Đến khi công luận phát hiện và lên tiếng chỉ trích những sai phạm trong cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất (Nhà Xuất bản - NXB Trẻ), Cục Xuất bản mới giật mình và ra quyết định thu hồi, tiêu hủy toàn bộ ấn phẩm này. Ngoài ra, tất cả “phiên bản” khác của cuốn từ điển tiếng Việt này đều bị thu hồi và tiêu hủy. Các NXB có tham gia xuất bản ấn phẩm sai phạm trên cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, liệu còn bao nhiêu cuốn từ điển tiếng Việt đang lưu hành trên thị trường có nội dung sai phạm như cuốn từ điển “rác” này?
Bạt ngàn từ điển chưa rõ nguồn gốc
Hiện thị trường sách bày bán vô số các loại từ điển tiếng Việt khác nhau. Một số cuốn có xuất xứ khá tin cậy như: Từ điển tiếng Việt (Trung tâm từ điển học), Từ điển đồng nghĩa trái nghĩa (NXB Từ điển Bách khoa), Từ điển tiếng Việt phổ thông (Viện Ngôn ngữ học), Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học), Từ điển tiếng Việt (GS Hoàng Phê, NXB Từ điển Bách khoa)… Riêng cuốn Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học xuất bản, có tái bản tới lần thứ 5 (năm 2013) với nhiều chỉnh lý, bổ sung.
Ảnh bìa các cuốn từ điển tiếng Việt đang được bày bán trên thị trường
Ngoài các ấn phẩm này, trong các nhà sách trên thị trường có hàng trăm cuốn từ điển tiếng Việt khác mà nếu chỉ nhìn bìa sách thì không thể biết chất lượng bên trong như thế nào. Người đọc đến nhà sách mua từ điển tiếng Việt phải hoa mắt với hàng dãy từ điển xếp liên tiếp: Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh (Quang Thông, NXB Văn hóa Thông tin), Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh (Nguyễn Hoàng, NXB Văn hóa Thông tin), Từ điển tiếng Việt (Bùi Đức Thịnh, NXB Văn hóa Thông tin), Từ điển tiếng Việt (Thái Xuân Đệ, Lê Dân, NXB Văn hóa Thông tin), Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam (Nguyễn Lân, NXB Tổng hợp TP HCM), Từ điển chính tả tiếng Việt (Nguyễn Trọng Báu, NXB Giáo dục VN), Từ điển tiếng Việt thông dụng (Nguyễn Như Ý, NXB Giáo dục), Đại từ điển tiếng Việt (Như Ý, NXB Văn hóa Thông tin), Đại từ điển tiếng Việt (Như Ý, NXB Đại học Quốc gia TP HCM)…
Trong đó, cuốn Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam do GS Nguyễn Lân biên soạn, hồi năm 2004 cũng đã từng bị “búa rìu” của dư luận khi phát hiện trong sách có tới… hàng trăm lỗi, bị đánh giá là rất có hại cho tiếng Việt.
“Biên soạn từ điển là một công việc vô cùng hệ trọng, đòi hỏi phải có một đội ngũ biên soạn đã được trang bị kiến thức về nghiệp vụ làm từ điển thành thạo. Hiện ở Việt Nam đang rất thiếu những người làm từ điển chuyên nghiệp. Vì tính chất đặc biệt của loại sách này, trước đây, ở Việt Nam chỉ có 2 NXB chuyên trách xuất bản từ điển là NXB Khoa học Xã hội (chuyên xuất bản các loại từ điển thuộc ngành khoa học xã hội) và NXB Khoa học Kỹ thuật (chuyên xuất bản các loại từ điển thuộc ngành khoa học kỹ thuật và khoa học tự nhiên). Chỉ các cơ quan thuộc cấp quốc gia có đầy đủ thẩm quyền chuyên môn mới được đứng ra tổ chức biên soạn và xuất bản từ điển” - bà Nguyễn Trung Thuần, nhà nghiên cứu và biên soạn từ điển (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam), khẳng định.
Mạnh ai nấy làm
NXB Văn hóa Thông tin xưa nay vốn dĩ mắc phải không ít sự cố về chất lượng ấn phẩm xuất bản. Tuy nhiên, đây cũng không phải trường hợp điển hình, nhất là khi hàng trăm NXB khác đang tồn tại chủ yếu bằng “sợi dây” liên kết xuất bản với tư nhân. Với các loại sách khác, NXB cần vốn đầu tư và nguồn bản thảo của tư nhân để xã hội hóa hoạt động xuất bản đã đành nhưng từ điển - loại sách công cụ hay còn gọi là sách tham khảo, sách tra cứu đòi hỏi độ chuẩn xác rất cao - cũng bị buông lỏng quản lý, thả nổi cho tư nhân là điều khó hiểu?
Nhiều ý kiến trong giới cho rằng từ điển được coi là ấn phẩm để đời, sử dụng xuyên thời gian. Vì vậy, quá trình xuất bản các loại từ điển cần có sự thẩm định nội dung của các hội đồng khoa học chuyên ngành. Nếu đã có những ấn phẩm xuất bản do các cơ quan có uy tín biên soạn, có đủ hội đồng khoa học thẩm định, sao lại cần phải có thêm nhiều ấn phẩm từ điển không thể xác định chất lượng phát hành tràn lan trên thị trường như vậy?
Trả lời về vấn đề này, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, khẳng định theo điều 18 Luật Xuất bản 2012, giám đốc, tổng giám đốc các NXB chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quản chủ quản về xuất bản phẩm của mình. Sai sót của sách từ điển như đã thấy thể hiện việc thực hiện không nghiêm túc của các NXB, cụ thể là quy trình biên tập, đọc duyệt nội dung trước khi cấp phép xuất bản. Hiện tại, Cục Xuất bản đã có công văn yêu cầu tất cả NXB trên cả nước chủ động rà soát những cuốn từ điển đã phát hành và cả bản thảo đang trong quá trình xuất bản để kịp thời xử lý sai phạm.
NXB Trẻ không hề oan
Khác với thông tin gửi đến báo kêu oan thời gian qua, sáng 23-10, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, xin nhận lỗi về công việc của những người tiền nhiệm 13 năm trước, đã để lọt một số cuốn sách nội dung không tốt, trong đó có cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh. Theo ông Nhựt, chiều 22-10, NXB Trẻ đã nhận được cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất từ Thư viện Quốc gia có chữ ký của cựu nhân viên NXB Trẻ khi nộp lưu chiểu. Cựu nhân viên này thừa nhận chữ ký đó là đúng. Ông Nhựt cho rằng đây là bài học phải rút kinh nghiệm sâu sắc về công tác xuất bản và cả công tác lưu trữ hồ sơ, cũng như công tác thông tin chưa đầy đủ. NXB Trẻ đề xuất phương án khắc phục với những độc giả đã trót mua cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất có thể gửi trả sách về NXB để tiêu hủy, NXB xin hoàn trả phí tổn (có tính trượt giá 13 năm) hoặc gửi biếu độc giả cuốn sách khác mà NXB Trẻ đang ấn hành.
Bình luận (0)