Tôi biết ca sĩ Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Bằng Kiều, Nguyên Thảo, những người thân thiết trong “gia đình âm nhạc” của tôi. Mỗi người một vẻ nhưng Mỹ Linh là đặc biệt nhất.
Tôi nghe Linh hát lần đầu tiên tại Liên hoan nhạc nhẹ toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Đà Nẵng năm 1993. Một cô bé tóc ngắn, mắt bồ câu và giọng hát thật trong sáng. Linh hát bài Thì thầm mùa xuân của Ngọc Châu.
Bảy năm trước, tôi đã tìm ra được giọng hát Hồng Nhung, năm ấy Nhung 16 tuổi, giờ lại một “Hồng Nhung” mới, tuổi 18. Với một người viết nhạc, nhất là viết bài hát, thật sự là một điều may mắn. Là giám khảo cuộc thi, tôi đề nghị tặng Linh giải thưởng đặc biệt cho giọng ca trẻ và đã được hội đồng chấp thuận. Đây là giải thưởng tầm quốc gia đầu tiên, một bệ phóng cho sự nghiệp ca hát của Linh sau này.
Năm 1994, tôi ra Hà Nội làm chương trình. Linh phóng xe đạp trên đường Hàng Khay, nhìn thấy tôi thì dừng phắt lại “chào chú”, dễ thương vô cùng. Chính hình ảnh này trở thành chất liệu để tôi viết bài Tóc ngắn trên giai điệu của Anh Quân sau này.
Cô bé “tóc ngắn” trưởng thành rất nhanh trong sự nghiệp ca hát. Chỉ một năm thôi, Linh đã khiến tôi không một chút phân vân khi chọn cô thay thế Hồng Nhung (Nhung bị đau răng không thể hát được) trong chương trình lớn tầm quốc gia - chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam. Tham gia chương trình là những nghệ sĩ, nhạc sĩ tên tuổi hàng đầu. Linh đã đứng được vào chỗ đó, đàng hoàng chứ không phải chỉ tư cách người đóng thế. Và trong hoạt động âm nhạc sôi nổi thời ấy, Mỹ Linh bắt đầu trở thành một tên tuổi dù rằng còn rất trẻ nếu so với đàn chị Thanh Lam, Hồng Nhung. Với Chị tôi, Hà Nội đêm trở gió của Trọng Đài, đặc biệt bài Trên đỉnh Phù Vân của Phó Đức Phương, Mỹ Linh đã là một thương hiệu trong làng ca nhạc Việt Nam.
Nhưng bước chuyển lớn nhất trong sự nghiệp của Mỹ Linh bắt đầu bằng việc cô trở thành thành viên của ban nhạc Anh Em, mà người thân yêu nhất của cô - nhạc sĩ Anh Quân - làm trưởng ban. Mỹ Linh hát với tất cả sự trẻ trung, tinh tế, gác lại một bên phong cách dân gian đương đại đã tạo nên tên tuổi của mình, để định hình phong cách âm nhạc R&B, một quyết định táo bạo hiếm có trong giới nhạc pop Việt Nam vốn thường hát “đủ thứ”. Ở phong cách này, cô đã cho ra đời những album mang tính cách tân: Tóc ngắn (1&2), Made in Việt Nam, Để tình yêu hát... Sự kết hợp của Mỹ Linh với Anh Quân, Huy Tuấn và Dương Thụ đã góp nên một Mỹ Linh văn minh hơn, hiện đại hơn, trở thành ca sĩ được nhiều người trong giới trẻ có học thức yêu thích. Và sự trưởng thành của giọng hát này được đánh dấu bằng album mà nhóm này làm cho cô: Chat với Mozart, album khẳng định đẳng cấp thật sự của một nghệ sĩ. Người ta dùng chữ diva quá dễ dàng nhưng Mỹ Linh là một diva đúng nghĩa nhất.
Nhưng Mỹ Linh không chỉ là một diva mà còn là một người mẹ mẫu mực, một người phụ nữ tuyệt vời trong gia đình. Cho con đi học trường quốc tế, Linh tự học tiếng Pháp và tiếng Anh đủ để hướng dẫn chúng thêm ở nhà và giao tiếp với thầy cô giáo ở trường. Và ngoài việc hát để phụng sự nghệ thuật, cô phải hát để kiếm sống, hát cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài; còn trong nước thì Hà Nội, TP HCM và các tỉnh; rồi còn chụp ảnh quảng cáo, làm giám khảo game show, mở công ty, lo trang trại của gia đình: nuôi lợn, gà, trồng rau sạch... Con tàu gia đình của Linh là một con tàu lớn, người lái tàu là Anh Quân nhưng con tàu sẽ không thể ra biển lớn nếu không có người tiếp nhiên liệu là Mỹ Linh.
Người mẹ, người phụ nữ ấy vẫn hát hay, vẫn không phụ lòng những người hâm mộ mình; với riêng tôi, điều ấy thật đáng ngưỡng mộ.
Mà Linh không chỉ có vậy. Cô không có tính ganh tỵ, luôn thừa nhận những giọng hát khác, những người trẻ hơn mình, vào nghề sau mình và không nổi tiếng như mình. Cô khen Nguyên Thảo khi tôi giúp Nguyên Thảo làm album đầu tiên; khi Nguyên Thảo nổi tiếng cô vẫn “Nguyên Thảo hát hay đấy chú ạ!” và luôn mong muốn được làm cái gì đó để Nguyên Thảo có thể được biết đến nhiều hơn. Ở một xã hội như ở ta, ngày trước thì “ném đá giấu tay”, nay thì “ném đá” công khai, nhất là trong giới văn nghệ, người như Linh thật quý hiếm.
Tất nhiên, là người ai cũng có khuyết điểm, chẳng ai có thể hoàn hảo, Linh cũng vậy. Người ta vẫn phàn nàn chuyện Linh hay hát sai lời (có khi ngay cả những bài của tôi trong chương trình của tôi) nhưng một người “vác” một gánh nặng gia đình như thế, phải làm nhiều việc khác nhau như thế, phải lo đủ thứ như thế, sai lời ở mức độ như vậy vẫn còn là may. Có người còn phàn nàn chuyện Linh nói trên sân khấu và khi cô làm giám khảo “Linh nhiều khi vụng lắm anh ạ”. Tôi chưa lần nào thấy Linh vụng cả, chỉ thấy cô chân thật, thẳng thắn và không biết nói khéo để nịnh tai người; người như thế, ở một số trường hợp, “vụng” là cầm chắc... Và có thể còn nhiều khuyết điểm nữa mà tôi không biết song chính thế làm cho chân dung Mỹ Linh chân thật hơn, đáng tin hơn.
Bình luận (0)