Trước giờ biểu diễn cả tiếng đồng hồ đã thấy các bậc phụ huynh tấp nập đưa con đến, nhanh chóng gửi xe để vào nhà hát "xí" chỗ, “cho mấy đứa nhỏ nó yên tâm ấy mà!” - chị Hồng Lan (quận Bình Thạnh) nhún vai (mặc dù ghế ai người đó ngồi vì đã ghi trên vé).
Câu chuyện lần này là cổ tích cải biên về cậu bé Na Tra thông minh, hiếu động, thích giúp đỡ người khác. Nhưng Na Tra cũng ham chơi quên xin phép mẹ, rồi lại ấm ức khi bị người lớn nghĩ oan. Cũng có lúc Na Tra thấy cha không thương mình bằng các anh...
Tất cả những biến đổi trong tâm lý của một cậu bé thần tiên bên Tàu được thể hiện gần gũi, sống động khiến cả ngàn cậu bé, cô bé khác đang ngồi dưới khán phòng thấy "sao mà giống mình quá trời!”. Bé Bảo Huy (nhà ở quận 1) bảo lúc trước thích Hồng Hài Nhi, nhưng bây giờ thích Na Tra hơn vì cái mặt... “tồ tồ” giống mình, lại hiền nữa. Quả thật, Na Tra trên sân khấu Idecaf hiền hơn trong nguyên tác vì đã không giết chết Ngao Bính rút gân rồng mà chỉ đấu với nhau một trận rồi... huề.
Đây cũng là dịp để Thành Lộc "hoàn lương" sau lần suýt bị một khán giả nhí... đánh vì vai mụ phù thủy xấu xa trong Bạch Tuyết lạc bảy chú lùn! Hồng Ánh trong vai thừa tướng Rùa có đôi mắt buồn đến nỗi... xệ cả mi. Đại Nghĩa là tâm điểm gây cười trong nhiều cảnh diễn vì vai Cá Mặt Ngu của anh... ngu chưa từng thấy. Tiểu Long Nữ (Thanh Thủy) thì đội trên đầu một con cá có chớp đèn, nhớ Na Tra đến nỗi luôn mang theo bên mình... quả na và con cá tra!
Sau sự cố "đu bay" trong vở Cậu bé rừng xanh, đạo diễn Vũ Minh vẫn quyết tâm... đu, lần này không chỉ là đu dây trong rừng mà là "thăng" luôn lên trời như cảnh đánh nhau giữa Na Tra và rồng Ngao Bính, cảnh Thái Ất tiên ông bỗng dưng xuất hiện "lồng lộng" từ... nóc nhà. Những pha hành động nguy hiểm do các cascadeur đảm nhận, Thành Lộc và Hữu Châu chỉ "ẩu đả" dưới đất nhưng cả hai đều mệt đến thở không nổi vì diễn cho trẻ con xem phải "hăng" gấp mấy lần diễn cho người lớn, nếu không chúng sẽ chán ngay.
Kết thúc vở diễn, hàng trăm em nhỏ chạy ùa lên sân khấu để được chạm vào các nhân vật cổ tích cho thấy sức tác động to lớn của sân khấu thiếu nhi trong đời sống tinh thần các em. Một thành phố lớn mà chỉ có một mình Idecaf đủ sức "chơi" hoành tráng với thiếu nhi, mỗi năm cho ra 2-3 vở với những suất diễn cố định gây sốt vé.
Giá như "cuộc chơi" nghệ thuật lẫn thương mại này mà có thêm nhiều "người chơi" để cạnh tranh lành mạnh với nhau thì khán giả nhí sẽ có thêm nhiều lựa chọn, còn các bậc phụ huynh thì khỏi phải đau đầu vì không mua được vé cho con.
Bình luận (0)