Quỳnh Paris, Lý Quý Khánh, Phương My, Lý Giám Tiền, Lê Việt Quang... - những cái tên bắt đầu được vang lên ở nhiều tuần lễ thời trang nổi tiếng tại các kinh đô thời trang của thế giới. Không chỉ được mời tham gia các tuần lễ thời trang danh tiếng của thế giới, vài nhà thiết kế Việt còn trở thành thành viên Hiệp hội Thời trang London hay châu Á… Dù vẫn còn khiêm tốn nhưng thành tựu này đang đặt nền móng cho việc hiện thực hóa khát vọng đem thời trang Việt đi chinh phục thế giới của nhiều người làm nghề.
Chào “sân” thuận lợi
Quỳnh Paris và Lý Quý Khánh vừa tham dự Tuần lễ Thời trang New York Xuân Hè 2015; còn Lý Giám Tiền góp mặt tại New York Couture Fashion Week, một hoạt động song song với New York Fashion Week. Nhà thiết kế Phương My là thương hiệu nước ngoài duy nhất trình diễn tại Tuần lễ Thời trang Hàn Quốc 2015 (Korea Style Week) bên cạnh 12 màn trình diễn của các nhà thiết kế Hàn Quốc. Những họa tiết trong các thiết kế Xuân Hè 2015 của Phương My nhận được nhiều lời khen ngợi của người yêu thời trang Hàn Quốc.
Trong khi đó, nhà thiết kế Nguyễn Quang Việt với thương hiệu Vietinio, thành viên chính thức của Hiệp hội Thời trang London, cũng vừa giới thiệu bộ sưu tập mới tại Tuần lễ Thời trang London 2015. Với danh hiệu Tài năng mới do Hiệp hội Thời trang London trao tặng, thương hiệu Vietinio sẽ được tham gia các sô diễn định kỳ hằng năm không chỉ ở London mà còn nhiều tuần lễ thời trang khác trên thế giới.
Các tuần lễ thời trang London, Milan, Paris, New York là những sự kiện thời trang danh tiếng và uy tín. Những nơi này hội tụ các thiết kế được tuyển chọn bởi những tiêu chí: sáng tạo, trẻ trung, hiện đại và có tính ứng dụng cao. Những bộ sưu tập được trình diễn tại đây thường trở thành các mẫu “hot”, được người tiêu dùng săn lùng khi chúng phù hợp trào lưu thời trang của giới trẻ. Bằng chứng là những mẫu thiết kế trong bộ sưu tập mới của Vietinio vừa ra mắt tại Tuần lễ Thời trang London 2015 đã bị thương lái Trung Quốc sản xuất nhái mẫu bày bán tràn lan. Vietinio đang làm đơn gửi đến Hiệp hội Thời trang London yêu cầu can thiệp.
Những sáng tạo của các nhà thiết kế Việt không chỉ để ngắm nhìn qua phần biểu diễn của người mẫu mặc trên sàn catwalk mà còn có tính ứng dụng cao trong đời sống hằng ngày. Điều đó đã giúp cho mẫu thiết kế của họ nhận không ít lời khen ngợi từ đồng nghiệp.
Mẫu thiết kế của Lý Giám Tiền được ông Andres Aquino (Chủ tịch Tuần lễ Thời trang cao cấp New York) nhận xét trên báo New York Times: “Bộ sưu tập của cậu ấy khiến tôi rất ngạc nhiên. Đây là nhà thiết kế triển vọng. Cậu ấy mang đến cho New York Couture Fashion Week sự trẻ trung và những điều mới lạ”. Còn mẫu thiết kế của Quỳnh Paris được nữ diễn viên Blance Blanco chọn mặc khi trình diễn trên thảm đỏ lễ trao Giải Oscar lần thứ 87 vừa qua. Riêng thương hiệu Vietinio của Nguyễn Quang Việt có hẳn cửa hàng trưng bày ở London - Anh.
