Điện ảnh Việt Nam những năm gần đây tự hào vì đã xây dựng được Trung tâm Kỹ thuật Điện ảnh VN với nhiều phương tiện kỹ thuật tiên tiến nhất do Nhà nước đầu tư. Thế nhưng nhiều nhà làm phim trong nước, kể cả phim quảng cáo vẫn phải đưa phim sang nước ngoài làm hậu kỳ, mà phổ biến nhất là Thái Lan. Đây quả là một nghịch lý.
Công suất 3 triệu m phim/năm nhưng chỉ làm được 500.000 m
Mỗi khi chào hàng hoặc trình chiếu ở nước ngoài, phim VN thường bị “chê” là chất lượng kỹ thuật quá kém. Điều này phụ thuộc vào chất lượng của giai đoạn hậu kỳ. Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước đã đầu tư xây dựng Trung tâm Kỹ thuật Điện ảnh VN, trang bị 3 dây chuyền công nghệ tiên tiến: gia công in tráng phim, xưởng video và xưởng thu thanh kỹ thuật số với các loại máy móc hiện đại nhập từ Anh, Pháp, Mỹ, như: máy định sáng màu (cả nước duy nhất chỉ có trung tâm mới có), máy tráng phim dương bản màu, máy in phim dương bản, máy télécine (máy chuyển từ phim nhựa sang video), kể cả máy làm phim phụ đề bằng tia laser- loại máy tiên tiến nhất trên thế giới. Trị giá mỗi máy hơn 200.000 USD, cá biệt như máy télécine và máy làm phim phụ đề bằng tia laser giá lên đến hơn 500.000 USD/chiếc. Ngoài ra, dây chuyền thu thanh kỹ thuật số dùng để thực hiện các giai đoạn lồng tiếng, dựng tiếng, hòa âm... đã có hơn 100 máy với tổng trị giá 1,5 triệu USD. Tháng 5, 6 sắp tới, trung tâm lại được Nhà nước trang bị thêm máy tráng phim âm bản giá 213.000 USD và bộ máy chiếu cùng những thiết bị kiểm tra chất lượng in tráng phim giá hơn 168.000 USD. Đầu tư lên đến con số hàng chục tỉ đồng như vậy nhưng được biết mỗi năm trung tâm chỉ in tráng khoảng 500.000 m phim, trong khi công suất tối đa của trung tâm là 2 -3 triệu m phim/năm.
Chất lượng in tráng chưa bảo đảm
Máy móc đầy đủ, hiện đại nhưng oái oăm thay nhiều nhà làm phim VN vẫn không đủ “can đảm” để làm hậu kỳ, nhất là công đoạn in tráng mà buộc lòng phải mang ra nước ngoài, mặc dù chi phí ở nước ngoài không rẻ chút nào. Những bộ phim được giới chuyên môn đánh giá cao, như: Hà Nội 12 ngày đêm, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông... hay những phim được đầu tư kinh phí lớn, như: Những cô gái chân dài, Người hàng binh... đều phải sang làm hậu kỳ ở Trung Quốc, Thái Lan, Úc... Nghịch lý này được đạo diễn trẻ Vũ Ngọc Đãng giải thích: Làm hậu kỳ nước ngoài an toàn hơn so với làm trong nước vì nếu in tráng hư sẽ được bồi thường thỏa đáng, trong khi đó ở VN nếu xảy ra sự cố thì chẳng ai chịu nhận trách nhiệm. Quay phim Trinh Hoan- người thực hiện nhiều mẫu quảng cáo tại VN nhưng làm hậu kỳ tại Thái Lan - cho biết: “Ở nước ngoài, nhà quay phim có thể can thiệp để chỉnh màu theo ý muốn, còn ở ta quay thế nào lên phim thế ấy, chỉ chỉnh được sáng-tối là hết. Vì thế khi lên phim màu sắc đơn điệu, không đáp ứng yêu cầu của khách hàng”. Phổ biến nhất khi gia công hậu kỳ tại VN là tình trạng phim hay bị bụi, xước mà theo một số đạo diễn ở phía Bắc là do trung tâm này in tráng bằng kỹ thuật in khô thay vì vận hành công nghệ in ướt- công nghệ hiện đại mà nhiều nước đang sử dụng, hạn chế tình trạng phim bị xước khi in tráng.
Đầu tư không đồng bộ
Giới làm phim cho biết, vấn đề quan trọng ở chỗ con người chứ không phải máy móc. Những nhân viên phụ trách hậu kỳ ở trung tâm này chỉ được chuyển giao công nghệ khi nhận máy chứ chưa được đào tạo chuyên nghiệp dài hạn, chưa làm chủ và khai thác hết những tính năng kỹ thuật quá hiện đại so với trình độ của họ.
Do vậy, dù trang thiết bị máy móc có hiện đại đến đâu nhưng nếu không được vận hành đồng bộ, đúng chuẩn kỹ thuật thì việc nâng cao chất lượng kỹ thuật vẫn còn là chuyện xa vời.
Thật lãng phí khi Nhà nước đầu tư hàng tỉ đồng xây dựng Trung tâm Kỹ thuật Điện ảnh nhưng những nhà làm phim trong nước vẫn phải bỏ tiền đưa phim ra nước ngoài làm hậu kỳ. Chúng ta chưa dám mong Trung tâm Kỹ thuật Điện ảnh VN trở thành nơi chuyên nghiệp nhận gia công in tráng thuê cho nước ngoài như Thái Lan hiện nay nhưng ít ra trung tâm cũng phải là nơi để các nhà làm phim VN tin tưởng giao các tác phẩm của họ.
Bình luận (0)