Cám dỗ thì ở đâu cũng có nhưng cám dỗ trong vòng xoáy tình - tiền giữa người đẹp được gọi là “kiều nữ” với những kẻ lắm tiền được xưng tụng “đại gia” có phần gay cấn hơn. Bản lĩnh là thứ cần có để giúp những người đẹp đứng vững trước cám dỗ rất ngọt ngào nhưng không phải ai cũng làm được.
Không tiền lấy gì chưng diện
Người mẫu Thu Hằng cho biết thu nhập của một người mẫu đủ trang trải cuộc sống bình thường như bao người nhưng không thể dư giả. Nhưng, ở một môi trường mà mọi người đều phải chú tâm đến vẻ bề ngoài của mình với mong muốn ngày càng lộng lẫy hơn, người mẫu luôn dễ bị rơi vào cạm bẫy hào nhoáng. Tức là “cô gái nào cũng mong muốn có một cuộc sống vương giả, tiêu xài xa xỉ” - Thu Hằng chia sẻ.
Là những người có điều kiện và nhu cầu tiếp xúc trực diện với các bộ thời trang theo xu hướng, những món hàng xa xỉ có khả năng “làm tăng thêm đẳng cấp cho người dùng”, như quan niệm của nhiều người, người mẫu thường khát khao hơn người bình thường về những món hàng đắt đỏ đó. Người có điều kiện khát khao đã đành, nhiều người không có điều kiện mua sắm càng khát khao hơn. Cựu người mẫu Hoàng Anh chia sẻ rằng thấy bạn bè có món hàng giá trị nào đó mà mình không có cũng dễ khiến họ rơi vào cảm giác tủi thân. Hẳn nhiên, có những người không màng đến thời trang, xu hướng và cũng có người đủ sức tạo ra phong cách cho bản thân mà chẳng cần đến các món đồ đắt tiền. Nhưng số này rất ít.
“Thay vì phải làm việc chăm chỉ, nỗ lực, nhiều người lại chọn lối tắt khi được người khác mở đường” - cựu người mẫu Hoàng Anh nói. Nhiều người mẫu lâu năm trong nghề cũng cho hay: “Vì nghề người mẫu đào thải quá khắc nghiệt. 25 tuổi đã bị xem là “lão thành” nên không ít người nghĩ theo hướng lệch lạc “tranh thủ kiếm tiền” trước khi giải nghệ. Vấn đề phức tạp nảy sinh từ đây”.
Với người đẹp Diễm Hương, cô cho rằng tuổi trẻ chính là nguyên nhân khiến mình không đủ bản lĩnh để đứng vững trước những cám dỗ. “Khi còn trẻ, tôi chỉ nghĩ đơn giản vật chất có thể bảo hộ cho mình có được cuộc sống hạnh phúc. Sai lầm của tôi có lẽ cũng là sai lầm của nhiều bạn trẻ khác. May mắn tôi đã đủ can đảm để rũ bỏ, đi tìm hạnh phúc đích thực cho đời mình”.
Cầu - cung song hành
Người mẫu Bảo Trân (một người mẫu tự do làm việc để tìm sự trải nghiệm cho bản thân, như lời cô chia sẻ) thừa nhận cám dỗ luôn có sức hấp dẫn với cô không phải là tiền mà là lời hứa hẹn giúp cô thực hiện giấc mơ trở thành diễn viên. Nhưng rồi cô hiểu mình muốn thành công bằng những trải nghiệm nghề thực sự chứ không đi đường tắt kiểu lấy thân lót đường, nhất là khi kịp nhận ra lời hứa từ những kẻ trăng hoa đáng ngờ.
Thực tế, cạm bẫy trong giới người mẫu là muôn hình vạn trạng. Sự cám dỗ luôn đủ sức lôi kéo người đẹp sa ngã nhẹ nhàng đến mức họ không kịp ý thức được điều họ đang làm. “Tệ hại hơn, bản thân tôi nghĩ nó giống như bao nhiêu công việc khác, mình lao động và được trả công xứng đáng” - người đẹp H.P chia sẻ.