Trong khi đó, thời trang Phương My có mặt tại trung tâm thương mại cao cấp hàng đầu Singapore - Takashimaya. Phương My cũng là nhà thiết kế Việt Nam duy nhất tham gia F1 Grand Prix Singapore và Tuần lễ Thời trang châu Á The Mercedes Benz STYLO tại Malaysia. Vì thế, sản phẩm của Phương My đã được các cửa hàng ở nhiều nước trên thế giới như Nass Boutique ở Kuwait, My Beautiful Dressing ở Paris - Pháp; Soon Lee, GNOSSEM, Argent Asia shop ở Singapore… giới thiệu.
Còn nhiều thách thức
Những cái tên đang nỗ lực làm nên thương hiệu thời trang Việt như Quang Việt, Quỳnh Paris, Phương My, Lý Quý Khánh… đều là những người từng được đào tạo thiết kế tại nước ngoài. Hơn hết, họ là những người thực sự có điều kiện về mặt tài chính.
Nhiều nhà thiết kế Việt bắt đầu định danh ở thị trường thời trang thế giới là kết quả của một quá trình nỗ lực lâu dài ở họ. Nhà thiết kế Nguyễn Quang Việt bày tỏ: “Nếu không có đam mê, kiên trì thì không thể theo đuổi được. Sự cạnh tranh khốc liệt của vô số tên tuổi nhà thiết kế trẻ từ khắp nơi đổ về 4 tuần lễ thời trang lớn nhất thế giới là một rào cản mà không phải ai cũng đủ can đảm và kiên nhẫn để đối mặt, vượt qua”.
Một trong những thách thức mà các nhà thiết kế Việt phải đương đầu là việc tìm kiếm chất liệu, nhất là những chất liệu mang tính thời đại. Nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng các nhà thiết kế trẻ Việt Nam đã làm chủ công nghệ và ứng dụng tốt nhất công nghệ vào trang phục của họ.
“Chẳng hạn, nhà thiết kế Ngọc Hân đã mạnh dạn sử dụng chất liệu lông, mà chất liệu này ngay cả cắt cũng khó chứ chưa nói đến may. Hay Quang Nhật, anh có thể tạo hình những hoa văn theo phong cách 3D... Đó là giá trị làm nên phong cách của tổng thể thời trang Việt. Dù những điều đó có vẻ như kỹ thuật, chi tiết nhưng nếu không có thì sẽ không bao giờ hình thành khuynh hướng thời trang. Mà đã không có khuynh hướng thì không có tiếng nói thời đại. Nếu cứ để thời trang Việt Nam “không khuynh hướng” thì không bao giờ có được tiếng nói chung với thế giới” - nhà thiết kế Minh Hạnh nhận xét.
Bế tắc trên sân nhà
“Để thành công, chúng ta phải tự tạo cơ hội cho mình, nhất là khi nền công nghiệp thời trang luôn khắc nghiệt và đào thải rất lạnh lùng” - nhà thiết kế Quang Việt nhìn nhận. Vậy nên, tín hiệu đáng mừng vừa qua của thời trang Việt trên những sàn diễn thời trang lớn nhất của thế giới là kết quả bước đầu của sự nỗ lực rất lớn của các nhà thiết kế trẻ, muốn mang lại hình ảnh mới cho nền thời trang Việt Nam trong tương lai.
Tuy nhiên, trong khi những nhà thiết kế trẻ mang tham vọng đi chinh phục làng thời trang thế giới thì giới thiết kế thời trang tại Việt Nam lại bế tắc trên chính sân nhà. Lực lượng thiết kế thời trang ở Việt Nam đang phân chia thành 2 nhóm. Một nhóm nhắm vào thị trường bình dân, nhóm thứ hai hướng vào khách hàng nhiều tiền thích chơi trội. Nhóm sau thường là những nhà thiết kế tên tuổi. Suy cho cùng, dù ở nhóm nào, con đường họ đang chọn đều tìm kiếm lợi ích trước mắt, còn tương lai lâu dài cho thời trang Việt ở thị trường Việt Nam thì hầu như bế tắc.
Bình luận (0)