Quân khu Nam Đồng kể những câu chuyện tuổi thơ trong các khu gia binh những năm đất nước chưa thống nhất. Không khó để nhận ra thông điệp mà tác giả gửi đến người đọc ở thời bình: Dù các bạn có sống bao lâu đi chăng nữa, 20 năm đầu chính là nửa cuộc đời tươi đẹp và quan trọng nhất. Hãy cố gắng sống sao cho vui vẻ, hạnh phúc, đừng để mình trượt ngã ngay từ vạch xuất phát. Bằng những câu chuyện trong ký ức, thông điệp mà tác giả gửi đến người đọc đầy thuyết phục bởi sự chân thành và gần gũi. Những câu chuyện trong Quân khu Nam Đồng là những trải nghiệm cho người hôm nay cảm nhận được sự tốt đẹp của cuộc sống mà mình đang trải qua.
Khái niệm “quân khu” từng ám ảnh vài thế hệ trước đây nhưng có lẽ rất xa lạ với người trẻ hôm nay. Những đứa con của lính mới lớn, thông minh nhưng khờ khạo, dũng cảm nhưng ngốc nghếch, lãng mạn và vụng về. Họ sống cuộc sống “tập thể” từ trường học đến nơi sơ tán, từ trong nhà ra ngoài sân khu gia binh. Nỗi buồn thì có khác, tùy gia cảnh nhưng niềm vui, sự trong sáng chân thành và tình anh em, chất “quân khu” thì chia đều cho tất cả. Họ gắn kết với nhau bền chặt hơn bởi hoàn cảnh, đều là những đứa con lính ở hậu phương, bởi ngôi nhà vắng bóng cha, nơi người mẹ phải làm trụ cột và những đứa trẻ phải “tự lớn”, trưởng thành, tự hoàn thiện nhân cách của mình bằng nhiều cách khác nhau, kể cả trả giá bằng máu hay tù tội.
Những câu chuyện rất trong sáng của Quân khu Nam Đồng cũng phần nào khắc họa hiện tượng biến tướng sau này. Độc giả có thể hiểu rõ hơn về hình ảnh những thanh niên mặc quân phục, mang dép lốp, đầu đội nón cối, giắt súng ở thắt eo, nghênh ngang ngoài phố và sẵn sàng “kiếm chuyện” với bất cứ ai trông ngứa mắt, được nhắc đến trong nhiều tác phẩm văn học.
Hồi ức thường đẹp và buồn, tác phẩm Quân khu Nam Đồng tràn ngập ký ức đẹp và buồn ấy. Nhưng đặc biệt ở chỗ, cái buồn của ký ức trong tác phẩm này được thay thế bằng sự “buồn cười”. Con mắt của một người lạc quan thấy những điều buồn nhất cũng có giá trị và đáng trân trọng.
Cuốn sách được độc giả yêu mến bởi chính sự hài hước đáng yêu. Sắc màu văn học âm tính quá nhiều hiện nay trở nên lu mờ trước một tác phẩm hiếm hoi đậm chất “đàn ông” với sự ngây thơ nhưng hào sảng này. Thế nên, một tác phẩm tưởng rằng ăn may trong chuỗi sự kiện đại lễ 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước lại là một tác phẩm đáng đọc bởi chất văn học, tính nhân văn và cả tinh thần lạc quan, yêu đời trong đó.
Bình luận (0)