xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một cuộc gặp gỡ như trong tiểu thuyết!

Đinh Hoàng Xuân Hồng

Đó là cuộc gặp gỡ giữa một người phụ nữ tật nguyền VN với nghệ sĩ Yokoi Kumiko, sau 33 năm “biết nhau” qua tiếng hát...

Năm 1972, để thực hiện âm mưu mở rộng chiến tranh ở Việt Nam, tổng thống Mỹ lúc đó - R. Nixon đã có ý định chuyển những chiếc xe tăng M48 của quân đội Mỹ ở các căn cứ quân sự tại Nhật Bản đến Việt Nam. Để phản đối hành động này, hàng trăm người dân ở vùng Sagami Harashi, tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) đã ngồi trước những chiếc xe tăng M48 đóng ở một căn cứ quân sự tại tỉnh này trong hơn 100 ngày ngăn chặn Mỹ chuyển vũ khí, khí tài chiến tranh đến Việt Nam. Bài Hãy chặn chiến xa lại (Sen shawa Ugokenai) đã ra đời trong thời điểm đó. “Chiến xa không được đi/Không được băng qua thành phố này/Không hướng mũi súng nhằm vào trẻ em Việt Nam/Chiến tranh không thể được chấp nhận/Chiến xa không được đi/Chiến xa không thể đi/Làm lay động màn đêm/Làm hôi tanh màu máu/Không được chĩa súng vào Việt Nam.../Thanh niên hãy đứng lên cùng đấu tranh vì hòa bình”.

Bài hát làm rung động trái tim cô bé tật nguyền

Cuối năm 1973, bài hát này đã được phát lại nhiều lần trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Hà Nội. Trong một góc phòng nhỏ ở một ngôi nhà tại Hà Nội, cô bé gốc Huế với cái tên đẹp: Trần Thị Phương Liên, bị liệt cả hai chân, đã nghe được bài hát ấy qua chiếc loa truyền thanh trong ngôi nhà mình. Không hiểu đựợc tiếng Nhật, nhưng âm hưởng, giai điệu của bài hát đã làm rung động trái tim cô bé mới 14 tuổi. Và bài hát đã theo suốt cuộc đời chị cho đến tận bây giờ. Đó cũng là lý do khiến chị yêu thích tiếng Nhật.

img
Nghệ sĩ Yokoi Kumiko hát phục vụ các chiến sĩ ở trận địa pháo Quảng Bình năm 1973

Sau giải phóng, chị theo ba mẹ trở về quê hương. Năm 1977, chị thi đậu vào Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Huế. Khi ra trường, do bị khuyết tật, chị không xin được việc làm. Vừa bươn chải với nhiều công việc để kiếm sống, chị vừa phải tự mình nuôi con mọn, vừa học tiếng Nhật. Rất may, nhiều chuyên gia và sinh viên Nhật đến Huế làm việc và học tập, biết chị say mê tiếng Nhật đã đến nhà dạy chị học. Nhờ vậy, chị rất giỏi tiếng Nhật và bây giờ đã trở thành một giáo viên dạy tiếng Nhật nổi tiếng ở Huế, là Ủy viên BCH Hội hữu nghị Việt - Nhật tỉnh Thừa Thiên - Huế, đồng thời là chiếc cầu nối quan hệ Việt-Nhật. Khi còn học tiếng Nhật, một sinh viên tên Kikuchi Tadashi, là người Nhật Bản đầu tiên chị đã gặp, giúp chị dịch bài hát này sang tiếng Việt. Khi hiểu được nội dung bài hát, chị càng yêu quý hơn và mong muốn biết tin về người nghệ sĩ bí ẩn này. Từ đó, gặp bất cứ người Nhật quen biết nào, đặc biệt những người đã trực tiếp dạy tiếng Nhật cho chị như: Saito, thầy Shine, cô Hirata, Tsunoda... chị đều hỏi họ có biết bài hát này; có biết tên người nghệ sĩ này không? Vì chị không biết tên người nghệ sĩ, vả lại bài hát được thể hiện cách đây đã 33 năm rồi nên bây giờ rất ít người Nhật còn nhớ. Phương Liên nghĩ, có thể chẳng bao giờ được gặp người ca sĩ chị yêu mến ấy...

