“Năm qua là năm anh ấy cấp cứu nhiều lần. Có lần đã hôn mê 18 ngày, sau đó mới hồi tỉnh lại. Cơn đau dai dẵng nhất là sau suất diễn vở “Nửa đời hương phấn” do nghệ sĩ Gia Bảo – cháu của danh hài Bảo Quốc tổ chức nhân dịp NS Phượng Liên về nước, anh chị em nghệ sĩ đã họp mặt lại để biểu diễn vở tuồng đầy kỷ niệm này. Suất diễn đó quá nặng nề đối với anh ấy và với tôi. Bởi vì tôi biết anh ấy quá mệt do khó thở, căn bệnh suy tim, suy thận đã hành hạ anh ấy suốt nhiều năm qua. Và anh ấy đã ráng diễn cho xong vai Cang – anh của cô Hương trong vở tuồng này, để rồi rời nhà hát Bến Thành là nhập viện ngay trong đêm. Nhìn chồng khó thở, tay cứ đè lên trái tim đang co thắt mà nước mắt tôi cứ tuôn trào. Tôi mong sao có thể thay đổi trái tim của tôi cho anh ấy, để anh ấy được sống, được lên sân khấu là tôi cũng chấp nhận ngay mà không hối tiếc” – bà Liễu xúc động kể.
Bà chấp nhận làm vợ ông từ năm 19 tuổi, khi mẹ của bà lập đoàn cải lương Tổng cục Cao Su, mời NSƯT Thanh Sang về làm kép chánh. Lúc đó, ông đã trải qua 4 đời vợ, ông đã thú thật với bà và mẹ của bà rằng để có thể chính thức cưới bà làm vợ sau khi cuộc hôn nhân thứ tư của mình đổ vỡ. “Làm vợ nghệ sĩ là điều không tưởng đối với tôi. Ban đầu mẹ tôi có khuyên can nên suy nghĩ cho kỹ, vì sợ tôi sẽ khổ vì ghen tuông. Nhưng rồi khi về chung sống, anh ấy không có tính lăng nhăng, bay bướm. Thậm chí trong thư khán giả gửi về, có người tỏ tình, sẵn sàng dâng hiến cho thần tượng, anh ấy cũng đưa tôi đọc. Biết tôi cực khổ khi về chung sống với anh, lo cho mẹ của anh đau bệnh rồi lại cực với hai con nên những ngày gần cuối đời, khi anh ấy biết mình quá mệt mỏi với việc chống chọi với căn bệnh, đã có lời trăn trối với tôi: “38 năm làm vợ của anh, em khổ với mẹ chồng, rồi đến các con, nay thì lại lo cho anh bệnh”. Tôi đã xua tan ngay ý nghĩ của anh ấy. Bởi, chấp nhận làm vợ của anh, tôi không còn sợ nhọc nhằn, gian khó. Chỉ mong sao anh ấy được thanh thản, bước lên sàn diễn, hóa thân vào những vai tuồng mà khán giả đã yêu thương. Đó là phần thưởng lớn nhất của tôi” – bà Liễu lại khóc.
Trong những câu chuyện chia sẻ với bạn bè đồng nghiệp và người thân đến viếng đám tang chồng mình, bà Liễu chỉ những cây xanh trong sân vườn. Gốc cây nào mỗi chiều ông cũng ra ngồi, cầm cây kéo tỉa từng chiếc lá già, từng nhánh cây đã héo. Biết tính bà thường tỉa những cây già cỗi để nó sẽ ra lá mới, rồi nở hoa, ông đem giấu cây kéo. “Thấy em cắt tỉa mạnh tay, tôi thương cái cây quá, thôi để tôi làm, em đừng có tỉa mà đau nó” – ông nói như chính nỗi đau của thân phận mình.
Những ngày cuối đời, ông không muốn mắc nợ ai, nên chuyện mượn bộ phục trang của NS Hoài Thanh diễn bên Mỹ với NS Thanh Hải, Ngọc Hương, Cẩm Tiên trong vở “An Lộc Sơn”. Ông đã gửi một người bạn là khán giả kiều bào gửi trả cho NS Hoài Thanh, nhưng rồi không hiểu sao bộ phục trang đó lại mất. “Khi NS Hoài Thanh về nước đã gọi điện thoại mượn lại bộ phục trang đi quay phim. Anh ấy mới gọi sang Mỹ, và biết sau nhiều năm dọn nhà, người khán giả kiều bào đã để lạc mất bộ trang phục của vai diễn An Lộc Sơn. Thế là trong ngày sinh nhật của NS Hoài Thanh được tổ chức vào tháng 3 vừa qua, anh ấy đã đặt chuyên viên may phục trang Kim Phượng (Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long), mau gấp bộ phuc trang mới để trả lại NS Hoài Thanh. Cho đến lúc gần lìa đời, anh ấy vẫn không muốn mắc nợ ai” – bà Liễu đã chia sẻ trong tâm trạng đầy xúc động.
Các nghệ sĩ đoàn cải lương Kim Chung gồm: NSƯT Minh Vương, NS Thanh Phú, An Danh, Quốc Trầm, Phương Dung, Thanh Phú, Tài Bửu Bửu, Bảo Anh…đã đến viếng và xúc động nhắc lại nhiều kỷ niệm với NSƯT Thanh Sang. “Những lần hát chung trên Sân khấu Vàng chương trình từ thiện, chẳng những anh Sang không lãnh lương mà còn móc tiền túi cho các anh hậu đài và tặng thêm tiền cho quỹ từ thiện, để những món quà nghĩa tình đến tận tay nghệ sĩ nghèo khó. Tấm lòng anh đáng quý lắm” – NSƯT Thanh Nguyệt bật khóc khi nói về người anh đáng mến trong nghề.
NSƯT Ngọc Khanh (hát bội) nhớ khi bị tai nạn giao thông gãy 6 xương sườn, bà đã nhận được 6 triệu đồng của NSƯT Thanh Sang giúp chữa bệnh. “Anh ấy đưa tôi bao thư tiền, đó là cát- sê của đêm diễn, anh ấy nói anh hồi đó bị gãy một cái xương thôi đã đau không chịu nổi, em bị gãy đến 6 cái, anh thông cảm cho nỗi đau và sự khó khăn của em lắm. Cầm lấy số tiền cát- sê của suất hát này, anh tặng em để mua thêm thuốc” – NSƯT Ngọc Khanh kể.
Hơn 100 đoàn khách gồm các nhà doạnh nghiệp, các nghệ sĩ nhiều thế hệ, trong đó có các nghệ sĩ sống ở nước ngoài, các ca sĩ, diễn viên điện ảnh trong nước và đông đảo khán giả đã đến viếng NSƯT Thanh Sang. Trong các buổi tối 22,34 và 24-4 các CLB Đờn ca tài tử và nghệ sĩ sân khấu sẽ tổ chức biểu diễn văn nghệ, hát lại những bài ca cổ, những trích đoạn cải lương vang bóng một thời để tiễn biệt người nghệ sĩ đã để lại quá nhiều dấu ấn đẹp cho sân khấu cải lương.
Bình luận (0)