H.P lý giải rằng ai cũng thích xài hàng hiệu cho bằng chị bằng em, ai cũng muốn có những bộ cánh lung linh cho những lần xuất hiện trước công chúng hay được chăm sóc thẩm mỹ cao cấp để nhan sắc trẻ hơn, đẹp hơn mỗi ngày. Tất cả nhu cầu đó cần có khoản tiền không nhỏ để đáp ứng. Trong khi đó, lời mời của những kẻ lắm tiền lúc nào cũng tinh tế. Chẳng cô gái nào muốn trở thành đồ chơi tình dục cho những người đàn ông đó ngay lần đầu tiên. Bao giờ, người đẹp cũng được rào trước đón sau, đưa đi, đón về đôi ba lần, tặng quà đắt tiền và kết cục thì ai cũng biết điều gì xảy ra. “Tôi chỉ nhận ra sự sỗ sàng đến trần trụi của sự việc sau khi tỉnh dậy từ một cơn mê được cung phụng. Cũng có chút xót xa, chút tiếc nuối nhưng so với những gì tôi được nhận, cảm giác ê chề chỉ kéo dài đôi ba phút. Những lần quan hệ sau đó, như kiểu “ăn bánh trả tiền”, tôi thấy hết sức bình thường bởi tôi được nhận thù lao cao” - người đẹp H.P nói.
Người đẹp H.A cũng kể rằng: “Không ai biết được điều gì xảy ra sau bữa tiệc mà các PG (nữ tiếp thị sản phẩm) được thuê tháp tùng đi ăn tiệc cùng “đại gia” nhưng lời mời “mua - bán” là có bởi tôi cũng từng nhận được những lời như thế. Nhận hay không nhận lời là do bản lĩnh của mỗi người để quyết định mà thôi”.
Bà D., một doanh nghiệp, thẳng thắn cho hay mình từng giới thiệu nhiều người mẫu, người nổi tiếng cho các đối tác kinh doanh. Họ gặp nhau, trò chuyện, ăn uống vui vẻ và sau đó như thế nào thì bà không dám nói. Nhưng bà khẳng định: “Tôi từng chứng kiến đối tác của tôi thích một cô người mẫu có danh hiệu. Ông ấy tặng người đẹp 10.000 USD sau bữa ăn gặp mặt đầu tiên”. Đấy là cách mà những kẻ giàu có buộc chặt người đẹp vào sợi dây cám dỗ đầy quyền năng của họ.
(*) Xem Báo Người Lao Động số ra từ ngày 20-4
Kỳ tới: Không cách nào quản lý?
Thu nhập chưa đủ sống
Hoàng Anh (cựu PG và hiện nay là quản lý một nhóm PG trẻ) cho biết thù lao của một PG sự kiện không cao, khoảng 500.000 đến 700.000 đồng/buổi diễn (quy mô nhỏ) và 800.000 đến 1 triệu đồng đối với những chương trình lớn hơn như diễn trong quán bar. Tuy nhiên, những PG dự tiệc có thu nhập khấm khá hơn, được khoảng vài triệu đồng/ lần. Công việc của họ là ăn mặc đẹp, đi dự tiệc cùng thân chủ (người thuê) tại một nhà hàng sang trọng nào đó. Ngoài ra, họ còn được nhận tiền tip (tiền cho thêm) ít nhiều tùy thuộc vào thái độ, cung cách phục vụ của họ tại bữa tiệc. “Đó là một công việc đủ mang lại sự hài lòng cho người làm, đặc biệt là những cô đang là sinh viên hoặc mới ra trường” - người mẫu Thu Hằng khẳng định.
Theo cách tính của người mẫu Thu Hằng, tối thiểu, một người mẫu không nổi tiếng cũng sẽ có khoảng 4 sô diễn/tháng. Cùng với các việc khác như chụp ảnh cho tạp chí hay catalogue nhãn hàng, thu nhập bình quân của họ nằm ở mức 6-8 triệu đồng/tháng. “Đó là mức thu nhập đáng kể bởi nhân viên mới hay một lễ tân mà tôi tuyển cho công ty của mình cũng chỉ có mức lương 5-7 triệu đồng/ tháng mà thôi” - Thu Hằng so sánh.
Bình luận (0)