Tìm người tri kỷ

Dù tuyệt vọng, nhưng trái tim người tri kỷ vẫn thôi thúc Phương Liên tiếp tục tìm kiếm. Và may mắn, tháng 11-2005, Phương Liên tháp tùng một đoàn đại biểu thăm Nhật Bản. Các bạn Nhật đã đưa chị và đoàn Việt Nam đến thăm căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa. Chị lại tiếp tục hỏi thăm thông tin về ca sĩ Yokoi Kumiko. Một giáo sư của Trường Đại học Ibaraki, tên là Ltotesuji rất xúc động khi tình cờ biết được câu chuyện của Phương Liên, ông đã cố gắng tìm người ca sĩ đó. Khi biết được người ca sĩ ấy vẫn còn sống, ông tìm cách liên lạc giúp chị. Đó là bà Yokoi Kumiko. Là một ca sĩ yêu hòa bình, yêu Việt Nam, để phản đối cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 –1973, bà đã vượt hàng nghìn cây số từ Nhật Bản đến Hà Nội trong vòng 2 tuần để biểu diễn nhiều ca khúc phản đối cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, trong đó có bài Hãy chặn chiến xa lại tại rạp Hồng Hà, phục vụ bộ đội ta ngay tại trận địa pháo ở Quảng Bình. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Hà Nội đã ghi âm lại và nhiều lần phát sóng bài hát đó. Sau khi từ Việt Nam trở về Nhật Bản, nghệ sĩ Yokoi Kumiko đã biểu diễn bài hát này khắp đất nước của mình và một số nước khác. Tình cảm bà dành cho nhân dân Việt Nam trở thành thiêng liêng, sâu nặng. Sau chiến tranh, bà vẫn thường xuyên thăm và biểu diễn ở Việt Nam. Năm 1994, bà đã đến Việt Nam công diễn Opera tại Hà Nội. Và gần đây, Yokoi Kumiko đã đến diễn hòa nhạc cho các em bị nhiễm chất độc da cam ở làng Thanh Xuân - Hà Nội... Năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm ngày Việt Nam thống nhất, bà đã được Chính phủ Việt Nam mời đến TPHCM, với tư cách là một người bạn quốc tế đã ủng hộ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, tham dự lễ hội mừng chiến thắng. Bà đã đựợc nhận Huân chương Hữu nghị Quốc tế do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao tặng.

Khi tìm được địa chỉ e-mail của nghệ sĩ Yokoi Kumiko vào tháng 5-2006, chị Liên liền viết thư ngay cho bà và lập tức, chị nhận được thư của người bạn chưa một lần gặp mặt nhưng đã trở nên thân thiết từ mấy chục năm qua. Trong thư Yokoi Kumiko có đoạn: “Liên san (san: tiếng Nhật có nghĩa là bạn-TG) đã khiến tôi vô cùng cảm động. Tôi muốn một dịp nào đó được gặp Liên san. Tôi tin chắc nhất định sẽ có cơ hội. Và lúc đó nhất định tôi sẽ hát cho Liên san nghe lại bài hát đó... Hãy đợi nhé. Cho đến lúc đó xin Liên san hãy giữ gìn sức khỏe nhé...”.

Và cuộc gặp gỡ

Chỉ một năm sau, ngày 2-5-2007, nữ nghệ sĩ Yokoi Kumiko đã đến Huế thăm chị Phương Liên. Cả hai người cùng khóc như những người bạn tri kỷ lâu ngày mới gặp lại. Nghệ sĩ Yokoi Kumiko nói trong tiếng nấc: “Tôi không ngờ lần đầu được hát tại Việt Nam, trong một góc nhỏ của phố phường Hà Nội, có một cô bé đã ngưỡng mộ, yêu mến tôi và tình yêu ấy lại kéo dài suốt hơn 30 năm qua. Điều đó khiến tôi đã yêu quý Việt Nam nay lại càng yêu hơn”.

Hai người bạn đã cùng đến thăm trẻ em nạn nhân chất độc da cam ở làng Hòa Bình-Huế. Suốt đoạn đường đi, bà Yokoi Kumiko cứ khư khư ôm trên tay một chiếc túi màu đỏ. Đến nơi, bà mới lấy ra những bức hình được chụp tại Việt Nam và bà đã giữ gìn hơn 30 năm qua như một báu vật. Đó là hình chụp khi bà đang ôm đàn ghi-ta hát phục vụ chiến sĩ ở trận địa pháo Quảng Bình, hát phục vụ bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Những bức hình bà chụp chung với nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều chính khách khác của Việt Nam. Chỉ vào bức hình chụp tại trận địa pháo Quảng Bình năm 1973, bà xúc động khóc và nói: “Năm ấy tôi đã 29 tuổi. Tôi hát mà lòng đau như cắt, vì các chiến sĩ lúc ấy còn quá trẻ... Vậy mà họ đã phải cầm súng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc mình. Chỉ riêng điều ấy thôi, ngày ấy, tôi đã có một niềm tin mãnh liệt rằng các bạn Việt Nam sẽ chiến thắng...”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo