xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một bước thành danh hài (?!)

Minh Khuê

Nhiều diễn viên trẻ xem game show hài như cơ hội để sớm nổi danh, được tỏa sáng nhưng con đường chuyên nghiệp không dễ dàng như họ tưởng

Sự bùng nổ của game show hài trên sóng truyền hình có thể nói là mảnh đất màu mỡ giúp những gương mặt tiềm năng ước mong được tỏa sáng trong lòng công chúng có cơ hội thể hiện bản thân. Trước đây, một diễn viên vào nghề mất trung bình 10, 20 năm miệt mài trên sân khấu may ra mới được khán giả biết đến thì nay khoảng cách thu ngắn, thậm chí chỉ vài tháng, sau một chương trình truyền hình hài ăn khách.

Một tháng bằng 10 năm

Nhiều người thành danh, có lượng “fan” riêng sau một chương trình game show hài mở thêm cơ hội khác như được mời đóng phim, làm giám khảo, cố vấn chương trình… Đó là trường hợp của Huỳnh Lập, Nam Thư, La Thành, nhóm X-Pro… Họ là những diễn viên trẻ, nỗ lực trong nghề cũng nhiều năm nhưng chưa có cơ hội bùng nổ, tỏa sáng. Huỳnh Lập từ thế giới YouTube với vai trò thành viên nhóm DAMtv bước ra sân khấu lớn, khẳng định mình qua khả năng diễn xuất, đạo diễn, viết kịch bản. Là quán quân “Cười xuyên Việt: phiên bản nghệ sĩ”, anh trở nên đắt sô, được mời làm diễn viên kiêm đạo diễn dàn dựng trong live show “Bình tĩnh sống” của Trấn Thành. Huỳnh Lập còn giữ vai trò thành viên ban bình luận “Cười xuyên Việt: Tiếu lâm hội” và giờ đang giữ vị trí quân sư ở mùa mới nhất chương trình này. Huỳnh Lập từng chia sẻ cảm xúc trong đêm chung kết “Cười xuyên Việt: Tiếu lâm hội” rằng: “Mọi thứ đến với tôi quá nhanh. Việc tôi có được như hôm nay là sự may mắn và tin yêu của chương trình. Không riêng về nghệ thuật, các nghề khác đều đòi hỏi mọi người phải có 3 yếu tố: năng lực, tâm huyết và cơ hội. Chương trình tạo ra cho chúng ta… có cơ hội thể hiện bản thân mình”.

Một tiết mục trình diễn của nhóm hài X-Pro trong chương trình “Cười xuyên Việt: Tiếu lâm hội” (Ảnh do chương trình cung cấp)
Một tiết mục trình diễn của nhóm hài X-Pro trong chương trình “Cười xuyên Việt: Tiếu lâm hội” (Ảnh do chương trình cung cấp)

Ngoài Huỳnh Lập, Nam Thư nhiều năm rèn giũa ở Sân khấu Kịch Nụ Cười Mới cũng tham gia đóng phim, diễn kịch dài nhưng không được khán giả nhớ mặt, biết tên. Sau “Cười xuyên Việt”, cô được phong tặng danh hiệu “Kiều nữ làng hài”, bận rộn với nhiều sô hơn trước. Nhóm X-Pro gồm 7 thành viên cũng được khán giả yêu thích cuồng nhiệt, các tiết mục thi của nhóm thu hút hàng triệu lượt xem trên YouTube. Hiện bên cạnh đóng phim, nhóm hài này diễn ở sân khấu kịch, hợp tác quán cà phê thành lập sân khấu kịch cà phê.

“Danh hiệu quán quân là bước đệm để chúng tôi có cơ hội được giới thiệu mình với khán giả và đàn anh, đàn chị trong nghề bởi diễn viên rất nhiều, mọi người đâu biết được ai có khả năng gì và biểu diễn thế nào để hợp tác. Họ cũng đâu có thời gian để đi xem từng người diễn ở các sân khấu. Hiện nay, các thành viên đều tham gia nhiều hoạt động như đóng phim, các chương trình truyền hình. Một số phim mời cả nhóm tham gia, có những chương trình cũng mời nguyên nhóm” - Hữu Tín, trưởng nhóm X-Pro, tâm sự.

