Trong tục kết bạn quan họ, các liền anh liền chị thường kết thành từng cặp nam nữ đối xứng nhau và vì vậy không tránh khỏi tình cảm bộc phát giữa hai người. Nhà thơ Hoàng Cầm cho biết, cụ bà thân sinh của ông là một liền chị nổi tiếng của quan họ có kể rằng dù có tục lệ cấm người quan họ không được lấy nhau nhưng việc họ yêu nhau thì chẳng ai cấm đoán được.
Theo các cụ kể lại, quan họ xưa có còn có hình thức hát quan họ trùm đầu. Đó là vào những đêm trăng sáng những chàng trai dùng khăn đen trùm lên đầu để mọi người không phát hiện ra, dời chỗ ngủ của “bọn” mình sang chỗ ngủ của “bọn” con gái cất tiếng hát gọi bạn. Các cô gái nằm trong nhà nghe tiếng hát gọi bạn cũng trùm lên đầu mình khăn đen, kéo nhau ra hè hát đối lại. Họ hát những bài hát quan họ nhưng không theo giọng lề lối, mà chủ yếu là theo tình cảm muốn bày tỏ với người bạn tình, “xuất khẩu thành văn”. Nhưng rồi họ chỉ gặp nhau hát với nhau cho thỏa nỗi lòng, còn việc kết duyên thành vợ thành chồng là điều không thể được. Hết đời này qua đời khác các liền anh liền chị phải chia tay nhau đi lấy chồng lấy vợ mang theo trong lòng những mối tình câm. Cụ Nguyễn Thị Khướu, một nghệ nhân hát quan họ của làng Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, kể rằng có những liền anh liền chị nhìn người mình thương đi lấy chồng, lấy vơ,ê theo sắp đặt của gia đình cha mẹ hai bên, mà đau khổ đến bỏ ăn, mất ngủ hằng tháng trời. Ở vào thời của cụ chưa thấy có liền anh liền chị nào yêu nhau mà dám phá bỏ cái tục lệ khắc nghiệt này. Các cụ không biết từ đâu lại có quy ước khắt khe với người quan họ như thế, chỉ biết rằng trai gái trong làng ngay từ nhỏ đã được cha mẹ dạy dỗ như thế, kể cả trong hương ước của làng cũng ghi rõ. Ai phạm vào sẽ bị cả làng trừng phạt.
Lời nguyền bắt nguồn từ thủy tổ quan họ?
Đền Vua Bà ở làng Diềm, tức làng Viêm Xá, nay thuộc xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh được dân quan họ Bắc Ninh xem là nơi thờ thủy tổ quan họ Bắc Ninh. Theo tiến sĩ khoa học Trần Đình Luyện, từ xưa nhân dân Viêm Xá và người dân trong vùng vẫn truyền kể về Đức Vua Bà với những câu chuyện khác nhau và mang đậm màu sắc huyền thoại. Có chuyện kể bà là vị hoàng hậu, không có con, gần cuối đời xin vua cho về quê, để góp công xây dựng quê hương. Nhưng đa số dân trong vùng thuộc lòng câu chuyện Bà là con gái vua Hùng. Trong ngày hội cướp cầu do vua tổ chức để chọn phò mã, bà đã không ưng thuận người được giải, vì vậy đã xin phép vua cha ra khỏi kinh thành đi du xuân cùng các thị nữ. Bỗng trên đường du xuân, gặp cơn phong vũ Bà và các thị nữ bị cuốn về trời rồi sau giáng hạ xuống trang ấp Viêm Xá cùng với 7 người khác họ. Ở đây Bà dạy mọi người làm ăn, khai phá đồng ruộng, bờ bãi, xây dựng gia đình, lập nên làng xóm, kỷ cương cuộc sống cộng đồng. Rồi Bà sáng tác những bài ca, dạy mọi người ca theo lề lối. Từ đó trở thành quan họ. Ở làng Diềm ngày nay vẫn còn truyền tụng câu ca: “Thủy tổ quan họ làng ta, những lời ca xướng Vua Bà sinh ra. Xưa nay nam nữ trẻ già, ai mà ca được ắt là hiển vinh”. Theo dự đoán của tiến sĩ Trần Đình Luyện, với những nguồn tư liệu hiện còn đã cho biết Đức Vua Bà chính là Nhữ nương Nam Hải Đại vương. Bà là Thần hoàng làng Viêm Xá, được tôn vinh là Vương mẫu và theo các sắc phong thì bà được tôn phong là “Quốc Vương Thiên tử”, “Nhữ nương nam nữ Nam Hải chiêu ứng diệu cảm”...
Ngày hội Đền Vua Bà được dân làng tổ chức vào ngày 7-2 âm lịch, tương truyền rằng đây là ngày Bà đi chơi Xuân , gặp cơn phong vũ cuốn về trời. Quan họ các làng bạn đều về lễ Đức Vua Bà và tham gia các canh hát quan họ, đón tiếp nhau thắm tình nồng hậu anh em. Đây là dịp các liền anh liền chị thể hiện hết tài nghệ trong ca hát, sự lịch lãm trong giao tiếp, ứng xử, tình yêu thương quý trọng nhau trong cuộc sống. Đây cũng là dịp các nghệ nhân thể hiện kết quả công lao truyền dạy, phát triển ca hát, lề lối chơi quan họ cho các thế hệ kế tiếp.
Từ những truyền thuyết lưu truyền về vị thủy tổ quan họ, người quan họ từ đời này đến đời khác xem nhau là anh em một nhà, mối dây ràng buộc thâm tình ấy đã dẫn đến tục kết chạ, một hình thức kết nghĩa, giữa các làng mà chỉ ở vùng đất quan họ mới có.
Tục quan họ không lấy nhau có gốc từ tục “kết chạ”
Theo ông Lê Danh Khiêm, Trưởng Ban Sưu tầm - nghiên cứu quan họ, một số “bọn” quan họ kết bạn không được quyền lấy nhau thành vợ, thành chồng. Điều cấm đoán này có nguồn gốc từ quy định trong khoán ước của các làng cùng chạ. Khi hai làng đã kết chạ rồi thì cũng có nghĩa hai bên coi nhau như họ hàng, như anh em một nhà (dù ở hai công xã khác nhau nhưng vẫn coi là cùng huyết thống). Vậy nên các chạ đều ghi vào bản khoán ước chung là con trai, con gái đôi nơi không được lấy nhau. Tất cả con trai, con gái hai làng đều phải răm rắp tuân theo quy định bắt buộc này. Ai vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng và bị dư luận làng xã lên án. Hệ quả kéo theo là các “bọn” quan họ ở những làng kết chạ với nhau cũng buộc phải thực hiện điều khoán ước này. Nghĩa là những bọn quan họ kết chạ với nhau thì không được lấy nhau. Cũng theo nghiên cứu của ông Khiêm thì xưa có tới 34 làng quan họ có tục kết chạ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tục kết chạ, nhưng chủ yếu là do các làng cùng thờ chung một vị thần thành hoàng. Từ việc giữa hai làng có kết chạ với nhau đã dẫn đến việc các “bọn” quan họ giữa hai làng kết bạn truyền đời với nhau. Đây là loại kết bạn bền vững nhất, truyền từ đời này sang đời khác. Từ khi tục kết chạ không còn duy trì giữa các làng quan họ, thì “lời nguyền quan họ không lấy nhau” cũng dần dần bị phá bỏ. Nghệ sĩ Thúy Cải, Trưởng Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh, cho biết không ít nghệ sĩ quan họ trong đoàn đã cùng nhau thành chồng thành vợ và vẫn tiếp tục sự nghiệp ca hát của mình. Tuy nhiên với những người dân quan họ cho đến nay vẫn chưa thể xóa đi lời nguyền mà cha ông từ bao đời nay để lại là “người quan họ thì không được lấy nhau”.
Bình luận (0)