Kết thúc cuộc thi Hoa hậu Tây Đô sẽ là cuộc thi Hoa hậu Tài năng các vùng duyên hải Việt Nam với phần thưởng có giá trị không kém. Cuối năm, các cuộc thi hoa hậu, người đẹp liên tiếp diễn ra khiến cho nhiều người không khỏi giật mình: Đúng là “loạn hoa hậu!”
Tiêu chí khác nhau, kết quả giống nhau
Nhận xét một cách công bằng, khá nhiều cuộc thi chưa đạt chất lượng như tên gọi, na ná nhau về nội dung và hình thức mà nói thẳng thắn là xào nấu các nội dung của nhau. Cuộc thi nào cũng gồm 3 phần áo dài, áo tắm và trang phục dạ hội. Vì thế mà Hoa hậu Biển cũng nhang nhác Hoa hậu Trang sức, Hoa hậu Áo dài, ngay cả cuộc thi lớn là Hoa hậu Thế giới người Việt cũng không khác là mấy so với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do Báo Tiền Phong tổ chức. Hoặc là nếu có điểm khác, thì sẽ rất khó để tìm người đẹp theo đúng tiêu chí.
BTC cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam tuyên bố, hoa hậu phải là người “có vẻ đẹp chuẩn về ngoại hình, phải biết hát, múa, cưỡi ngựa, bắn cung, đua xe đạp, nấu ăn, cắm hoa...”. Thế nhưng tiêu chí là một chuyện, việc có tìm ra được một hoa hậu như thế hay không lại là chuyện khác. Thời buổi công nghệ mà tìm được một hoa hậu biết cưỡi ngựa, bắn cung thì quả là hiếm có, khó tìm. Ông Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn bình luận, tạo nét riêng cho cuộc thi là cần thiết nhưng cần dựa trên thực tế, đưa ra mà không làm được thì lại thành dở.
Khi khởi động, BTC cuộc thi Hoa hậu Tài năng các vùng duyên hải VN cho biết, mục đích của cuộc thi là lựa chọn những cô gái tài sắc vẹn toàn "vượt trội về trí tuệ và phẩm chất". Thế nhưng, với cụm từ các vùng duyên hải, người ta hiểu ngay người đẹp là các cô gái vùng biển và có thể suy ra, tài năng của họ là những gì liên quan đến biển, ví dụ chèo thuyền, bắt cá…
Người đẹp ở đâu?
Mỗi năm trên dưới 10 cuộc thi sắc đẹp được tổ chức đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu có đủ người đẹp để tham dự tất cả các cuộc thi? Câu trả lời là không. Nếu theo dõi, người ta sẽ thấy có tới hơn một nửa thí sinh ở vòng chung kết người đẹp này có mặt ở vòng chung kết cuộc thi hoa hậu khác được tổ chức trước đó. Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt Đặng Minh Thu từng đoạt giải hoa hậu cuộc thi Hoa hậu Biển; người đẹp Chu Vân Anh có mặt trong vòng chung kết cuộc thi này cũng đã từng đoạt giải ở nhiều cuộc thi khác những năm trước. Do sự “khan hiếm” người đẹp nên nhiều BTC phải “cầu cứu” đến những công ty, CLB người mẫu. Và thế là những người đẹp nổi bật nhất trong các cuộc thi hoa hậu lại là những người mẫu có lợi thế sắc vóc, hình thể.
Không giống như các quốc gia phương Tây, hoa hậu phải cam kết vì cộng đồng với các hoạt động từ thiện, quảng bá cho đất nước. Tuy nhiên, trừ số ít hoa hậu như Mai Phương Thúy, các người đẹp khác sau khi đăng quang thường rơi vào sự im lặng. Trong đêm chung kết, nhà tổ chức chỉ cần chọn ra hoa hậu, còn sau đó hoa hậu làm gì thì chẳng biết. Và cứ sau mỗi cuộc thi sắc đẹp, dư luận lại ít nhiều bàn tán về tai tiếng của các người đẹp với “ngôi vị” mới của mình.
Những thương vụ làm ăn
Việc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xóa bỏ độc quyền trong tổ chức thi hoa hậu đã tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực tuyển chọn sắc đẹp này. Thế nhưng, chưa nhìn thấy tính đa dạng của các cuộc thi thì người ta đã gặp ngay sự luộm thuộm, thậm chí chụp giật trong khâu tổ chức. Ông Lê Ngọc Cường cho rằng tổ chức thi hoa hậu là một hoạt động đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao, cao đến mức trở thành một công nghệ nhưng ở ta thì mới là những sự sao chép, cắt dán. Thậm chí, nhiều đơn vị tổ chức chỉ coi các cuộc thi là thương vụ để làm ăn, “chạy” được tài trợ là tổ chức thi. Thế nên mới có tình trạng ngay sau đêm chung kết của một cuộc thi hoa hậu tổ chức tại TPHCM, nhiều người đẹp đoạt giải đã gọi điện nhờ báo chí can thiệp vì giải treo một đằng, tiền nhận một nẻo do bị BTC trừ tiền vào các loại quà tặng, vương miện. Ấn tượng để lại sau những cuộc thi đó là chuyện làm ăn giữa nhà tài trợ và BTC, là những kiện cáo tiền bạc ầm ĩ của thí sinh, là tai tiếng cùng những yếu kém về kiến thức, văn hóa ứng xử của người trong cuộc... |
Bình luận (0)