Ngồi xem các diễn viên nhí của nhóm Bầu Trời Xanh thuộc Ban Biểu diễn Hội Sân khấu TP HCM trình diễn tại Nhà hát TP, nghệ sĩ Ngọc Giàu nhớ lại cái thuở bà còn bé, cũng lí lắc như bé Kim Thư - con gái của nghệ sĩ Ngọc Nga, cháu ngoại nghệ sĩ Trường Sơn bây giờ. Được truyền nghề và học nghề bên cánh gà sàn diễn không phải mấy ai cũng thành danh nhưng hễ đã quyết tâm, người nghệ sĩ sẽ được mang “đôi hài vạn dặm” trên con đường nghệ thuật.
“Ngựa hí, nhạc reo”
Ham học hỏi nên khi được người anh thứ ba dẫn theo để bán đông dược, Ngọc Giàu đã múa võ, đánh trống diễn tiết mục “trồng chuối” trong tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả. Khi về đoàn Kim Chưởng, Ngọc Giàu chỉ mới 14 tuổi, đã hát đào chánh cùng với kép chánh là “vua xàng xê” Minh Chí (chồng của nghệ sĩ Ánh Hoa), trong vở tuồng “Hai cánh én mùa Xuân” khai trương rạp Hưng Đạo năm 1960. Từ một cô gái quê ở Thủ Thiêm - Sài Gòn, phút chốc đóng vai đào chánh trong khi chỉ có giọng ca, còn vốn nghề là sự gan lì học từ gánh sơn đông mãi võ, Ngọc Giàu chỉ còn trông chờ vào sự dìu dắt của thế hệ đi trước.
Hai cánh gà sân khấu của bất cứ rạp hát nào tại Sài Gòn thời đó đều lưu dấu hình ảnh của Ngọc Giàu ngồi nép mình để học lóm nghệ sĩ đàn anh, đàn chị diễn sau khi xong lớp diễn của mình. Việc học bên cánh gà là một lợi thế cho những đào kép trẻ thời đó như Ngọc Giàu. Bởi, không chỉ diễn vai đào chánh, bà bầu Kim Chưởng thích hoán chuyển các vai phụ trong dàn diễn viên đóng vai phụ, nghĩa là không đóng khung bất cứ vai phụ nào, như một cách kích thích khán giả đến xem. “Nhờ vậy, tôi học nhiều kinh nghiệm ca diễn bên cánh gà. Cô Sáu Bê là một diễn viên độc đáo, vai nào diễn cũng hay. Bà diễn Đào Tam Xuân thì khỏi chê. Hoặc ông Năm Phồi có cánh tay cán vá, mà sau này tôi bắt chước ông để diễn vai Bảy cán vá trong vở “Đời cô Lựu” - nghệ sĩ Ngọc Giàu bồi hồi nhớ lại.
Một lần nghệ sĩ Ngọc Giàu chứng kiến nghệ sĩ Bảy Nam xuống Mỹ Tho - nơi đoàn Kim Chưởng hát - để thăm bà Sáu Bê. Hai bà xưng hô “đại ca và hiền đệ”, cũng y như bây giờ nghệ sĩ Ngọc Giàu luôn gọi “sầu nữ” Út Bạch Lan là “đại ca”. Hai cô đào lừng danh ấy gặp nhau, “khích tướng” nhau bằng việc chê “đại ca diễn dở ẹc” rồi thử tài bằng lớp “Triệu Tử Long phò nhị tẩu”. “Đôi chân đi xuyến của nghệ sĩ Bảy Nam mới tuyệt làm sao. Còn cách múa quạt, vung gươm của bà Sáu Bê khiến tôi há hốc miệng mà mơ một ngày mình cũng được múa giỏi như vậy” - nghệ sĩ Ngọc Giàu nhớ lại.
Bà kể thêm: “Hôm sau, tôi lân la hỏi chuyện bà Sáu Bê, bà ngồi ăn vú sữa “đèo” - những quả vú sữa nhỏ xíu nhưng ngọt lịm. Cho tôi một trái, bà chậm rãi nói: “Hổm rày thấy bây ngồi bên cánh gà, coi bộ ham học. Nghề này phải biết làm cho mình lúc nào cũng trong tư thế “ngựa hí, nhạc reo” mới mong thành danh”. Tôi ăn trái vú sữa, trong bụng mừng rỡ nhưng nghĩ hoài không thể hiểu mấy từ bà dạy. Chạng vạng, tôi đến gần cô Bảy Kim Chưởng, người đã từng lặn lội đến khu đồn điền cao su để chỉ tặng bà Năm Phỉ một sợi dây chuỗi ngọc, bày tỏ sự ngưỡng mộ một cô đào tài sắc dù tên tuổi Kim Chưởng lúc đó không phải dạng vừa. Nghe tôi xin giải nghĩa bốn chữ vàng của bà Sáu Bê, vốn là mẹ kế của bà bầu Kim Chưởng, bà Bảy cười: “Ngựa hí để chào đón, nhạc reo để ăn mừng, nghệ sĩ dù có đói cũng phải giữ tinh thần vui vẻ, có vui thì mới tự tin để học, để diễn. Em không thấy trong gánh hát của tôi lúc nào cũng vui như Tết đó sao?”. Và tôi đã giữ tinh thần đó cho đến hôm nay”.
