Mùa xuân về, những người con thường tập hợp lại dưới mái nhà và chúc Tết mẹ. Đối với nhạc sĩ, việc mừng tuổi mẹ, vào năm mới, không phải là công việc vui vẻ mà ẩn chứa cả một nỗi buồn lo của người con. Nhạc sĩ tâm sự: “Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi” và việc đó đồng nghĩa: “...ngày tôi xa mẹ càng gần...”. Nghe những lời chân thành ấy như nhắc nhở chúng ta, thời gian cứ trôi đi không từ bỏ một ai kể cả người chúng ta yêu thương nhất. Dòng tâm sự tiếp nối, người nghe được sống lại nỗi khó khăn vất vả của mẹ. Mái tóc mẹ bạc đi là dấu ấn của những năm tháng vất vả, ngược xuôi để chăm lo cho đàn con được nên người. Bằng những ca từ da diết, bài hát lay động tâm thức mỗi người, buộc chúng ta phải chấp nhận một sự thật: “...Mẹ già như chuối chín cây. Gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi...”.
Câu hát như một lời khẳng định: Chúng ta không thể nào cưỡng lại được quy luật của thời gian. Đồng thời, là một lời nhắc nhở một ngày nào đó mẹ cũng sẽ ra đi vĩnh viễn và “Mồ côi tội lắm ai ơi. Đói cơm khát nước biết người nào lo”. Lời hát như một sự van xin, níu kéo mẹ hãy ở lại với con lâu hơn, nhiều hơn, lột tả được hết tâm sự của một người con lo lắng nhìn mẹ dần xa, dần xa. Tình cảm người con bộc lộ với những chuyển biến tâm lý làm cho chúng ta cảm nhận được tình cảm thiêng liêng, sâu thẳm đối với mẹ. Dù biết rằng mẹ sẽ già hơn sau mỗi mùa xuân nhưng con vẫn mừng tuổi mẹ, vẫn chúc mẹ có được sức khỏe dồi dào. Và con vẫn cứ cố tin rằng mẹ còn khỏe, mẹ sẽ ở bên con mãi mãi và vĩnh viễn trong tình yêu thương dạt dào của con.
Bài hát kết thúc nhưng những giai điệu da diết sâu lắng vẫn vang vọng, để rồi chúng ta như lắng đọng, chìm đắm trong suy nghĩ về mẹ, về những gì mẹ đã hy sinh cho chúng ta. Bỗng nhiên ta nhớ về những sợi tóc trắng vô tình trên mái tóc mẹ và giật mình khi thấy mình còn quá nhiều thiếu sót đối với mẹ. Để rồi khi nhìn lại, mẹ đã già...
Bình luận (0)