Nhiều nghệ sĩ vất vả làm nghề nhưng “ráo mồ hôi là ráo tiền”. Dẫu biết rằng khi hóa thân vào vai diễn là phải gác hết mọi buồn phiền, lo toan thường nhật qua một bên, không đặt nặng vấn đề tiền bạc nhưng thật khó để vứt bỏ nỗi lo áo cơm. Họ đành phải chấp nhận những vai mà mình diễn không trọn vẹn.
Phải bỏ sĩ diện nghề nghiệp
Diễn viên Quang Tèo nói rằng đúng chất nghệ sĩ phải là không van xin, không cầu cạnh ai nhưng họ dường như không có lựa chọn nào khác. Không ít người buộc phải ký “hợp đồng” với một hãng phim với mức cát-sê thấp, đổi lại, có vai diễn nào cũng được mời.
“Nghệ sĩ ngoài Bắc không có nhiều cơ hội chạy sô như ở miền Nam, tôi may mắn được nhiều đoàn biết đến, thỉnh thoảng có lời gọi đi sô nhưng bản thân tôi cũng phải vất vả tìm kiếm sô diễn khắp nơi” - nghệ sĩ Quang Tèo cho hay. Những nghệ sĩ như anh, mỗi ngày trôi qua là một trăn trở, mỗi ngày mới bắt đầu là thêm nỗi lo. Vậy nên với anh, đi diễn bây giờ để mưu sinh là chủ yếu. “Nghệ thuật với những người đầy đủ về cuộc sống vật chất là niềm vui, thỏa mãn đam mê nhưng với tôi, diễn để tìm niềm vui chỉ một phần nhỏ, còn quan trọng là mưu sinh” - nghệ sĩ Quang Tèo thổ lộ.
Diễn viên Trần Lũy cho biết: “Tại sao khán giả thấy diễn viên hóa thân đa dạng, từ vai già đến vai trẻ, từ vai nghèo đến vai giàu. Ngoài lý do thử thách với nghề, cái chính là họ không cho phép mình từ chối vai diễn dù thấy không phù hợp”. Ông bảo không biết từ bao giờ, mình không từ chối bất cứ lời mời nào, dù thấy vai diễn đó không hợp cũng ráng làm bằng mọi cách. Diễn viên Nguyễn Hậu cũng nói thật: “Có nhiều vai diễn tôi không muốn nhận một chút nào vì không hợp với mình nhưng buộc phải nhận, phải làm để kiếm tiền. Đôi khi vì áp lực đồng tiền, người nghệ sĩ phải bỏ sĩ diện nghề nghiệp sang một bên. Nếu “kén cá chọn canh”, tìm vai diễn phù hợp thì sẽ đói dài dài”.
Ai cũng cho rằng Kiều Trinh yêu nghề đến bỏ quên những khổ ải của đời tư nhưng chị cũng thừa nhận: “Hễ có vai diễn là tôi nhận, không quan tâm nhân vật ra sao, thù lao ít nhiều vì chỉ muốn kiếm tiền nuôi con”. Bởi chị hiểu rằng con đường đến trường của con sẽ gập ghềnh thế nào nếu không có khoản thu nhập từ công việc đóng phim. Dù có lúc tiền cát-sê chị nhận được không tương xứng với sức lao động bỏ ra nhưng đó là nguồn thu nhập duy nhất thì phải cắn răng chịu đựng. “Áp lực đồng tiền rất khó để nghệ sĩ sống trọn với nghề. Tôi đi diễn bây giờ chỉ để kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình chứ chẳng mong có được vai diễn hay nữa” - diễn viên Lê Quang từng bày tỏ.
Theo nghệ sĩ Phi Phụng, ai cũng mong muốn cứ nhẹ nhàng, đam mê đi vào vai diễn, dốc hết lòng để có một vai diễn đáng nhớ, để đời. Thế nhưng vì áp lực mưu sinh, vai diễn của họ sẽ mất đi sự thoải mái. Đôi khi diễn chỉ để cho xong vai, nhận tiền rồi còn chạy đi diễn chỗ khác cho kịp giờ.
Ước mong sống trọn với nghề
Tất nhiên, chấp nhận những vai diễn không tới nơi tới chốn, không trọn vẹn ấy, nghệ sĩ nào cũng cảm thấy áy náy, cảm giác có lỗi với nghệ thuật. Diễn viên Nguyễn Hậu chia sẻ: “Một vai hai gánh, mưu sinh và nghệ thuật, thật khó để chúng tôi có thể làm tốt được cả 2. Tôi chỉ có quyền chọn một, trong khi kiếm tiền nuôi gia đình bao giờ cũng quan trọng hơn hết. Nhưng tôi thường trăn trở mỗi khi xem lại những vai mình đóng chỉ để cho có, cho xong”.
Một diễn viên khác bộc bạch: “Những vai diễn mà tôi cố gồng mình, có thể khán giả nhận ra hoặc không nhận ra sự hóa thân gượng gạo ấy nhưng đã làm nghề, tôi cảm thấy buồn và tiếc nuối lắm!”. Diễn viên Trần Lũy thì chỉ mong sao một năm có được 3 vai diễn, dù vai phụ, cát-sê theo phân đoạn chỉ vài trăm ngàn đồng, còn hơn là không có lời mời nào. “Đi đóng phim không chỉ có được tiền lo cho con mà còn duy trì niềm đam mê” - ông nói.
Thực tế, trong nghệ thuật luôn tồn tại một nghịch lý là những nghệ sĩ vất vả làm nghề chân chính, không bon chen, không màng danh lợi, lại thường có cuộc sống khó khăn, chật vật. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhìn nhận: “Nghệ sĩ ngoài Bắc rất yêu nghề, ai cũng muốn sống với nghề bằng tất cả niềm đam mê, một đời cống hiến nhưng thật tiếc, cơ hội lại không mở ra với họ”. Nghệ sĩ Quang Tèo mong muốn: “Chúng tôi làm nghệ thuật để kiếm tiền nên chỉ mong có nhiều cơ hội đến với mình. Khi áp lực kinh tế bớt đi một phần, chúng tôi cũng bớt áp lực khi bước lên sân khấu, đến phim trường”.
Tiếng thơm còn mãi
Văn Hiệp, Tuấn Dương, Hồ Kiểng, Trịnh Thịnh… là những nghệ sĩ dẫu đã về cõi vĩnh hằng vẫn để lại cho đời tiếng thơm về nhân cách sống, thái độ làm nghề. Đến cuối đời, họ vẫn sống trong những ngôi nhà nhỏ bé, lụp xụp nhưng lại vui vẻ, lạc quan, vắt còm cõi sức lực cho từng vai diễn. Số tiền cát-sê ít ỏi chỉ đủ đắp đổi cuộc sống qua ngày nhưng họ vẫn không màng danh lợi, đua tranh.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần trăn trở: “Tôi mong sao gánh nặng cơm áo không đè lên những sáng tạo nghệ thuật chân chính, những nghệ sĩ một lòng cống hiến cho nghề, để họ chuyên tâm làm nghệ thuật bằng đam mê của đời mình”.
Bình luận (0)