Chiều cuối tuần ở Viện Dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8, TP HCM) vắng tanh. Nghệ sĩ Thiên Kim ngồi một mình bên hàng ghế ngoài hành lang, đôi mắt buồn thăm thẳm. Không có lời mời đóng phim, chiều nào bà cũng thẫn thờ ngồi như thế. “Gần nửa tháng nay không được đi đóng phim, tôi buồn lắm! Suốt ngày chỉ biết đi ra đi vào bầu bạn với mấy người trong này cho vui. Nhiều lúc nhớ nghề muốn khóc luôn” - bà thở dài. Bà bảo phim có sức hấp dẫn đặc biệt nên bà mới mê đến vậy.
Đi đóng phim vui lắm!
Sức hấp dẫn mà nghệ sĩ lão thành Thiên Kim muốn nói đến là không khí ở trường quay. Cả đời bà cống hiến cho nghệ thuật, “ăn ngủ” với không khí của phim trường, không mê làm sao được. “Không khí tấp nập, hối hả, người người làm việc, hô hào; được gặp nhiều người, trò chuyện vui vẻ, tôi thích lắm!” - bà háo hức.
Vậy nên mọi vất vả nhanh chóng qua đi, nhường chỗ cho những niềm vui. Bà kể lần nào đi đóng phim cũng được khán giả, già lẫn trẻ, vây quanh để xin chữ ký, chụp hình chung. Tình cảm đó làm bà phấn chấn, sống lạc quan, vui vẻ hơn và hóa thân không biết mệt.
NSƯT Phi Điểu bảo có lúc bà cũng định nghỉ ngơi nhưng gặp nhiều khán giả hay nhắc khéo: “Sao lâu rồi không thấy bà trên phim” thì lại nôn nao trong lòng. Bà kể có lần đi chợ được khán giả biếu trái cây, được chỉ đường về tận nhà. “Tôi chưa ngơi nghỉ vì ai mời tôi cũng nhận lời, từ đóng phim đến đóng minh họa cho các chương trình ca nhạc. Tôi mê khán giả lắm” - bà nói.
Với nghệ sĩ Trần Hạnh, đi đóng phim là để thỏa nỗi nhớ nghề canh cánh trong lòng, hơn nữa là được gặp chiến hữu, bạn bè đồng nghiệp và được đi du lịch miễn phí. “Nói đùa mà thật, đi đóng phim, tôi ăn được nhiều hơn nên lại thấy mình khỏe ra. Chắc do lao động nhiều, bụng đói nên ăn thấy ngon miệng hơn. Bữa nào ở nhà, nghe buồn buồn lại nuốt cơm không vô” - ông cười. Nghệ sĩ Hồng Chương cũng bảo không làm việc mới mệt chứ được ra phim trường là ông thấy khỏe liền. Dù có thức quay đến tận sáng, ông cũng không ngại, ngược lại, rất hào hứng chờ đến cảnh mình quay. Vì mê nghề mà ông từng lặn lội cùng đoàn làm phim Bản tình ca người Mông lên tận Lào Cai trong cái lạnh thấu xương hay lăn lóc hàng tháng trời ở Hòa Bình, Phú Thọ trong thời tiết oi bức của núi rừng Tây Bắc khi quay phim Đàn trời. Nghề diễn là máu thịt rồi, làm sao bỏ được.
Nghệ sĩ Ngọc Thoa cho hay lúc nghe tin được mời đóng phim Hai phía chân trời, các con bà ra sức can ngăn vì sợ bà mệt nhưng bà không thể bỏ. “Phim gắn bó với mình gần cả đời người, thiếu nó làm sao chịu nổi. Dù tuổi cao nhưng tôi vẫn luôn hết mình với vai diễn” - bà bộc bạch. Nhiều đạo diễn kể lại rằng bà sẵn sàng dầm mưa cả ngày trong tiết trời giá lạnh hay tự mình lăn từ trên cầu thang xuống trong một cảnh quay mà không cần người đóng thế. Nếu không vì đam mê thì làm sao chấp nhận được gian khổ như vậy!
Còn cái vui với nghệ sĩ Hữu Thành là ông lúc nào cũng được các diễn viên trẻ gọi là bố, được “cưng” nhất đoàn, cái gì cũng ưu tiên, chăm sóc cho ông. NSƯT Lê Thiện, người được mệnh danh là “bà nội xì-tin”, “bé thần đồng”, “hot girl Nguyễn Thị Nội”, thì kể: “Lúc nào tôi cũng chọc ghẹo, làm đoàn làm phim cười nghiêng ngả. Họ vui mình cũng vui nên không có phim, tôi ở nhà buồn là phải”.
Nghiêm túc, hết mình
Tuổi già như gió như sương nhưng những nghệ sĩ cao niên luôn làm việc đầy nhiệt huyết, trách nhiệm. Các đạo diễn lẫn diễn viên trẻ luôn nể và học hỏi họ ở việc tuân thủ giờ giấc tuyệt đối, không bao giờ trễ. Có lần quay ở một tỉnh miền Tây đến 20 giờ nhưng nghệ sĩ Thiên Kim phải vội vàng bắt xe về trong đêm vì sáng mai có lịch quay ở Sài Gòn. “Không may sau đó cảnh quay của tôi bị hủy vì thời tiết nhưng tôi thấy an tâm vì dù sao cũng đến đúng lịch, đúng giờ. Nếu để mọi người chờ đợi, tôi thấy ngại lắm!” - bà nói. Bây giờ, trí nhớ giảm sút nên lão nghệ sĩ rất sợ mỗi khi quên lịch quay.
Theo lời kể của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, nghệ sĩ Trần Hạnh tuy diễn vai phụ trong phim Ma làng 2 nhưng sau mỗi cảnh quay, dù mệt song ông cũng mang kịch bản ra xem lại thoại, bàn bạc với đạo diễn, diễn viên khác. Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn lại khiến nhiều người nể phục vì thói quen ghi nhật ký ở phim trường. Ông bảo ghi chép vì sợ quên, sợ sai sót và cũng là để ghi nhớ kỷ niệm ở phim trường. NSƯT Phi Điểu quan niệm: “Mỗi vai diễn đều cần phải đầu tư nghiêm túc nên tôi đến sớm để nghiên cứu kịch bản một cách kỹ lưỡng và học thoại mặc dù tôi có khả năng ghi nhớ lời thoại rất nhanh”. Với bà, dù vai chính hay vai phụ, vai nhỏ hay vai lớn bà cũng nghiêm túc, hết mình.
Nghệ sĩ Hữu Thành khẳng định: “Bình thường tôi rất dễ dãi nhưng một khi đã ra phim trường là rất khắt khe, khó tính. Già rồi, cơ hội đóng phim không còn nhiều nên phải chắt chiu, nỗ lực hết mình khi còn có thể”. Không những vậy, nghệ sĩ già bao giờ cũng là “quân sư” cho các diễn viên trẻ. Họ luôn chỉ dạy, hướng dẫn cho diễn viên thế hệ con cháu trong quá trình diễn xuất.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-9
Kỳ tới: Tài sản sống quý giá
Không kêu ca, than vãn
Để gắn bó được với nghề cho đến ngày tóc bạc, da mồi như hôm nay, ngoài niềm đam mê, họ phải nỗ lực không mệt mỏi, chiến đấu và vượt qua áp lực tuổi tác, sức khỏe, cường độ làm việc, cảnh quay khó khăn... Mới đây, trên phim trường của phim Trở về 3, nghệ sĩ Thanh Nguyệt khiến cả đoàn phim xót xa khi phải vất vả đi lên xuống cầu thang nhiều lần. Bà kể: “Tôi bị bệnh giãn tĩnh mạch nên lúc quay cực lắm, phải đi lên đi xuống suốt, có hôm chân tôi bị sưng mang giày không được” - bà nói. Vậy mà bà chẳng bao giờ kêu ca, than vãn. Nghệ sĩ Thiên Kim còn nhớ có lần theo đoàn làm phim lên tận vùng núi hiểm trở, quay suốt từ sáng tới khuya. “Tôi quay cảnh một mình đứng trên đỉnh đồi giữa trưa nắng gắt. Quay đến 7 - 8 lần mà chưa đạt. Dù tim đập mạnh, thở không ra hơi nhưng tôi cũng ráng quay cho xong. Vừa đóng máy là tôi ngã quỵ, mấy anh em phải vào dìu tôi ra tìm chỗ ngơi nghỉ, uống thuốc” - bà nhớ lại.
Bình luận (0)