Viết như mộng du
Đến giờ, một chặng đường của Nguyễn Bình Phương được đánh dấu bởi năm tiểu thuyết: Người đi vắng, Thoạt kỳ thủy, Những đứa trẻ chết già, Trí nhớ suy tàn và Ngồi. Năm tác phẩm ghép lại, sẽ là năm mảng của xã hội Việt Nam đương đại, với năm đám đông. Trong những đám đông ấy, có vô số con người, với vô số nghề, vô số tính cách. Người có tên, người không tên. Người xuất hiện với những cái tên khá xách mé. Người đến một lần và ở lại, người xuất hiện từ đầu đến cuối sách nhưng tên cứ mất dần mất dần. Hết thảy, hỗn tạp nhưng nhân bản, đấy là một lối tả đám đông rất đặc biệt ở Nguyễn Bình Phương.
Đám đông ấy, được soi bởi một lối tư duy vô thức. Người đọc có cảm giác như đang dõi theo một người mộng du đi trên một sợi dây, và phấp phỏng chờ điểm rơi của người ấy cho đến cuối truyện để rồi nhận những kết thúc bất ngờ và đau đớn.
Có lần, một người bạn hỏi tôi rằng nếu phác thảo chân dung của Nguyễn Bình Phương qua những gì được anh thể hiện trên trang giấy, thì sẽ phác thảo như thế nào. Tôi nửa đùa nửa thật: “Thì anh cứ soi bóng anh xuống nước, sau đó anh ném một hòn đá vào chiếc bóng của anh. Những gì anh nhìn thấy được, đó là chân dung của Nguyễn Bình Phương”.
Không lặp lại mình
Ngoài đời, Nguyễn Bình Phương rất lành. Đi lên từ một người lính, không phải là người “kiên nhẫn để viết văn cho thành nhà văn” mà ngay từ đầu, anh đã sớm định hình một lối đi. Cách nhìn của Phương khá độc đáo và sáng tạo. Thời viết Thoạt kỳ thủy, trên một căn gác nhỏ chỉ hơn 6 m2, Phương tâm sự rằng anh đã “vắt từng chữ, cứ vắt như thể sự cạn kiệt đang đến gần”. Cuốn tiểu thuyết hoàn thành, nhỏ nhỏ, xinh xinh nhưng không hề... dễ đọc.
Một bức tranh vùng bán sơn địa hoang dã của Việt Nam sau chiến tranh được thể hiện dưới nhiều góc độ, nhiều mối quan hệ, có ước mơ đẹp và có sự hổ lốn. Những con người ở đấy, vẫn cũ như sau những lũy tre từ bao đời nhưng không hề cũ so với những trang viết của các bậc tiền nhân. Những câu chửi thề, những hành động bình thường, những câu thoại vẫn đầy trong cuộc sống... khi vào Thoạt kỳ thủy khiến người đọc giật mình. Người đàn bà nhìn thấy máy bay Mỹ rống lên: "Tổ sư thằng Mỹ ăn hĩm cho bà". Một cô gái đoan trang, tỉnh táo nhất trong đám đông điên loạn, cuối cùng lại là kẻ điên nhất và biến mất một cách khó hiểu. Một nhà văn kỳ dị, cũng có ước mơ đấy, cũng có tình yêu đấy nhưng rồi cuối cùng chính cái thực tế lùng nhùng đã làm biến dạng và giết chết anh ta. Chật vật mãi đến năm thứ 9, Thoạt kỳ thủy mới được xuất bản.
Điều nhận thấy trong các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương là không có dấu hiệu lặp lại mình dù rất nhất quán trong phong cách. Nếu như ở các tiểu thuyết khác là một cuộc sống đa chiều, vô ảnh, thì ở Trí nhớ suy tàn lại là một bài thơ lạ và đẹp về Hà Nội. Một cô gái ra trường, không làm việc đúng với những gì mình được học, luôn đối mặt với những cái bất bình thường trong cuộc sống và trong tình yêu. Nguyễn Bình Phương nhìn và đa nghi cái sự im lặng sau từng con phố cũ kỹ, sau cái tróc tàn của phồn hoa.
Ngồi sẽ kết thúc một lối viết?
Ngồi là cuốn tiểu thuyết ra đời gần đây nhất của anh và cũng đang gây xôn xao dư luận về đủ thứ: tình dục, công việc, thân phận... Nguyễn Bình Phương nói rằng anh sẽ kết thúc một lối viết sau tiểu thuyết này: "Tôi sẽ đặt bút chấm hết một lối tư duy vì thấy rằng cần phải kết thúc. Với năm cuốn được xuất bản, tôi hoàn toàn tự tin với lối viết của mình, và cũng chẳng phải vì chật vật trong việc xuất bản mà tôi nghĩ rằng nên dừng lại để tìm tòi một hướng viết khác. Tôi đã “ngồi” và sẽ đứng dậy đi tiếp một quãng đường khác".
Suy cho cùng, với Ngồi, các đám đông của Nguyễn Bình Phương vẫn chưa thực sự hoàn thiện, người đọc vẫn muốn chờ ở anh một vài đám đông như thế nữa.
Và Ngồi, Nguyễn Bình Phương đã thành công trong việc xây dựng một điển hình nhân vật thời hiện đại, cuộc sống có nhiều bế tắc, muốn thoát ra nhưng bế tắc. Nhân vật Khẩn đầu truyện xuất hiện với dáng ngồi rất Phật, nhưng kết thúc truyện lại là kẻ ngồi xổm ven đường, cạnh cột đèn đỏ và soi mình xuống một vũng nước bẩn. Ngồi, tưởng cho đỡ mệt mỏi, nhưng lại rơi vào trạng thái không đi được, cũng không đứng lên được. Sự cổ lỗ tinh thần khiến con người không theo kịp thời đại, ngồi lại cho người khác đứng và chạy.
"Cuộc sống của tôi và nhân vật không có liên quan nhiều. Còn những nhân vật của tôi, gọi là méo mó, thì đó là cái méo mó tự thân. Có người bảo tôi xây dựng nhân vật đặt trong trạng thái quá khứ mịt mờ, hiện tại lổn nhổn và tương lai vô định, nhưng tôi không nghĩ thế. Các nhân vật của tôi sống bản năng, nhưng tiềm tàng một niềm tin đứng dậy". (Nguyễn Bình Phương) |
Bình luận (0)