Lui về hậu trường để làm vợ ở tuổi 24 và làm mẹ ở tuổi 25, Lưu Thiên Hương nói rằng cô “lùi một bước để tiến hai bước”, vừa ổn định cuộc sống gia đình Hương vừa theo học khoa sáng tác Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, nay đã sang năm 2.
Cô gái hát rock có gương mặt hồn nhiên ngày nào sinh ra trong một gia đình có truyền thống mê nhạc rock. Ba Hương là nhạc công, mẹ là ca sĩ của Đoàn Ca múa Nam Định. Hương được mẹ dạy hát từ hồi mẫu giáo, lại có ba năm học guitar cổ điển do một cô bạn của mẹ dạy, rồi tự mày mò chơi nhạc nhẹ với sự chỉ bảo của ba vốn là Việt kiều Pháp về nước sinh sống.
Dự thi Sơn ca toàn thành phố (Nam Định) bao giờ Hương cũng giành giải nhất. 15 tuổi cô bé thi Tiếng hát truyền hình toàn tỉnh cùng với người lớn cũng đoạt hạng nhất. Năm Hương học lớp 10, trường bốc trọn năm tiết mục (ba bài trong đó là sáng tác của Hương) do Hương dàn dựng cho lớp đi thi cấp tỉnh, giành giải nhất toàn đoàn.
Từng thi học sinh giỏi văn toàn thành phố, Hương cũng đã nghĩ đến nghề báo. Dù không hề ôn thi cô vẫn đỗ khoa thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội. Sau một hồi phân vân, Hương quyết định từ giã khoa báo chí để theo con đường số phận đã định cho mình.
Khi đạo diễn Nguyễn Chí Hướng đến Nhạc viện Hà Nội tìm một nữ diễn viên với tiêu chuẩn biết hát cho phim truyền hình, bà trưởng khoa thanh nhạc đã giới thiệu ngay cô sinh viên năm 1 có gương mặt xinh xắn. “Càng diễn càng thích” - Hương nhớ lại.
Nhưng đóng phim (Giai điệu mùa thu) cũng chẳng sung sướng gì, từ 6g sáng đến 11-12g đêm và ròng rã như thế hai tuần, bỏ bao nhiêu là sô(!), nên Hương đành từ chối một số lời mời sau đó. Nhân vật ca sĩ cuối phim được đi học thanh nhạc ở nước ngoài. Hương đến giờ vẫn xuýt xoa mong mình cũng được thế.
Hương công nhận là cô khởi nghiệp khá suôn sẻ. Năm 1999 đi hát thì năm sau đã lên sân khấu lớn - Gala 2000 với Ly cà phê Ban Mê. Với sự đỡ đầu của nhạc sĩ Bảo Chấn, năm 2001 Hương vào TP.HCM cũng quyết một phen thành sao. Hằng ngày cô đến nhà Bảo Chấn tập bài, dựng bài mới. Nhạc sĩ thậm chí còn hộ tống Hương đi hát tụ điểm. “Chả phải móc nối xô chậu gì, mỗi tối em hát năm chỗ (trong khi Hà Nội hai sô một tối đã là ghê), chạy phát sợ, về đến nhà chỉ có lăn ra ngủ”.
Sau hơn hai tháng cô trở ra Hà Nội. Kết luận về cuộc Nam tiến dang dở: “Em chả gặp khó khăn gì, chỉ do tâm lý...”. Hương bảo cô thích sự bình lặng của Hà Nội, nhưng thật ra còn một lý do khá tế nhị như cô thú nhận: “Lúc ấy em mới yêu. Mình cũng nặng về tình cảm nên khổ(?)”.
Hương “bị” để ý chính từ chương trình Gala 2000. Sơn Hải lúc ấy đang chơi keyboard cho ban nhạc Anh Em. Hải vốn nhút nhát nên muốn gặp Hương toàn phải nhờ anh đánh trống gọi giúp. Thế mà khi Hương ra đến nơi, có khi chàng lại lỉnh mất. Đi ăn chung với cả ban nhạc, cũng chỉ khen cô được hai câu: “Hát hay thế, xinh thế”. “Nhưng con gái bọn em, ai thích mình nhìn biết ngay!”.
