*Phóng viên: Hiện có rất nhiều chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng Việt, đặc biệt là tài năng nhí nhưng sau khi tìm thấy tài năng, giới thiệu với công chúng thì đa phần các em này lại trở về cuộc sống thường nhật, không được đầu tư bài bản thêm. Đây có phải là sự lãng phí tài năng không?
Ca sĩ Mỹ Linh: - Trước hết, ta nên nhìn một cách khách quan rằng mục đích của các chương trình truyền hình thực tế hiện nay là để giải trí và phục vụ thị hiếu của số đông khán giả, chứ các nhà sản xuất không hướng tới mục tiêu hay có trách nhiệm phải tư vấn, định hướng, đào tạo dài hạn cho các thí sinh bước ra từ cuộc thi. Vậy nên, rõ ràng là sẽ có sự lãng phí tài năng ở đây nhưng lời giải cho bài toán này thì lại nằm ở thiện chí của lớp nghệ sĩ đi trước - những đàn anh, đàn chị có khả năng phát hiện và bồi dưỡng tài năng nhí một cách bài bản, chứ không thể trông chờ vào các đơn vị tổ chức chương trình được.
Hơn nữa, phải thấy rằng không phải tất cả những bạn được giải hay vào tốp trong các chương trình truyền hình thực tế đều là những "tài năng" về nghệ thuật. Một cuộc thi chỉ kéo dài trong vài tháng và nhiều khi sự hơn thua lại đến từ lượng tin nhắn bình chọn của khán giả thì chưa thể đảm bảo được các bạn thí sinh bước ra từ đó có thực sự đam mê và định hướng theo đuổi nghệ thuật một cách nghiêm túc hay không.
Vì thế, trước khi nghĩ tới chuyện định hướng hay tư vấn thì nên chăng, các đội ngũ phát triển tài năng cần có thêm một cuộc sàng lọc để tìm kiếm và đầu tư đúng trọng tâm cho những em thực sự có tài và có tâm với nghệ thuật
*Một số gia đình sau khi đưa con đi thi tài năng, được biết đến thì tự ý hoặc có thể bị bầu sô lợi dụng nên cho các em tham gia biểu diễn mà không trau dồi hay đào tạo tài năng này phát triển. Chị nghĩ sao về điều này?
- Tung các con vào showbiz sớm chỉ sau một chương trình truyền hình thực tế thì cũng giống như bán trái cây chín ép ra thị trường vậy, chất lượng như thế nào thì ai cũng hiểu. Thực trạng này khiến tôi lo nhiều hơn là buồn, bởi một bộ phận "nghệ sĩ" không được đào tạo đến nơi đến chốn sẽ tác động tiêu cực tới thẩm mỹ chung của rất nhiều khán giả, nhất là lớp khán giả trẻ. Cứ "sản xuất tài năng" theo kiểu bóc ngắn cắn dài như vậy thì đến khi nào showbiz của chúng ta mới tiến lên được?
*Theo chị, làm thế nào để những tài năng này tiếp tục được phát triển đúng hướng, không mai một theo thời gian?
- Chỉ có một con đường duy nhất, đó là định hướng cho các con kiên trì học tập, trau dồi năng khiếu trong dài hạn. 10 ngàn giờ luyện tập mới có thể tạo nên một tài năng, chứ không có ai trở thành thiên tài chỉ sau một đêm được.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ đã đến lúc lớp nghệ sĩ đi trước cần suy nghĩ nghiêm túc về việc cống hiến cho xã hội thông qua việc tìm kiếm và bồi dưỡng các tài năng trẻ, truyền cho các con đam mê, thẩm mỹ nghệ thuật và giúp các con có một định hướng hoạt động đường dài đúng đắn. Hãy kịp thời truyền cho các con niềm tin rằng, thành bại trong một chương trình truyền hình thực tế không thể quyết định thành bại cho toàn bộ sự nghiệp nghệ thuật lâu dài được.
Đó cũng chính là lý do tôi cùng với các cộng sự thân thiết trong ban nhạc Anh Em quyết định đầu tư toàn bộ tài lực của mình vào việc xây dựng và phát triển Học viện Âm nhạc Young Hit Young Beat - trường đào tạo nghệ thuật cho thiếu nhi, nhằm mang tới cho các con môi trường chất lượng để phát triển tài năng một cách bài bản cùng các nghệ sĩ uy tín trong ngành.
*Theo chị, các chương trình tìm kiếm tài năng có nên thêm các khóa đào tạo chuyên sâu, các học bổng sau cuộc thi để hỗ trợ phát triển tài năng nhí?
- Nếu xét trên khía cạnh đóng góp cho xã hội, cho nghệ thuật thì ở đây ta sẽ không đặt vấn đề "nên" hay "không nên", mà việc thêm các khóa đào tạo chuyên sâu, các học bổng sau cuộc thi là cực kì cần thiết. Nên nhớ, một cuộc thi chỉ là cánh cửa đưa các tài năng nhí bước vào môi trường showbiz thôi; còn việc quan trọng hơn là định hướng con đường họ đi sau này thì hiện nay đang hoàn toàn bị bỏ ngõ.
Bình luận (0)