thành hồ sơ mang tín ngưỡng và lễ hội Hùng Vương đệ trình UNESCO.
Ông Nguyễn Tiến Khôi, Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, cho biết hiện ở Phú Thọ và một số địa phương có hơn 600 nơi thờ các vua Hùng, gia quyến và tướng lĩnh nhưng tập trung nhất là khu di tích Núi Hùng (hay núi Nghĩa Lĩnh) thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương hiện có 4 đền thờ (Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng và Đền Giếng), một chùa (Thiên Quang Thiền Tự) và lăng vua Hùng. Đây là điều rất thuận tiện trong việc nghiên cứu, điều tra và khảo sát để lập hồ sơ.
Ngoài khu vực Đền Hùng, tín ngưỡng thờ cúng gắn với lễ hội của 3 địa danh xung quanh Đền Hùng là Việt Trì, Phù Ninh và Lâm Thao cũng sẽ là các khu vực bổ trợ tư liệu cho hồ sơ.
Ông Khôi cũng khẳng định dịp tổ chức quốc giỗ năm nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu tiến hành quay hình, ghi âm các nghi thức của lễ hội cũng như sự thành kính của hàng triệu người dân nước Việt trở về với đất tổ trong ngày lễ.
Ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao), cho biết Ủy ban UNESCO của Việt Nam và UNESCO Hà Nội sẽ đồng hành cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Phú Thọ để hoàn tất hồ sơ trong thời gian sớm nhất. Theo kế hoạch, bộ hồ sơ sẽ phải trình UNESCO trước ngày 31-8.
Bình luận (0)