20 tuổi đủ để một con người sinh ra và trưởng thành nhưng đối với một giải thưởng thì vẫn là còn non. Có bề dày 20 năm nhưng Giải Mai Vàng bước vào con đường chuyên nghiệp mới chỉ hơn 10 năm. Có lần, một đồng nghiệp ở Đài PT-TH Hà Nội khi vào dự lễ trao Giải Mai Vàng 2008 tại TP HCM hỏi tôi: Giải Mai Vàng đã tổ chức đến lần thứ 14 rồi thế mà ở Hà Nội chúng tôi mới biết đến 1-2 năm nay. Để giải thích tường tận cho bạn đồng nghiệp hiểu, tôi phải kể một câu chuyện dài...
Nở hoa trong lòng công chúng
Năm 1991, Ban Biên tập Báo Người Lao Động lúc đó muốn có những hoạt động sau mặt báo để quảng bá thương hiệu và cũng muốn thu hút được đội ngũ văn nghệ sĩ đến gần hơn với tờ báo. Giải thưởng Bình chọn văn nghệ sĩ được yêu thích nhất trong năm dành cho bạn đọc quyết định đã ra đời và được tổ chức 4 năm liên tiếp. Nhiều người còn nhớ lễ trao Giải thưởng Bình chọn văn nghệ sĩ được yêu thích nhất trong năm lần đầu tổ chức ngay tại sân sau trụ sở Báo Người Lao Động, lúc đó còn là ngôi nhà nhỏ chứa khoảng 500 khán giả chen chúc nhau. Đây là buổi lễ trao giải ấn tượng nhất đối với những người dự khán. NSƯT Thành Lộc (đoạt giải Nam diễn viên kịch nói được yêu thích năm ấy) mỗi khi nói về Giải Mai Vàng thường nhắc lại kỷ niệm thân thương, đáng nhớ này.
Đại diện Ban Biên tập Báo Người Lao Động nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng Giải Mai Vàng nhân kỷ niệm giải tròn 15 năm
Sau 4 năm tổ chức, muốn phát triển giải thưởng lâu dài, Ban Biên tập Báo Người Lao Động cùng Ban Văn hóa Nghệ thuật bàn nhau nên đặt cho giải thưởng này một cái tên. Và Giải Mai Vàng ra đời vào năm 1995.
Ban đầu, nghe tên “Giải Mai Vàng”, ai cũng bảo sến quá! Sau này, nhiều người quan tâm thường hay khen cái tên Giải Mai Vàng khi hiểu được ý nghĩa của nó. Mai Vàng ở đây được hiểu là hoa mai vàng, một loài hoa thanh cao nở vào mùa Xuân, phổ biến ở phương Nam. Những ngày đón năm mới, mỗi gia đình ở phương Nam đều muốn có một nhành mai nở vàng rực trong nhà. Hoa mai vàng như mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho mỗi người, mọi nhà trong dịp Xuân về. Nghệ sĩ được công chúng yêu thích được ví như hoa mai vàng vậy. Họ đã nở hoa trong những tác phẩm nghệ thuật, mang lại niềm vui cho công chúng. Cái tên Giải Mai Vàng ra đời có ý nghĩa đẹp đẽ như vậy đó!
Dấu ấn ân tình
Sinh ra đã khó, nuôi dưỡng sao cho Giải Mai Vàng lớn lên từng ngày càng khó vạn lần. Ngẫm lại mới thấy nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của mọi người thì Báo Người Lao Động khó có thể nuôi dưỡng được giải thưởng này cho đến hôm nay.
Giải Mai Vàng các năm từ 2002 trở về trước mang tính quần chúng. Mỗi năm, báo mời bạn đọc bình chọn trên báo in, cuối năm tổng kết chọn ra nghệ sĩ đoạt giải (có số phiếu bạn đọc cao nhất, thông qua hội đồng thẩm định nghệ thuật) công bố lên báo, sau đó hẹn nhau ngày đẹp trời (thường là ngày cận Tết Nguyên đán) đến Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên hay Công viên Văn hóa Đầm Sen để giao lưu, trao giải. Khán giả tham gia cũng rất đông, khoảng 5.000-7.000 người. Dù vậy, tiếng vang chưa đủ để đưa Giải Mai Vàng đi xa.
Năm 2003, Giải Mai Vàng lần đầu tiên lên sân khấu chuyên nghiệp. Ảnh: TƯ LIỆU BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Cần phải có một cuộc thay da đổi thịt. Đó là vào năm 2003, chuẩn bị cho kỷ niệm 10 năm (vào năm 2004), Giải Mai Vàng cần phải được nâng tầm và lễ trao giải phải được dàn dựng trên sân khấu chuyên nghiệp. Nhưng làm như thế nào đây khi kinh phí tổ chức gần như không có.
Và đã có những mạnh thường quân chung tay giúp ban tổ chức làm một cuộc cải cách để tạo đà cho Giải Mai Vàng có bước phát triển mới. Trung tâm Ca nhạc Lan Anh tài trợ sân khấu, âm thanh, ánh sáng; Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông giúp dàn dựng chương trình biểu diễn miễn phí; đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, nhạc sĩ Lê Quang, họa sĩ Lê Trường Tiếu - ê-kíp thực hiện chương trình - gần như không lấy thù lao hoặc chỉ nhận tượng trưng, kể cả ca sĩ tham gia biểu diễn. Lần đầu tiên Đài Truyền hình TP HCM trực tiếp truyền hình lễ trao Giải Mai Vàng phục vụ rộng rãi khán giả.
Chính thành công của Giải Mai Vàng 2003 đã tạo tiền đề cho Giải Mai Vàng phát triển lớn mạnh cả chất lượng và quy mô tổ chức trong những năm sau đó. Đây là bước ngoặt quan trọng của Mai Vàng ghi dấu ấn ân tình mà những người trong ban tổ chức lúc đó không bao giờ quên.
Nỗ lực để hấp dẫn hơn, quy mô hơn
Từ khi bước đi trên con đường chuyên nghiệp, Giải Mai Vàng tiếp tục ghi dấu ấn trong lòng công chúng với quy mô tổ chức ngày càng lớn hơn, các hoạt động của Giải Mai Vàng cũng đa dạng, phong phú hơn. Chương trình Tiền Mai Vàng đưa nghệ sĩ đi giao lưu, biểu diễn vòng quanh các KCX, KCN phục vụ hàng trăm ngàn khán giả công nhân; đến các ký túc xá, trường đại học phục vụ sinh viên.
Diễn viên - MC Bình Minh nhận cúp Mai Vàng năm 2009
Không chỉ giới hạn ở khu vực TP HCM, các chương trình Tiền Mai Vàng sau đó lưu diễn đến các thành phố lớn trong cả nước. Mỗi năm, lễ trao giải và chương trình nghệ thuật Mai Vàng chào Xuân diễn ra sau đó được tổ chức ngày càng quy mô, mang lại những bữa tiệc văn hóa nghệ thuật cho công chúng trong dịp cuối năm.
Giải Mai Vàng dù ngày càng trưởng thành song với nhà tổ chức, vẫn luôn còn đó áp lực lớn trong mỗi mùa giải. Làm sao để thu hút ngày càng nhiều hơn nữa công chúng thực chất tham gia bình chọn để những nghệ sĩ thật sự xứng đáng được tôn vinh; làm sao để giải phát triển vững mạnh và hấp dẫn hơn?... Những trăn trở này, nhà tổ chức luôn canh cánh bên lòng.
Giải Mai Vàng đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Bình luận (0)