Năm nay, Giải Mai Vàng không có đề cử cho Bài hát của năm có thể sẽ khiến nhiều khán giả yêu nhạc cảm thấy bỡ ngỡ, có gì đó tiếc nuối bởi cùng với hạng mục ca sĩ, các bài hát có thể coi là đại diện cho bề nổi của đời sống âm nhạc đại chúng trong năm. Những bài hát trở thành “hit” (ăn khách) cũng cho chúng ta thấy được phần nào diện mạo và xu hướng âm nhạc thịnh hành của năm đó. Việc không có đủ bài hát mới xứng đáng để lọt vào các đề cử của một giải thưởng uy tín cũng lại cho thấy những thực tế cần nhìn nhận về thị trường âm nhạc trong năm.
Đời sống của bài “hit” ngày càng ngắn
Năm ngoái, “Bốn chữ lắm” càn quét khắp các “trận địa” âm nhạc, từ online tới sân khấu và nhất là các giải thưởng, có thể coi đó là bài “hit” đình đám nhất trong năm. Việc bài hát này chiến thắng ở nhiều cuộc đua giải thưởng không gây ra thắc mắc hay tranh cãi gì. Đã lâu rồi nhạc Việt mới có một bài hát thú vị như thế, trẻ trung hiện đại mà lại vẫn giàu chất “Việt” (như một đòi hỏi đương nhiên). Thường sau những cuộc lên ngôi như thế, người ta luôn có tâm lý chờ đợi những bài “hit” đỉnh cao hơn, ầm ĩ hơn, với hy vọng nhờ đó đời sống ca nhạc sẽ sôi động hơn.
Thực tế cho thấy năm nay, thị trường ca nhạc cũng không phải thiếu bài “hit”. Sự nổi lên bất ngờ của những ca sĩ kiêm nhạc sĩ như Tiên Tiên đã khiến khu vực khán giả trẻ, chủ yếu là học sinh - sinh viên, phát sốt với những bài hát nhí nhảnh về tình yêu tuổi mới lớn; cuộc trở về ồn ào của Tóc Tiên cũng kéo theo một số bài hát do cô trình bày trở thành “hit” hay các ngôi sao hàng đầu như Hồ Ngọc Hà, Thu Minh... đều có bài hát mới và ít nhất với các “fan” của những ca sĩ này, đó cũng là những bài “hit” hoặc gần cuối năm có những MV (video ca nhạc) mới được sản xuất như “Thật bất ngờ” với Trúc Nhân (người góp phần làm nên hiện tượng “Bốn chữ lắm”), “Mona Lisa” với Văn Mai Hương hay “Boom Boom” của Đông Nhi cũng tạo nên hiện tượng mạng. Nhưng thực sự, chưa có bài hát nào trong số những bài hát ấy trở thành hiện tượng kéo dài đủ để người ta phải nghĩ về chúng như những bài hát được yêu thích nhất trong năm.
Có thể hiểu đơn giản rằng đời sống của một bài “hit” ngày càng ngắn. Nhưng điều này không có tính quy luật mà phụ thuộc vào sức sáng tạo cá nhân. Chúng ta nói bài hát thời nay không có đời sống dài không có nghĩa là âm nhạc hiện thời quá kém cỏi. Chỉ là chưa tới lúc bài hát hay xuất hiện thôi. Giới sản xuất âm nhạc thế giới vẫn có một quan niệm nghe hơi... mê tín là các giai điệu hay sẽ xuất hiện theo một chu kỳ nào đó kiểu...vận hành cung hoàng đạo, tương đương với sự xuất hiện của những cá nhân xuất sắc, không phải lúc nào cũng sẵn có ra đó để thị trường âm nhạc tận hưởng. Nhạc pop thế giới đã mất nhiều năm quay cuồng một cách luẩn quẩn trong cơn sốt nhạc điện tử, nhạc R&B kiểu thành thị ăn nhờ tiết tấu là chính, cho tới khi đột nhiên Adele xuất hiện mang tới những giai điệu tuyệt đẹp cùng thứ âm nhạc giản dị mà có sức chinh phục mãnh liệt, thế là thắng!
Sự tương đồng với thế giới
Đối chiếu cách nhìn ấy về thị trường nhạc Việt, chúng ta sẽ thấy sự tương đồng. Ở giữa thời điểm gần như hầu hết ca sĩ trẻ, ca sĩ xuất thân từ các cuộc thi nói câu trước câu sau là tuyên bố sẽ chọn R&B để theo đuổi dù chưa hình dung ra đó là thứ âm nhạc gì, chỉ biết là thời thượng hoặc nhiều ca sĩ khác chọn quay về hát nhạc xưa cho an toàn, bỗng nhiên những bài hát có đủ các tính chất thời thượng đó nhưng lại đầy màu sắc Việt Nam xuất hiện và làm mưa làm gió như “Bốn chữ lắm”, “Bác làm vườn và con chim sâu”... khiến khán giả ngỡ ngàng trước sự trưởng thành của một lớp nhạc sĩ mới với một tinh thần âm nhạc mới mẻ. Không ăn sẵn vào những chất liệu quốc tế thịnh hành mà biết tìm ra những gì hay và thích hợp với khán giả Việt để đưa vào đó những màu sắc âm nhạc Việt Nam, đó chính là sự sáng tạo. Một loạt gương mặt trẻ nổi lên từ sân chơi dường như là duy nhất dành cho giới sáng tác trên truyền hình là “Bài hát Việt” đã tiếp thêm cho nhạc Việt một luồng sinh khí mới. Người ta tin rằng những cái tên như Phạm Toàn Thắng, Phạm Hải Âu, Lê Đức Hùng, Tiên Tiên, Vũ Cát Tường, Linh Lan, Lê Hà Nguyên... sẽ đủ sức làm nên “một điều gì đó” mà nhạc Việt đang chờ đợi.
Quy luật lành mạnh
Sức sáng tạo cũng cần thời gian để vun đắp và “tái sản xuất” nên việc một nhạc sĩ năm trước có nhiều bài “hit”, năm sau không có bài nào cũng là bình thường. Có thể họ đã ổn định và đi vào chuyên môn chiều sâu, cần thời gian cho những dự án âm nhạc dài hơi hơn là những bài hát bất ngờ có tính ăn may. Đó là điều tốt cho âm nhạc để tạo nên một thị trường bền vững. Trong khi đó, một lớp trẻ hơn, mới hơn đang dần hình thành, cho dù điều bất ngờ chưa xảy đến không có nghĩa là không thể đến.
Cho nên, nếu năm nay thiếu một cuộc “chấn động” như “Bốn chữ lắm” thì khán giả vẫn có thể yên tâm là các nhạc sĩ của chúng ta vẫn đang âm thầm làm việc để tạo ra “nhiều chữ lắm” hơn. Đó mới là quy luật lành mạnh của một đời sống âm nhạc.
Bình luận (0)