Nhắc đến những vai người mẹ, người bà hiền lành, lam lũ, khó có ai hóa thân xúc động hơn NSƯT Phi Điểu. Bà luôn cho khán giả cảm giác gần gũi, thân thuộc như chính mẹ, bà của mình. Từ ánh mắt, dáng đi, giọng nói ẩn đằng sau đó là cả tấm lòng nhân hậu, bao dung, vòng tay ấm áp, yêu thương. Cảm động nhất là vai diễn trong phim Hạnh phúc mong chờ.
Bậc thầy diễn xuất
Nhân vật người mẹ trong đó khi thì ngây ngô, khờ khạo như một đứa trẻ, khi tuyệt vọng ngóng con với đôi mắt mờ đục, khi hoảng loạn trong những ký ức đau buồn. Người mẹ ấy với những ám ảnh quá khứ, chiến tranh, cướp bóc, đạn pháo khiến người xem đau xót quặn lòng. Đạo diễn Lê Hướng Nam cho biết: “Vào vai một người mẹ nửa tỉnh nửa mê không đơn giản. Thế nhưng, nghệ sĩ Phi Điểu bước vào thế giới vai diễn không chút khó khăn mà còn chân thật đến nỗi cả đoàn làm phim đều rơi nước mắt. Quả là bậc thầy!”. Dù chỉ xuất hiện trong chốc lát nhưng nghệ sĩ Phi Điểu luôn tận dụng những khoảnh khắc quý báu đó để in đậm dấu ấn trong ký ức người xem.
Nghệ sĩ Ánh Hoa có hàng chục lần hóa thân xúc động trong những vai bà mẹ hy sinh, nhẫn nhục trong các phim Người đẹp Tây Đô, Xóm nước đen, Đồng tiền xương máu… vì lối diễn chân thật, tự nhiên. Hẳn khán giả còn nhớ hình ảnh má Út Trọng tất tả chạy tìm con trên bờ kênh xáng rồi đau đớn ngã quỵ trên cánh đồng khi nghe tin các con mình bị Tây bắn chết trong phim Đất phương Nam. Những vai diễn của bà chỉ cần một chiếc áo bà ba sờn vai cũ kỹ, gương mặt hiền lành, phúc hậu, những giọt nước mắt từ sự mất mát, đau thương, vậy mà cứa vào trái tim khán giả.
Những vai diễn của nghệ sĩ Trần Hạnh thành công là nhờ vẻ ngoài hiền lành, khắc khổ, nụ cười đôn hậu và tài năng diễn xuất vượt bậc của ông. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói rằng khi Trần Hạnh ra phim trường, tự khắc những nỗi đau, khắc khoải cứ hiện lên trên gương mặt. “Diễn những vai ông già hiền lành, tội nghiệp và đáng thương không ai lấy được nước mắt khán giả qua Trần Hạnh. Ông là một trong số ít nghệ sĩ có khả năng thiên bẩm khi hóa thân” - đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đánh giá.
Nghệ sĩ Mạnh Dung lại xứng đáng là “ông già Nam Bộ” với những vai ông già miền Tây mộc mạc, giản dị, gần gũi. NSƯT Lê Thiện và Thiên Kim lại có duyên trong những vai bà quái chiêu, dí dỏm, hài hước, nhẹ nhàng...Đạo diễn Đinh Thái Thụy nói rằng làm việc với những nghệ sĩ lão thành rất “sướng” vì họ có kinh nghiệm diễn xuất nên nhập vai rất nhanh, đôi khi chỉ đóng một lần là đạt, lại luôn sáng tạo trong cách diễn.
