Ba năm nay Lê Vũ Cầu còn làm công tác đạo diễn. Sau vở Con ai!? Chuyện lạ và Con gái ngài giám đốc trên sân khấu kịch Phú Nhuận và Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM. Trong các kịch bản này anh đã dành đất diễn cho nhiều diễn viên trẻ, giúp họ thăng hoa trong sự nghiệp non trẻ của mình. Những cái tên như: Thanh Thúy, Như Cầm, Nhất Tuấn, Cao Minh Đạt, Thu Nga, Bạch Kim, Võ Kim Cương... đã ít nhiều tạo được sự chú ý qua kịch bản này. Điều thú vị là nội dung vở diễn rất phù hợp với giới trẻ hiện nay, đó là một bức thông điệp rất đẹp: Hãy sống bằng ý chí phấn đấu của mỗi bản thân, đừng dựa dẫm như thân chùm gởi rồi cuộc sống sẽ phản bội bạn.
NS Lê Vũ Cầu rất thích tứ kịch này vì đó là một phần tuổi thơ của anh, một cậu bé sống lang thang, vô gia cư từ thuở thiếu thời. Năm lên 8 tuổi anh đã một mình “quá giang” xe khách đi ra miền Trung, sống bằng nghề đánh giày, bị bọn đại bàng địa phương hành hạ, đánh đập, bóc lột hết tất cả những đồng tiền anh vất vả kiếm được. Quá cùng cực anh trốn thoát, xin theo đoàn cải lương Minh Cảnh để làm hậu đài. Từ đó trong làng sân khấu đã có một Lê Vũ Cầu đi từ những vai nhỏ đến vai lớn, khẳng định tên tuổi bằng chính ý chí của nghề.
Anh vẫn thường căn dặn các diễn viên trẻ: “Những gì các em làm được hôm nay chỉ là bước khởi đầu, dù có may mắn nhưng vẫn còn biết bao chông gai. Nghề diễn viên có những qui tắc khắc nghiệt mà nếu trong cuộc sống chúng ta thiếu sự chân thành thì sẽ gặp phải những điều tai ương”.
Đi từ kim chỉ nam này, Lê Vũ Cầu đã từng bước hoàn thiện nhân cách và đạo đức, để mỗi khi nhắc đến anh bạn bè đồng nghiệp ai cũng yêu mến và quý trọng. Tinh thần dìu dắt đàn em, tạo cơ hội để các em tiếp bước với thế hệ đi trước, đối với anh luôn là niềm hạnh phúc. Nhắc đến những tiết mục hài do anh dàn dựng, ý nghĩa của tiếng cười luôn mang lại cho người xem những bài học giá trị quý báu, nếu chỉ đáp ứng phần giải trí thì câu chuyện hài mới hoàn tất một phần giá trị của nó, điều cần thiết là sau tiếng cười phải là sự suy gẫm cho chính bản thân mình. Lê Vũ Cầu nhấn mạnh: “Tiếng cười của tôi bao giờ cũng phải theo chân khán giả về nhà, để mỗi tâm hồn được trải rộng trước bao bài học sâu sắc. Vai trò của sân khấu ngoài chức năng chuyển tải cái đẹp, xây dựng cái tốt còn là một tấm gương soi cho mỗi tâm hồn, để qua tiếng cười người xem tự nhìn lại chính bản thân mình trong cuộc sống”.
Vĩnh biệt anh, người nghệ sĩ đã vượt qua nhiều cam go, thử thách trong đời để sống hết lòng với nghề và công tác từ thiện.
Bình luận (0)