Phóng viên: Nhìn lại quãng đường hơn 40 năm gắn bó với nghề, anh thấy có điều gì hối tiếc?
- NSƯT Xuân Hinh: 15 tuổi bước chân vào con đường nghệ thuật với niềm đam mê hát quan họ. Nhưng rồi sức hút kỳ diệu của nghệ thuật chèo đã lôi cuốn tôi rời khỏi Đoàn Quan họ Bắc Ninh đi thẳng vào chiếu chèo.
Tôi ước mơ làm kép đẹp trên sân khấu chèo nhưng NSND Diệu Hương cứ giao diễn những vai hề. Không có duyên làm kép chính nên phấn đấu làm hề chèo và thành công.
Những chân dung khác nhau của danh hài Xuân Hinh Ảnh: C.T.V
- Anh vẫn nói với mọi người con đường mình đi rất nhọc nhằn nên trong tiếng cười của Xuân Hinh có cả nước mắt?
- Đúng. Vì con đường nào mà chẳng chông gai. Nghề nào cũng có những cái khổ mà người trong cuộc mới biết rõ nó khổ như thế nào. Tôi vẫn thường bị phê bình là đưa hài kịch đời thường vào chiếu chèo nhiều quá, hiện đại hóa ngôn ngữ chèo... khiến khán giả khó tính không chấp nhận. Nhưng đó là cách để định khung lại trên chiếu chèo, khi nghệ thuật chèo cổ đòi hỏi phải duy trì và bảo tồn vì là vốn quý nhưng nghệ thuật chèo muốn sống được phải hướng đến công chúng thời nay.
Tôi cho rằng ở vai trò hề chèo, sự tĩnh, động cần điều tiết chính là chọn lọc thông tin, cập nhật những vấn đề thời sự biến nó thành chất liệu để đưa vào nghệ thuật. Có như thế mới được khán giả chấp nhận vì nó gần cuộc sống, chuyển tải hơi thở cuộc sống.
- Hình như anh rất ngẫu hứng và cường điệu hóa trong cách diễn của hề chèo?
- Đó là may mắn mà cũng là thử thách. Tôi vào nghề với những điều được học nhưng nghệ thuật chèo đang ở giai đoạn thoái trào. Có lắm phen tôi nản chí. Ở phía Bắc, chèo còn sống được nhưng cũng như cải lương, hễ chương trình đại nhạc hội có doanh thu thì chèo bị xem là “hương hoa cúng cụ” nên nhiều lúc thấy tủi lắm. Nhất là cái cảnh vừa diễn vừa bị nhà tổ chức thúc hối nhường sân khấu để đẩy các ngôi sao hài ra.
Tôi làm nghề với tâm trạng bức bối. Câu hỏi đặt ra cho tôi là làm sao để có thể khẳng định nghệ thuật chèo vẫn có vị trí của nó. Tôi đã nghiên cứu, sáng tạo, vận dụng rất nhiều bài học từ các thầy, từ cuộc sống để làm cho hề chèo có sức cuốn hút khán giả hơn. Các cụ rất sĩ diện nên nơi nào có ý “xem thường” nghề là các cụ không tới. Thà đói chứ không nài nỉ. Còn tôi, tôi đấu tranh để được diễn.
- Nghe nói giá cát sê của anh cao nhất hiện nay ở sân khấu phía Bắc?
- Làm gì có chuyện cát sê cao. Nếu đong đếm giá trị nghề bằng đồng tiền thì khó mà tạo được uy tín và làm nghệ thuật đúng nghĩa. Rất nhiều đại gia đề nghị tôi diễn hề theo cách của họ, nghĩa là dung tục hóa lên, càng quậy càng ăn tiền, tôi đã từ chối.
- Gần đây, anh tham gia nhiều vở hài kịch, cùng các danh hài phía Nam như: Hoài Linh, Hồng Vân, Bảo Quốc, Minh Nhí, Thúy Nga... diễn khá nhiều vở và thực hiện DVD. Anh định bỏ chiếu chèo sang hài kịch?
- Ồ không, con cá ngoan ngoãn của chèo như tôi chưa bao giờ dám bơi qua vùng nước khác. Chèo là gốc đã nuôi tôi lớn từ năm 15 tuổi cho đến bây giờ.
Tôi vui vì hiện nay Đoàn Chèo Hà Nội đã thành lập được một CLB nghệ thuật truyền thống dành cho các bạn trẻ quyết theo nghiệp chèo. Chúng tôi diễn vào các tối thứ ba, năm, bảy và chủ nhật ở số 15 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.
Tôi đã làm thầy, nối nghiệp cô Diệu Hương, thầy Mạnh Tuấn để “gõ đầu” những diễn viên trẻ mà tôi cho là cực kỳ triển vọng: Ngọc Phú, Thu Huyền, Văn Sáng...Mỗi tuần, tôi lên lớp 3 buổi, dạy họ vào những vai chèo cổ. Tôi hạnh phúc về điều này.
Càng nổi tiếng càng phải biết sợ
|
Bình luận (0)