Nội dung phim kể về Jesse (Elle Fanning đóng), 16 tuổi, say mê thời trang nên không ngại rời bỏ quê hương lên Los Angeles – Mỹ để tìm kiếm cơ hội với quan điểm: “Sắc đẹp không phải là tất cả, sắc đẹp là duy nhất”.
Cô nhờ một người quen qua mạng chụp cho mình vài bức ảnh rồi mang chúng đến các công ty thời trang để giới thiệu. Chỉ cần nhìn qua Jesse, gương mặt xinh đẹp, ngây thơ, vóc dáng thon thả, bất kỳ ai cũng thấy tiềm năng trong cô. Và họ bị chính vẻ đẹp, chất trẻ trung pha lẫn sự ngây thơ của cô gái tỉnh lẻ bước lên thành thị tìm cơ hội tội sáng, chinh phục.
Một số hình ảnh trong phim
Jesse biết rõ nhan sắc tự nhiên, không chỉnh sửa của mình và quyết tâm dùng nó để làm vốn kiếm sống thông qua nghề người mẫu. Cái đẹp của cô không cần làm gì cũng chinh phục tất cả từ gã chủ nhà trọ, nhiếp ảnh gia lừng danh, nhà thiết kế thời trang danh tiếng và cả cô trang điểm đồng tính Ruby.
Họ khao khát chiếm hữu một vẻ đẹp tự nhiên, cái đẹp mà bao người mẫu phải đến bệnh viện thẩm mỹ cắt, gọt, bom… vẫn chẳng thể có được. Jesse dần đi lên trong nghề, cô được chọn làm vedette trong buổi trình diễn thời trang.
Hẳn nhiên, thành công của Jesse trở thành điều mà những người mẫu khác thèm muốn. Họ ganh tị, thù hằn và đỉnh điểm là tìm cách triệt hạ khi không được thỏa mãn những yêu cầu của mình.
Thuộc dòng phim nghệ thuật, “The Neon Demon” quả thật không dễ xem khi đạo diễn người Đan Mạch Nicola Winding Refn đẩy sự ganh ghét đến đỉnh điểm và cái chết của Jesse.
Ba người tham gia vụ giết chết Jesse có một người mẫu ganh tị với nhan sắc tự nhiên của cô, một người mẫu tức giận vì vuột hợp đồng vào tay Jesse, chuyên gia trang điểm Ruby yêu Jesse nhưng cô không đáp lại. Họ không chỉ giết chết cô người mẫu trẻ chỉ 16 tuổi này mà còn ăn thịt cô.
Nhưng khi đến Việt Nam, một số cảnh ghê rợn, máu me bị cắt, khiến khán giả xem phim thấy nhiều chi tiết khó hiểu. Một phần sự ám ảnh và khó hiểu là do tính cách kỳ quái của các nhân vật, cách kể chuyện của đạo diễn nhưng cũng vì nhiều chi tiết bị cắt. Chính yếu tố ăn thịt người sẽ lý giải dễ dàng hơn cho cái kết mà nhiều người nhận định hụt hẫng, khó hiểu.
Bù vào độ “hại não” của các nhân vật, phim có nhiều góc quay đẹp mắt, đầy tính nghệ thuật. Vẻ đẹp Elle Fanning đầy cuốn hút, khiến người xem khó rời mắt khỏi cô. Cái đẹp trong phim đầy cực đoan, được đạo diễn chăm chút tỉ mẫn để phản ánh một phần góc tối trong làng thời trang.
Thời điểm “The Neon Demon” lọt vào danh sách 20 phim tranh giải thưởng Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2016 diễn ra tháng 5, nhiều ý kiến tranh luận diễn ra. Một số chỉ trích phim quá ghê rợn, điên rồ một số lại ca ngợi tính nghệ thuật của nó. Đạo diễn đã phải lên tiếng khẳng định phim ông không nhất thiết phải tuân theo những giá trị khuôn mẫu của nghệ thuật và đời sống.
“…Nghệ thuật càng cực đoan càng nhiều điều thú vị ẩn sau tác phẩm đó. Chúng tôi không làm phim vì những điều tốt đẹp hay làm căng thẳng hóa vấn để. Đơn giản chúng tôi chỉ muốn trải nghiệm” – Đạo diễn phim “Neon Demon” bày tỏ quan điểm.
Bình luận (0)