Đáng được trân trọng
Trong một bộ phim, sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến những vai lão như cha, mẹ; ông, bà nội ngoại... Những vai diễn dù chỉ là vai phụ, vai già nhưng là thành phần không thể thiếu trong câu chuyện phim. Đạo diễn Đinh Thái Thụy cho biết vai người già trong phim rất quan trọng, dù là vai phụ nhưng có khi họ diễn còn hay hơn vai chính, hỗ trợ rất nhiều cho vai chính. “Phim Dấu chân du mục mà không có nhân vật ông Mộc thì chẳng còn hay nữa. Vai ông Mộc nếu không có nghệ sĩ Hữu Thành thì khó ai có thể đóng đạt hơn. Vì vậy, những nghệ sĩ lão thành bao giờ cũng cần thiết trong các phim” - đạo diễn Đinh Thái Thụy nói.
Thực tế ở Việt Nam, kỹ thuật hóa trang không thể biến một một diễn viên trẻ tuổi thành ông, bà già một cách chân thật được. Ngay cả diễn xuất của họ, còn lâu lớp trẻ mới thay thế được. Nói như nghệ sĩ Hữu Thành: “Nếu đem các diễn viên trẻ đi gắn râu, tóc để họ đóng vai già thì hỏng hết. Phải là những người già có kinh nghiệm, có tay nghề mới hóa thân được”.
Diễn viên Lê Bê La chia sẻ: “Những nghệ sĩ lão thành một đời cống hiến nghệ thuật, đến những năm tháng cuối đời vẫn lăn lộn trên phim trường như bố Hữu Thành, má Thiên Kim thật đáng trân trọng. Nếu không có sự góp mặt cùng những nỗ lực của họ, phim không thể nào thành công”. Nghệ sĩ Hữu Thành cũng mong muốn có những vai diễn dài hơi chứ không phải xuất hiện vài ba cảnh rồi chết. Nghệ sĩ Trần Hạnh lại mong muốn có một vai diễn khác lạ chứ không phải khắc khổ, bất hạnh hoài. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn từng cho rằng việc để những nghệ sĩ già quanh năm suốt tháng chỉ đóng vai phụ là do lỗi của những người làm phim.
Cả một đời cống hiến cho nghệ thuật nhưng những nghệ sĩ như Hữu Thành, Trần Hạnh, Thiên Kim, Mai Ngọc Căn... không mưu cầu cho mình bất cứ danh hiệu nào. Điều tự hào nhất của họ lúc này là nhận được sự yêu mến của khán giả. “Cả đời làm nghệ thuật, tôi chưa bao giờ nghĩ tới danh hiệu. Tôi hạnh phúc khi làm một người nghệ sĩ của nhân dân. Đến bây giờ tôi vẫn còn sức khỏe, còn đi đóng phim, còn được khán giả ủng hộ là vui lắm rồi. Tôi chỉ mong trời thương cho mình sức khỏe tốt để tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật” - nghệ sĩ Hữu Thành bộc bạch.
Luôn được quan tâm, lo lắng
Hiện nay, số lượng nghệ sĩ cao tuổi có sức khỏe, niềm yêu nghề, chấp nhận gian khổ đi đóng phim không còn nhiều. Có rất nhiều đoàn làm phim tìm không ra người đóng những vai già. Bởi vậy, họ đang là những tài sản sống quý giá cần được trân trọng.
Đạo diễn Đinh Thái Thụy cho rằng: “Thật ra, khi mời nghệ sĩ lão thành đóng phim, chúng tôi cũng nơm nớp lo sợ vì họ tuổi cao sức yếu, trong quá trình quay phim gian khổ, những bất trắc xảy ra rất khó lường trước được. Vì vậy, những nghệ sĩ lão thành luôn được quan tâm, lo lắng, ưu tiên hết mức có thể”. Nghệ sĩ Hữu Thành kể: “Khi tôi đóng những cảnh vất vả, đạo diễn luôn nhắc diễn vừa sức thôi vì sợ có mệnh hệ gì thì không biết làm sao”. Ông bảo mình xương cốt không còn được dẻo dai nên dưỡng sức để còn hoạt động nghệ thuật lâu dài.
Bình luận (0)