Những ngày này, NSƯT Thanh Nam bận bịu với vai diễn mới từ sáng đến tối mịt. Gọi điện thoại lúc nào cũng nghe ông đang chuẩn bị quay khi thì quận 2, khi Thủ Đức, lúc quận 7 (TP HCM), có khi ở Kiên Giang… Ông “Hai Lúa” bận rộn như “sao” của làng giải trí đến mức thời gian dành cho buổi trò chuyện là lúc ông “trốn một góc ở trường quay không cho người khác thấy”. Nếu không sẽ bị gọi chuẩn bị phục trang, ghi hình gần như liên tục cho vai chính ông đang đảm nhiệm trong bộ phim truyền hình Sao miệt vườn, sau đó sẽ tiếp tục là vai chính trong bộ phim điện ảnh đúng tên Hai Lúa.
Diễn như thật
“Đóng vai “Hai Lúa” riết quen mặt rồi, bây giờ cứ vai nông dân là người ta lại nhớ đến tôi. “Hai Lúa” cũng có nhiều kiểu lắm: Nông dân nghèo khắc khổ hay kiểu lên đời rồi… nổ, lên phố lơ ngơ bị lừa... Tôi cũng không nhớ nổi đã đóng bao nhiêu vai “Hai Lúa”, chỉ biết mỗi vai diễn đều có cái gì đó rất khác, rất riêng khiến mình cứ diễn mà không có vai nào bị trùng lặp. Cái máu nông dân có sẵn trong người từ nhỏ nên cứ thế mà diễn, nhiều lúc thấy nhân vật và người ngoài đời không khác nhau là mấy. Có diễn gì đâu, “lúa bản chất” mà” - NSƯT Thanh Nam nói vui.
“Đời nhiều lúc cũng lạ lắm, hồi trẻ tôi đâu có thấy mình hài, cũng đâu nghĩ đi đóng phim. Lúc đó, tôi chỉ thích làm kép hát. Tôi mê cải lương từ nhỏ. Mỗi khi có đoàn cải lương nào về tỉnh, mưa gió cách mấy tôi cũng đội mưa đi coi. Năm 13, 14 tuổi tôi đã mê hát vọng cổ, được hát ở mấy đám cưới đã là mừng. Cũng không ngờ sau này lại trở thành cái nghiệp của mình. Cái thời bom rơi đạn lạc, sống nay chết mai chẳng biết, không dám mong cầu gì, vậy mà cải lương cứ như máu thịt của mình…” - NSƯT Thanh Nam hồi tưởng.
Thời sân khấu cải lương còn thịnh, Thanh Nam nổi lên nhờ các vai diễn trong các vở Lưu Bình - Dương Lễ, Tô Ánh Nguyệt, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn… Những năm thập niên 1990, ông từng được khán giả bầu chọn là Đệ nhất danh hài miền Tây, tên tuổi chỉ đứng sau các danh hài Bảo Quốc, Duy Phương. Vậy rồi, không dừng lại trên sân khấu cải lương, ông “thẳng tiến” đến điện ảnh với vai diễn đầu tiên trong phim Chuyện tình bên dòng kênh Xáng (2002). Khán giả màn ảnh nhỏ dần quen mặt ông qua hàng loạt vai diễn trong các phim sau đó: Tiếng chuông trôi trên sông, Người đánh trống trường, Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa. Ông chết danh “Hai Lúa” từ đó. Về sau này, khán giả quen mặt ông với hình ảnh “Hai Lúa” trong nhiều bộ phim truyền hình. Một cuộc đời, hai con đường nghệ thuật: Sân khấu và điện ảnh, con đường nào ông cũng xây dựng được hình ảnh riêng, tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.
Không đóng vai ác
Chẳng khi nào thấy NSƯT Thanh Nam đóng vai ác. Không phải đạo diễn không giao vai mà vì “minh tinh Hai Lúa” không thích “làm chuyện ác”, dù chỉ là trên màn ảnh. “Ai mời đóng vai ác là tôi từ chối ngay, tôi ghét phải thể hiện cái gì xấu xa, độc ác. Không chịu được” - NSƯT Thanh Nam nói. Không chọc khán giả cười thì ông làm cho người ta khóc, nhất định không ác dù biết đó có khi cũng là cơ hội khẳng định vai diễn để đời.
Thanh Nam nói cái nghiệp đã gắn với ông cả đời, chưa bao giờ muốn từ bỏ vì bất cứ điều gì, cho dù đã mấy lần suýt chết. Ông kể có đêm đang hát trên sân khấu tại tỉnh Kiên Giang, khi ông bước ra mép sân khấu cúi xuống nhận hoa từ một khán giả nhỏ tuổi thì sân khấu bị sụp. Giọng ca tắt lịm. Khán giả nháo nhào. Đêm diễn bị ngừng lại, mọi người trong đoàn đổ xô nhau hối hả đưa ông đi bệnh viện. “Cũng có hôm đi đêm về tới Cà Mau cho kịp giờ diễn, tài xế phóng nhanh khiến xe bị sụp hố. Rồi mới đây, đi từ TP HCM về Kiên Giang lại bị tai nạn. Nghĩ lại thấy sợ, nói không phải mê tín chứ nhiều lúc nghĩ ông bà, tổ nghiệp còn thương, cho mình qua khỏi, bình an để còn tiếp tục làm nghề. Tôi giờ già rồi, đi đóng phim chèo ghe chèo xuồng quá sức cũng thấy mệt nhưng có niềm vui nên mấy cái mệt thể chất lặt vặt đó cũng qua hết” - NSƯT Thanh Nam tâm sự.
Nghề diễn viên cực như... trâu, bò! Ông cũng cho biết không ít lần phải ngậm ngùi vì bị “đám trẻ” đối xử thiếu tôn trọng trên trường quay song nghĩ lại thấy mình cũng chỉ là kẻ làm thuê thôi nên cũng cho qua. “Nói thật, nghe ai mà gọi đào, kép hát là “xướng ca vô loài” trước mặt tôi là tôi giận. Có ai như người diễn viên đâu, lòng dạ đau thắt chuyện gì đi nữa thì lên sân khấu vẫn phải cười, phải làm khán giả vui. Tôi nhớ nhất cái lần nghe tin mẹ đang hấp hối mà đêm đó tôi phải diễn hài. Biết là cái nghề của mình phải vậy. Nhưng đau đớn lắm chứ. Mình có được quyền nói tôi buồn tôi không diễn được đâu? Cái nghề diễn viên, ai nói hào nhoáng vinh hoa, tôi thấy cũng cực như trâu bò, rày đây mai đó. Có bữa cũng chẳng kịp ăn sáng vội ra trường quay học thoại, trưa nắng ngồi vạ vật đâu đó giữa đồng ăn cơm hộp đợi cảnh quay. Nhưng đam mê rồi, không bỏ được” - NSƯT Thanh Nam bộc bạch. |
Bình luận (0)