Ấn tượng đầu tiên là chất văn học được giữ nguyên từ đầu đến cuối vở diễn. Ngôn ngữ văn học trong tác phẩm của Hà Triều – Hoa Phượng không bị cắt xén tùy tiện như một vài chương trình trước đây mà được chắp cánh bằng nét diễn xuất tài hoa của dàn diễn viên thuộc hai thế hệ: HCV Thanh Tâm (NSƯT Hùng Minh) và HCV Trần Hữu Trang (NSƯT Thanh Thanh Tâm, Hoàng Nhất, Quế Trân). Ấn tượng thứ hai thuộc về bảng dựng của NSƯT Thanh Thanh Tâm. Bằng kinh nghiệm của một diễn viên, chị đã vẽ nên một bức tranh miền sơn cước thật đẹp. Ở đó có những lớp cắt cảnh, chuyển đổi tâm lý nhân vật được sắp xếp hợp lý. Dàn nhạc cụ dân tộc được sử dụng hiệu quả, phả vào câu chuyện tình của nàng K’Lai với thầy cai Khanh nét trữ tình làm xao xuyến người xem.
Trang trí của họa sĩ Lê Văn Định đẹp và sang trọng, hỗ trợ tốt cho phần diễn xuất của diễn viên. Kịch bản Mưa rừng của Hà Triều - Hoa Phượng đã được nhiều đạo diễn dàn dựng, cho nên việc tái dựng kịch bản cũ đã in vào tâm trí người xem rất dễ sa đà vào việc minh họa cái cũ. NSƯT Thanh Thanh Tâm đã tránh được lối mòn này. Chị đã góp phần trả lại cho sân khấu cải lương chất văn học đúng nguyên tác.
Bình luận (0)