Tìm vận may

Đó là trường hợp của Lê Trang, 23 tuổi, đến từ Bến Tre! Từng nhiều lần thử sức trong các game show hài, dù may mắn chưa đến nhưng cô gái trẻ này vẫn không dừng lại. Lê Trang thi “Thách thức danh hài” được giải 20 triệu đồng rồi lại thi “Cười xuyên Việt” 2015, dừng chân ở tốp 4. Cô thử sức với “Đấu trường tiếu lâm” và tham gia trợ diễn ở nhiều game show hài khác. Không học qua trường lớp, Lê Trang nói mình diễn bản năng nhưng có được khả năng cảm vai tốt. Qua mỗi chương trình, cô được các đàn anh, đàn chị chỉ dẫn kỹ thuật biểu diễn và cố học hỏi. “Tôi không ngại việc mình tham gia nhiều sẽ bị nhàm chán mà xem đấy là cơ hội. Tôi còn trẻ, nếu làm được điều gì cho đam mê thì sẽ cố gắng hết mình, còn cơ hội còn diễn. Game show hài vừa là sân chơi vừa là nơi để diễn viên trẻ như tôi kiếm sống” - Lê Trang tâm sự. Cô khẳng định không ỷ lại game show, xem đó như nơi mở lối, có thêm nhu nhập và vẫn tham gia diễn kịch để rèn nghề.

Minh Dự, sinh viên năm cuối Trường Đại học Văn Hiến, cho biết mê dạy văn từ lúc học THPT nhưng khi lên đại học, tham gia chương trình văn nghệ ở trường thì đột nhiên thích diễn hài. Khi biết chương trình “Đấu trường tiếu lâm” tuyển sinh, Minh Dự tham gia và được chọn rồi đi tiếp vòng trong cho đến khi dừng ở bán kết. “Sau game show, tôi được biết đến, nhiều lời mời xuất hiện. Thời gian gần đây, tôi tham gia Sân khấu kịch Family và phụ diễn chương trình “Làng hài mở hội”. Tôi có thu nhập từ nghề khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, đủ trang trải cho bản thân. Do còn đi học, tôi từ chối nhiều sô và mong sớm tốt nghiệp để có thời gian rèn nghề, tiếp tục nghiệp diễn” - Minh Dự tâm sự.

Với Tiến Dũng, thí sinh đang gây chú ý mùa mới nhất trên game show hài “Cười xuyên Việt”, cho biết mình tham gia game show không phải tìm cơ hội nổi tiếng mà để rèn nghề. Tiến Dũng đang học ở Sân khấu Kịch Hồng Vân và xem những tiểu phẩm mình dự thi như một cách “trả bài” cho thầy cô. Thêm vào đó, sân khấu đông khán giả sẽ giúp thí sinh này dạn dĩ hơn. “Tôi cần kinh nghiệm, rèn nghề cho mình chứ chưa quan tâm lắm việc khán giả biết đến mình nhiều hay ít. Trong lớp, tôi học đủ các dạng bi, hài… và mong ước diễn thuần thục các thể loại. Muốn như thế, tôi phải tích cực rèn nghề và tìm kiếm sân chơi để làm tốt việc này” - Tiến Dũng nói.

Sức hút của game show hài không nhỏ nên dù là tay ngang chưa nhiều kinh nghiệm hay diễn viên gần chục năm rèn giũa tại các sân khấu kịch cũng đều tham gia. Từ một vài chương trình gây ấn tượng tốt ban đầu, game show hài bùng phát và dẫn đến sự bát nháo.

Do tham gia nhiều game show, thí sinh cũng không còn nhiều thời gian đầu tư tiểu phẩm chỉn chu, có chiều sâu mà lạm dụng giả gái, dùng những cử chỉ hình thể thô thiển để chọc cười. Không ít tiểu phẩm được người trong giới đánh giá “xàm”, khán giả cười có thể chỉ vì không thể tưởng tượng được nó dở và nhảm đến thế.

Chạy theo thị trường

Hữu Tín, trưởng nhóm hài X-Pro (nhóm vừa đồng quán quân chương trình “Cười xuyên Việt: Tiếu lâm hội”), cho rằng khán giả truyền hình hiện nay thích hài hơn là các chương trình khác, vì vậy các nhà sản xuất đua nhau đầu tư game show hài để đáp ứng nhu cầu đó. Thế nhưng, nhiều chương trình hài cho thấy nhà sản xuất không có ý tưởng mới, thí sinh cũng quen mặt, tiểu phẩm không phải lúc nào cũng tốt nên có chương trình hay, chương trình lại không hay.

“Trước đây, một vài game show hài mới xuất hiện, đầu tư nghiêm túc, tạo sức hút với khán giả. Hiện nay, do các nhà sản xuất chạy theo thị trường, lo đua về số lượng mà không quan tâm chất lượng. Nhiều game show hài không chỉ giống nhau format (định dạng) mà còn trùng nhau gương mặt giám khảo, “bào mòn” hết cái duyên của họ dẫn đến nhàm chán” - nghệ sĩ Gia Bảo nhận xét.

Kỳ tới: Chỉ là ảo tưởng!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo