Nghĩ đến Mai Vàng, tôi nhớ anh tôi
Nếu nói đời nghệ sĩ cần những bài học từ nhân vật thì với tôi, 2 vai diễn đoạt Giải Mai Vàng (năm 1995, vai bà Năm trong vở kịch Anh sui, chị sui; năm 1996, vai Tiểu Đồng, vở cải lương Thanh Xà - Bạch Xà) đã cho tôi nhiều kinh nghiệm trong diễn xuất. Đó cũng là 2 cái Tết tôi thấy mình rất hạnh phúc. Mặc dù có nhiều giải thưởng trong cuộc đời làm nghệ thuật nhưng 2 giải thưởng do khán giả, bạn đọc của báo trao tặng lại vô cùng ý nghĩa đối với tôi. Điều làm tôi luôn nhớ đến Giải Mai Vàng là trong lần nhận giải năm 1995, người anh thứ ba của tôi qua đời. Anh là người đã động viên tôi theo nghề, dìu dắt, nâng đỡ, bảo bọc tôi khi bước chân vào nghệ thuật. Vì vậy, mỗi lần nhớ đến anh là tôi nhớ Mai Vàng và ngược lại.
Kênh phản hồi tích cực của công chúng
Hai năm 1995-1996, tôi liên tiếp đoạt Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động. Kỷ niệm đó khó quên vì cả 2 vai này đều được diễn trên sân khấu lớn của Nhà hát Hòa Bình. Vở Đoạn trường đánh dấu sự kiện lần đầu tiên một danh hài đóng vai bi, mà lại là vai Bao Công. Vai thứ hai là ông Thiện trong vở Thanh Xà - Bạch Xà trên sân khấu quay Nhà hát Hòa Bình, như một sự kiện trọng đại đối với sân khấu cải lương lúc đó. Giải Mai Vàng dành cho tôi ở 2 vai diễn trong 2 vở dựng tại Nhà hát Hòa Bình là sự phản hồi hết sức tích cực của khán giả, bạn đọc Báo Người Lao Động, đòi hỏi nghệ thuật ngày càng phải thăng hoa. Hai năm đó giải thưởng của tôi gần như là niềm vui chung của anh em nghệ sĩ tham gia 2 tác phẩm này. 20 năm - một chặng đường dài của Giải Mai Vàng - đã đong đầy nhiều cung bậc cảm xúc với đội ngũ văn nghệ sĩ và công chúng quan tâm sự phát triển của nghệ thuật nước nhà. Từ sông ra biển lớn, xin chúc Mai Vàng tiếp tục nở hoa khoe sắc cùng thành tựu văn hóa nghệ thuật của dân tộc.
Nhờ Mai Vàng, Lá sầu riêng cháy vé
Với tôi, Giải Mai Vàng có nhiều ý nghĩa vì sân khấu vàng do tôi và NSƯT Minh Vương tổ chức đã nhận được giải thưởng này qua vở Lá sầu riêng. Tôi còn nhớ sau lần nhận giải, vở Lá sầu riêng bán hết vé, cho thấy sức tác động rất lớn của giải thưởng uy tín này. Còn với riêng tôi, vai diễn Diệu đã có thêm một kỷ niệm đẹp, đó là khi lưu diễn miền Tây, nhiều khán giả nông dân mang vào hậu trường biếu tôi những trái sầu riêng thơm lừng. Họ bảo sau khi xem kịch nói, thương chị Kim Cương, giờ qua cải lương thì thương thêm tôi. Vai cô Diệu được trao Giải Mai Vàng cũng đồng nghĩa với việc nhân rộng hơn nữa sự yêu thích của khán giả trẻ đối với vai diễn này. Chúc Giải Mai Vàng tiếp tục là chỗ dựa của nghệ sĩ trẻ, giúp họ có động lực sáng tạo hết lòng cho vai diễn của mình.
Mai Vàng làm giấy “khai sinh” cho “ông Năm”
Tôi vinh dự được nhận Giải Mai Vàng lần I năm 1995 với vai ông Năm trong vở Dạ cổ hoài lang, một tác phẩm ra đời tròn 20 tuổi, đồng tuổi với Giải Mai Vàng. Tự hào lắm chứ, nhất là những suất diễn sau đó, người đọc lời giới thiệu đều kèm thêm câu: Nghệ sĩ Việt Anh - Giải Mai Vàng 1995 - sẽ đóng vai ông Năm. Giải thưởng nói lên sự thương yêu của công chúng, bạn đọc Báo Người Lao Động dành cho nghệ sĩ, kích thích sáng tạo để họ càng thăng hoa hơn trong diễn xuất. 20 năm qua, chưa ai diễn thế vai ông Năm của tôi trong 1.500 suất diễn vở Dạ cổ hoài lang. Với tôi, vai diễn này đã được bạn đọc Báo Người Lao Động làm “giấy khai sinh”. Xin trân trọng và biết ơn tình cảm của công chúng.
TÀI TRỢ CHÍNH
TÀI TRỢ PHỤ
Bình luận (0)