Sau những tranh chấp căng thẳng về quyền tác giả âm nhạc, Nghị định số 15/2016 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012, quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu) ra đời khiến giới nhạc sĩ kỳ vọng từ nay, bản quyền âm nhạc sẽ được thực thi nghiêm túc. Song, nghị định quy định chặt chẽ bao nhiêu thì thông tư hướng dẫn mập mờ bấy nhiêu. Giới nhạc sĩ cho rằng thông tư này sẽ tiếp tục tiếp tay cho tình trạng vi phạm quyền tác giả âm nhạc như thời gian qua.
Biến mới thành cũ
Thực tế suốt một thời gian dài, những quy định về quyền tác giả đã bị nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn vi phạm trắng trợn. Rất nhiều đơn vị vô tư sử dụng tác phẩm của các nhạc sĩ nhưng khi tổ chức sự kiện xong là “quỵt” tiền tác giả. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, tác giả của ca khúc nổi tiếng “Xa khơi”, cho biết từ trước đến nay, chưa một ai, một đơn vị nào sử dụng tác phẩm của ông mà xin phép trực tiếp cả.
Không cần xin phép tác giả, chỉ cần nhà tổ chức viết giấy cam kết thực hiện nghĩa vụ bản quyền nộp kèm theo hồ sơ xin phép là được cơ quan chức năng cấp phép biểu diễn. Mọi tranh chấp bản quyền tác giả nếu có sau đó sẽ do tòa án xử lý nếu bên bị xâm phạm khiếu kiện ra tòa. Quy định này đã tạo điều kiện cho nhà tổ chức né tránh thực hiện nghĩa vụ bản quyền tác giả vì chẳng nhạc sĩ nào chịu vất vả đi kiện ra tòa.
Theo Nghị định 15/2016 vừa được ban hành ngày 15-3, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) và Sở VH-TT-DL địa phương là nơi cấp phép cho các đơn vị tổ chức biểu diễn sau khi nộp đầy đủ hồ sơ gồm đơn đề nghị cấp phép, nội dung chương trình, kịch bản. Thủ tục đầy đủ để xem xét cấp phép đối với một chương trình biểu diễn phải có “một văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”. Điều này được hiểu để được cấp phép biểu diễn, đơn vị tổ chức biểu diễn phải có cam kết bằng văn bản với chủ sở hữu tác phẩm hoặc người được chủ sở hữu tác phẩm ủy thác.
Đây là điểm mấu chốt để giải quyết tình trạng sử dụng tác phẩm âm nhạc tổ chức biểu diễn nhưng sau đó không thực hiện nghĩa vụ chi trả tiền bản quyền. Với quy định này, các nhạc sĩ kỳ vọng quyền tác giả của mình sẽ được pháp luật bảo vệ triệt để; các đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm âm nhạc và cơ quan quản lý nhà nước sẽ tuân thủ nghiêm.
Tuy nhiên, sau khi Nghị định 15 ra đời vài ngày, Bộ VH-TT-DL đã có Thông tư số 01/2016 hướng dẫn thực hiện với những nội dung không đúng tinh thần của nghị định. Không những không cụ thể hóa các quy định của nghị định, thông tư lại đưa ra Mẫu số 14 với hướng dẫn: “Văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả”. Như thế, so với trước đây thì không có gì mới cả, quyền tác giả sẽ không được bảo vệ, nguy cơ bị xâm phạm còn nặng nề hơn.
Thông tư không đúng tinh thần nghị định
Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Mẫu số 14 được hướng dẫn trong thông tư này lại chỉ đơn thuần là “đơn cam kết” của đơn vị tổ chức biểu diễn với cơ quan quản lý cấp phép mà không có sự giao kèo, thỏa thuận với các tác giả - chủ sở hữu tác phẩm nghệ thuật. Điều này là không đúng tinh thần Nghị định 15/2016.
“Chúng tôi hy vọng việc ban hành và thực thi nghị định sẽ góp phần giảm thiểu, tiến đến xóa bỏ tình trạng quyền tác giả bị coi thường, bị các đơn vị, cá nhân vi phạm một cách trắng trợn. Vậy mà...” - nhạc sĩ Phó Đức Phương bức xúc.
Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Đỗ Khắc Chiến, một chuyên gia về sở hữu trí tuệ, cho rằng với quy định lập lờ trong Thông tư 01, các đơn vị tổ chức biểu diễn chỉ việc nộp bản cam kết này tới cơ quan cấp phép mà không cần biết là tác giả có đồng ý hay không. “Văn bản cam kết này là cam kết với ai? Với tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả? Cam kết thì phải có hai bên. Thông tư để hướng dẫn nghị định nhưng lại không hướng dẫn đúng tinh thần của nghị định” - ông Chiến nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, quy định của Bộ VH-TT-DL sẽ ảnh hưởng lớn tới việc thực thi sở hữu trí tuệ, là kẽ hở cho các cá nhân, tổ chức “lách luật” - chỉ cần có giấy cấp phép là mặc sức sử dụng tác phẩm.
Nhạc sĩ Doãn Nho đặt câu hỏi: Tại sao Cục Nghệ thuật Biểu diễn lại soạn thảo một thông tư với nhiều lỗ hổng như vậy? Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cũng bày tỏ quan điểm thông tư cần thể hiện sự tôn trọng các nhạc sĩ, đúng quy định chứ không thể chỉ là một văn bản sơ sài mà ở đó chỉ có lời hứa của đơn vị biểu diễn, không có sự hiện diện của tác giả.
Kiến nghị lên Chính phủ
Đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết đơn vị này sẽ có công văn kiến nghị liên quan đến Thông tư 01 gửi tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL; Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp.
Phóng viên đã liên lạc nhiều lần với lãnh đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn để tìm câu trả lời nhưng không nhận được hồi âm.
Bình luận (0)