Bỏ qua hiềm khích, góp ý cho nhau
Cùng tâm trạng với nghệ sĩ Ngọc Giàu, “kép đen” Phương Quang từ Dĩ An - Sông Bé (nay thuộc Bình Dương) được mời về đoàn Kim Chưởng, cùng lãnh giải Huy chương vàng Thanh Tâm năm 1966 với nghệ sĩ Phượng Liên, sau nghệ sĩ Ngọc Giàu đến 6 năm, kể lại: “Đoàn Kim Chưởng là lò luyện thép. Tinh thần vui vẻ như thế nhưng ai diễn sai, cương ẩu thì “chết” với bà bầu này”.
Và câu chuyện bên cánh gà của Phương Quang cũng lâm li bi đát, trước hết là dẹp bỏ tính “ngông cuồng” do suy nghĩ chưa thấu đáo. “Hồi đó, tôi ganh với Dũng Thanh Lâm. Nghĩ anh này có cái mã cao to, đẹp trai chứ ca làm sao bằng mình. Hễ Lâm diễn thì tôi không coi. Vãn hát thời đó, tất cả các kép hát của những đại bang lái xe hơi tập trung đến rạp Quốc Thanh để đánh bi-da. Chú ba “kép độc” Hoàng Giang biết chuyện khuyên nhủ tôi: “Mình có cái hay thì người khác cũng có vị trí riêng. Xem bạn diễn để học cái hay, loại bỏ cái dở, đó mới là thức thời”. Về sau, tôi và Lâm thân nhau. Hai anh em cùng ngồi bên cánh gà để học nghề. khi Lâm đi đoàn khác, bên tôi vãn tuồng sớm thì chạy qua Lâm để cùng coi bạn diễn và ngược lại. Lâm và tôi cùng góp ý chân thành từng vai diễn của nhau” - nghệ sĩ Phương Quang nói.
Ông cũng cho biết bên dàn đào cải lương, Phượng Liên chính là cô đào thẳng tánh nhất, hễ ông diễn sai, ca chưa hay là Phượng Liên góp ý, không sợ mích lòng. “Học bên cánh gà của thế hệ chúng tôi là vậy, đổ mồ hôi, sôi nước mắt để tập luyện và sự gian nan đã loại bỏ tính kiêu ngạo của người nghệ sĩ” - nghệ sĩ Phương Quang chia sẻ.
Kỳ tới: Bài học khiêm tốn
Thế hệ vàng học nghề từ cánh gà
Thế hệ vàng của sàn diễn cải lương thời hưng thịnh là vốn quý của sân khấu miền Nam. Đa phần họ học từ cánh gà sân khấu, mỗi người tự bồi đắp bằng những bài học giá trị để tạo dựng tên tuổi. Hầu hết đi lên từ giọng ca vì khán giả đến rạp chủ yếu là nghe ca, sau này khi nghệ sĩ Năm Châu hình thành phong cách diễn xuất cải lương thật và đẹp từ Ban Việt kịch Năm Châu lan tỏa đến các đoàn hát, mỗi đại bang đã tìm tòi sáng tạo hướng đi riêng buộc nghệ sĩ thời đó phải chạm đến tim người xem bằng việc kết hợp ca và diễn. Cánh gà sân khấu nuôi lớn biết bao tài năng, để ngày nay tự hào khi nhắc đến Thành Được, Út Bạch Lan, Văn Chung, Diệp Lang, Hoàng Giang, Minh Cảnh, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Diệu Hiền, Bạch Tuyết, Hùng Minh, Tấn Tài, Thanh Sang, Phượng Liên, Phương Quang, Ngọc Hương, Hồng Nga, Lệ Thủy, Kim Ngọc, Minh Phụng, Thanh Tòng, Minh Vương, Mỹ Châu, Thanh Tú, Thanh Tuấn, Bảo Quốc, Bo Bo Hoàng, Chí Tâm...
Bình luận (0)