Dự án CGV Art House là hệ thống các phòng chuyên trình chiếu những tác phẩm điện ảnh nghệ thuật của Việt Nam và Hàn Quốc nằm trong hệ thống cụm rạp của CGV với mức giá ưu đãi. Ở cụm rạp Parkson Paragon (TP HCM) có phòng chiếu M-Cinema (chiếu phim Việt Nam) và phòng chiếu số 2 (chiếu phim Hàn Quốc). Ở cụm rạp CGV Hồ Gươm Plaza (Hà Nội) có phòng chiếu số 5 (chiếu luân phiên phim Việt Nam lẫn Hàn Quốc). Tất cả có giá cố định 40.000 đồng/vé.
Ra đời từ cuối năm 2014, rạp chiếu chuyên biệt do CGV khởi xướng đã trở thành cầu nối, giúp những tác phẩm điện ảnh Việt mang tính nghệ thuật tìm được “đầu ra”. Đồng thời đây cũng là sân chơi dành cho các nhà làm phim trẻ nhằm khuyến khích những bộ phim ngắn ra đời và trình chiếu rộng rãi.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp từng cho biết cô đã mang phim “Đập cánh giữa không trung” đi gõ cửa vài nhà phát hành nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu vì không ai mặn mà quảng bá dòng phim này. May thay gặp được dự án “Art House” của CGV nên phim mới có được khoảng trời để “đập cánh” đến với khán giả, dù ít ỏi. Sau “Đập cánh giữa không trung”, một số phim khác được giới thiệu đến công chúng như “Cánh đồng bất tận”, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Những đứa con của làng” và mới đây nhất là “Người trở về”.
Song, bên cạnh niềm vui giải quyết được “đầu ra” cho các tác phẩm nghệ thuật, dự án CGV Art House còn ngổn ngang những nỗi lo khác: Với kinh phí đầu tư phòng chiếu hiện đại, sang trọng thì mức giá 40.000 đồng/vé rõ ràng là “thu không đủ chi” (đối với những phim có bán vé). Đó là chưa kể việc khán giả đến với những bộ phim này không phải là con số khả quan. Ngoại trừ phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” sốt vé nhờ hiệu ứng tốt từ câu chuyện lạ, còn “Đập cánh giữa không trung” doanh thu không nhiều. Riêng phim “Cánh đồng bất tận” đã quá cũ nên chịu cảnh đìu hiu. Với các phim được chiếu miễn phí lại càng khó kéo khán giả hơn vì tâm lý “phim dở mới chiếu miễn phí”.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là rạp chiếu không nằm ở vị trí đắc địa, nơi tập trung đông dân cư nên sẽ là cản trở lớn để khán giả đến với rạp. Trong khi ở trung tâm thành phố có quá nhiều cụm rạp với phim bom tấn, phim thị trường hấp dẫn, khán giả sẵn sàng bỏ tiền cao ra mua vé thay vì đi xa xem phim nghệ thuật với giá rẻ, thậm chí miễn phí. Nhiều người trong giới đặt câu hỏi: “Tại sao phải chờ đến CGV mới có vài phòng chiếu dành cho phim nghệ thuật trong khi nhà nước luôn chủ trương làm phim nghệ thuật? Giá như các rạp tư nhân ở khu trung tâm rộng cửa hơn với các dòng phim”.
Phát hành 4 phim trong gần 1 năm (không tính 1 phim cũ và phim Hàn Quốc) là quá ít ỏi. Nguồn phim dự trữ để trình chiếu cũng là nỗi lo không ít của đơn vị phát hành này. Với phim mới, họ phải gửi lời mời chào đến những nhà làm phim ngắn, những người làm phim độc lập còn với những phim cũ lại gặp nhiều khó khăn trong vấn đề bản quyền. Tâm huyết tìm được lối ra cho “phim nghệ thuật” của CGV Art House là đáng trân trọng song việc mang dòng phim này đến gần với khán giả một cách rộng rãi vẫn còn là đường dài đầy gian nan.
Bình luận (0)