Lần đầu tiên đi riêng, chàng rủ nàng chén miến lươn. Muốn cầm tay nàng lắm rồi nhưng chàng ngại, cứ rụt ra rụt vào, rồi lại gãi đầu gãi tai. Đúng khi chàng lấy hết can đảm chuẩn bị cầm tay người đẹp thì nàng vồ lấy đôi đũa (làm bộ thôi) định gắp lươn. Thế nào mà một cái đũa bật lên rơi tọt vào trong cổ áo chàng. Thế là ăn xong ai về nhà nấy...
Ca khúc “người lớn” đầu tiên của Hương ra đời chính từ những ngày mới quen “chồng em bây giờ”. “Đợt đấy em đi diễn, đi nước ngoài nhiều. Anh ấy cũng phải theo ban nhạc. Nên cứ người về người lại đi.
Yêu nhau khoảng một năm trời mà chỉ gặp nhau độ khoảng hai tháng”. Đáng ra sáng tác đầu tay của Hương tên là Nhớ anh nhưng vì cô “dấm” lâu quá, Thu Minh ra Nhớ anh trước nên bài hát trở thành Vì em đã yêu anh nhẹ lâng lâng, với đoạn Ô la ô la... dễ thương mở đầu cho điệp khúc.
Cô lý giải: “Cái cảm giác nhớ nhung của hai người yêu nhau nó vừa buồn mà lại vừa vui, có thể hát được!”. Tình cảm của hai người cũng là nguồn cảm hứng để Hương hoàn thành liên khúc chưa đặt tên gồm năm bài hát theo phong cách rock giao hưởng, kể lại (có tưởng tượng thêm) một chuyện tình từ mới quen nhau đến tận khi đầu bạc răng long.
“Em thường viết về tình yêu. Sao nó dễ viết thế! Về thiên nhiên môi trường, mình viết chỉ được 1-2 cái, còn tình yêu cứ gọi là không bao giờ hết. Không của mình thì của người khác (cười vẻ bí hiểm), của mình thì viết hết lâu rồi!”. Sau khi nghe tâm sự của người bạn gái lần đầu biết yêu, Hương thích quá, về viết Thu tình yêu (2001). Chiếc áo cho em (2003) tuy mang tình cảm chị em nhưng cũng gián tiếp bắt nguồn từ tình yêu.
Biết em gái vừa chia tay bạn trai, Hương không biết cách nào để san sẻ. Đợi lúc Giang đi học, cô ngồi vào bàn viết một mạch, trong 10 phút ra cả nhạc lẫn lời! Vậy nhưng mãi đến khi đi thi Sao Mai điểm hẹn, Giang mới được biết bài này. Trước đó, vì... ngượng nên Hương giấu biệt.
Người thân trong nhà, trừ con gái còn “mới” quá, mới bốn tháng tuổi, còn lại ai cũng từng là nguyên mẫu cho Hương sáng tác. “Mẹ em có nhiều cái để em viết - cô trầm ngâm - Gia đình em còn ba mẹ con, đúng là mỗi người một nơi!”. Bố mất sớm, hai chị em cũng muốn mẹ đi bước nữa nhưng bà không nghe...
Hương đang trong thời gian nghỉ nuôi con rảnh rỗi nên “ngày nào cũng có bài hát”(!). Hỏi lượng bài đã đủ để ra bao nhiêu CD, cô đáp vẻ thành thật: “Anh muốn bao nhiêu cũng được!”. Sau khi đóng góp cho Bài hát Việt 2005 một Bài hát của tháng (Thu tình yêu) và một Bài hát được khán giả yêu thích nhất (Chiếc áo cho em), Hương có nhiều “toan tính” cho Bài hát Việt 2006. “Năm tới em sẽ phải đạt một cái gì đấy” - cô khẽ nói như với chính mình.
Bình luận (0)