- Phóng viên: Kể từ sau tác phẩm Gặp gỡ ở La Pan Tẩn xuất bản vào năm 2001, nhà văn Ma Văn Kháng đã im hơi lặng tiếng khá lâu với tiểu thuyết. Mất 8 năm sau, tác giả của Mùa lá rụng trong vườn mới trở lại với cuốn tiểu thuyết Một mình một ngựa (NXB Phụ nữ vừa ấn hành)?
- Nhà văn Ma Văn Kháng: Thật tình tôi đã định thôi viết tiểu thuyết. Nhưng trong những ngày nghỉ ngơi, ngẫm lại đời mình, tôi bỗng nhận ra còn một đoạn đời có chút ít ý nghĩa của mình bị chính mình lãng quên. Ấy là mấy năm trời tôi sang làm thư ký cho bí thư tỉnh ủy. Ở đó tôi được sống và cộng tác với hai lớp người: những cán bộ lãnh đạo trong ban thường vụ tỉnh ủy và các cán bộ trợ lý giúp việc. Và thế là tôi quyết định phải kể nốt những chuyện mình đã biết ở đoạn đời này.
- Vì vậy, ở bìa 4 của cuốn tiểu thuyết có giới thiệu “tác phẩm giống như là tự truyện của tác giả”?
- Cuốn tiểu thuyết chỉ mang dấu ấn tự truyện. Các sự kiện, tình huống, tâm trạng, hành động của nhân vật ông giáo Toàn về cơ bản chính là những gì tôi đã trải. Các nhân vật khác trong sách đều có nguyên mẫu. Nhưng tất nhiên, tất cả đã được tiểu thuyết hóa theo yêu cầu của thể loại.
- Ông đã dùng tên thật cho phiên bản của mình trong Một mình một ngựa. Có kỷ niệm sâu sắc nào trong cuộc đời đã khiến ông đặt cho mình một bút danh mang âm hưởng tên của người dân tộc, thưa nhà văn?
- Cái nhân vật mang tên Toàn ấy mang dấu ấn của tôi, chứ không phải hoàn toàn là tôi. Tôi sống và làm việc ở Lào Cai trong suốt 22 năm. Trong một lần đi làm thuế nông nghiệp, tôi bị ốm nặng ở một làng đồng bào Giáy, may nhờ một vị cán bộ huyện ủy địa phương tìm thầy thuốc chữa khỏi cho. Vị này họ Ma. Khỏi bệnh, tôi kết nghĩa với ân nhân mình và lấy bí danh Ma Văn Kháng. Sau này viết văn, tôi lấy luôn tên đó làm bút danh.
- Ông muốn gửi gắm điều gì từ Một mình một ngựa cho độc giả hôm nay?
- Tôi muốn vẽ lại chân dung những con người mà mình đã từng được sống và làm việc qua con mắt nhìn của một ông giáo, một tiểu trí thức, trong tinh thần thực sự cầu thị. Nghĩa là cố gắng gọi đúng tên sự vật, không tô hồng, huyền thoại hóa họ và nhất là không tô đen bóp méo, phủ định sạch trơn.
- Cụm từ “một mình một ngựa” được lặp đi lặp rất nhiều lần trong tác phẩm như thể nhà văn muốn nói điều gì sâu xa hơn?
- Một mình một ngựa là hình ảnh một chiến sĩ cách mạng hiên ngang, oai hùng, một hình tượng giàu tính thẩm mỹ. Bí thư tỉnh ủy một mình một ngựa đi đến các vùng thổ ty phong kiến thuyết phục họ theo chính phủ Trung ương. Nhưng hình tượng đó, trong bản thân nó cũng đã hàm chứa mặc cảm cô đơn rồi. Ông quyết định một mình xông pha trong cuộc đối đầu với đối phương thời khởi đầu cách mạng, một mình đương đầu với khó khăn trong xây dựng. Nhưng ông cũng cô độc biết bao trong cuộc sống, trong việc bảo vệ chân lý, trong quan hệ với người vợ của mình... Một mình một ngựa - vừa oai vũ vừa đơn côi, là thân phận của tất cả các cá thể có ý thức về giá trị của mình.
- Một mình một ngựa sẽ không dễ dàng thu hút được độc giả trẻ? Khi viết, nhà văn có chủ ý hướng đến đối tượng độc giả nào không?
- Nếu như thế thật thì tiếc lắm. Nhưng cũng đành vậy thôi, biết làm thế nào hơn được! Mỗi người, mỗi thế hệ chỉ thông thạo vài thao tác thôi!
- Cái tên Ma Văn Kháng đã gắn liền với những tác phẩm đỉnh cao của một thời. Ông có cảm thấy áp lực không nếu như tác phẩm này không tạo được một sức bật lớn như những tác phẩm trước?
- Không! Tôi viết như văng hòn đá ra khỏi tay, tự nhiên và thân thiết trước bạn đọc.
- Ông có ý định viết hẳn một quyển tự truyện cho mình?
- Tôi đang cố gắng hoàn thiện một quyển hồi ký, nhưng không hiểu bao giờ thì xong và ra mắt được bạn đọc!
- Nhà văn có cảm nhận rằng văn học hiện nay dường như càng lúc càng bị chùng lại, không có nhiều tác phẩm tạo dấu ấn như thế hệ trước nữa?
- Tôi lại nghĩ chưa hẳn như thế. Chúng ta cần có một thời gian nữa để nhìn lại. Tôi tin ở lớp nhà văn trẻ!
Hình tượng đầy cảm hứng kiêu hùng Sự cô đơn là sản phẩm của tạo hóa, mang sự hòa trộn hữu cơ giữa vẻ đẹp anh hùng cao cả phi thường với thói đời nhỏ nhặt, tầm thường. Chủ đề ấy của tiểu thuyết được thực hiện bằng một nghệ thuật trần thuật có dụng ý phác thảo loạt chân dung một lớp người - một thế hệ cán bộ ở một thời điểm nhất định của đất nước. Những tính cách giàu tính chân thực sinh động, như một đính chính những ngộ nhận về họ ở cả hai phía cực đoan. Bí thư tỉnh ủy Quyết Định là một người có quá khứ oanh liệt, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Ông tâm huyết, tận tụy, sống gương mẫu và trung hậu. Nhưng cảm giác cô đơn, một mình một ngựa vừa hào hùng vừa cô độc đã chế ngự ông. Một mình một ngựa đã khắc họa nhân vật bằng một cảm hứng kiêu hùng để khắc họa nên hình tượng một con người bình thường như đủ sức làm nên một sức mạnh anh hùng. |
Bình luận (0)