Xuất phát từ tâm huyết đưa sân khấu học đường trong đó có dân ca 3 miền, đờn ca tài tài tử Nam Bộ, hát bội, chèo, cải lương… với những tuồng tích thấm đẫm tinh thần yêu nước và trên hết là có sử dụng các bài bản, trình thức vũ đạo mà ông cha đã sáng tạo, đặng học trò có thể hiểu biết về các bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc, từ những năm 1990, khi về nước, GS-TS Trần Văn Khê đã chọn CLB Tiếng hát Quê hương - Cung Văn hóa Lao Động TP HCM cùng ông “xông pha” đưa âm nhạc truyền thống đến các trường tiểu học, trung học dưới hình thức thể nghiệm.
Cùng múa hát với các em
“Đưa âm nhạc dân gian vào học đường là một trong những biện pháp cơ bản và quan trọng để truyền bá và giáo dục lòng yêu mến, tự hào, ý thức bảo tồn phát huy những di sản âm nhạc dân gian nói riêng, văn hóa dân gian nói chung trong thế hệ trẻ” - Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan nói. Bà kể mình nhớ mãi suất biểu diễn tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (quận 1, TP HCM). Thầy Khê lên sân khấu cùng hát với các em những bài bản vắn, rồi thầy phân tích rất dễ hiểu về các loại nhạc cụ, các bài lý vùng miền, CLB biểu diễn minh họa theo sự phân tích của thầy. Hàng ngàn học sinh trung học thời đó thích thú, say mê nghe và đã có em xin theo học đàn tranh, đàn bầu, học hát dân ca.
GS-TS Trần Văn Khê canh cánh bên lòng nỗi lo dự án sân khấu học đường do Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện được 10 năm, mà theo ông cách làm này như “muối bỏ biển” vì “làm theo phong trào, khởi động vài buổi ở vài tỉnh, rồi tổng kết, rồi báo cáo thành tích, trong khi những con mương nhỏ đó không thể dẫn nước về cánh đồng khô hạn” - ông ví von như thế khi đến tham dự chương trình Sân khấu học đường được tổ chức thí điểm tại TP HCM.
NSND Đinh Bằng Phi - đại thụ của sân khấu hát bội miền Nam, kể lại: “Những lần gặp nhau, tôi cảm nhận sau mỗi câu chuyện của GS-TS Trần Văn Khê đều chất chứa nỗi băn khoăn nặng trĩu trong lòng của ông. Ông nói dự án sân khấu học đường hết kinh phí thì không còn được đưa vào nhà trường nữa và đặt vấn đề tại sao chúng ta phải trông chờ vào sự tài trợ của nước ngoài mới làm được cái việc giáo dục cho công dân trẻ nước mình ý thức bảo tồn, gìn giữ, nâng niu giá trị những di sản văn hóa của dân tộc? Nước mình nên chủ động có những nguồn quỹ riêng cố định và dồi dào cho chiến lược này hơn là chỉ dựa hoàn toàn vào các quỹ hỗ trợ nước ngoài”. NSND Đinh Bằng Phi cho biết: “Bộ môn hát bội của chúng tôi cũng thế, chỉ được diễn vài suất ở một vài trường, sau đó có thực hiện thí điểm tại một vài trung tâm văn hóa, Nhà Văn hóa Thanh Niên rồi ngưng vì kinh phí khó khăn. Bây giờ hát bội chỉ còn sống ở sân đình, không chen chân được vào học đường và học sinh ngày nay còn mơ hồ khi nghe nói đến hát bội”.
Giáo trình sân khấu học đường phải đồng bộ
Học ở phương Tây tính khoa học trong các chiến lược đưa văn hóa nghệ thuật đến với giới trẻ, GS-TS Trần Văn Khê đã xây dựng một giáo trình đưa sân khấu học đường đến với khán giả học sinh, sinh viên, giới trẻ theo từng cấp độ truyền thụ. Ông phân tích rằng nếu đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân giảng dạy chỉ xem việc tham gia như đi làm sô, đến hát lãnh lương rồi về thì khó mà đòi hỏi các em học sinh ý thức rõ trách nhiệm của mình khi được làm chủ những di sản văn hóa nghệ thuật của nước nhà.
Theo GS-TS Trần Văn Khê, sân khấu học đường không nên chỉ dừng lại ở mức độ các dự án có thời hạn mà nên trở thành một môn học bắt buộc ở trường với giáo trình giảng dạy theo từng bộ môn. “Nhiều nước khác đã làm điều này từ lâu, tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra phương hướng đưa “Sân khấu học đường” thành môn học chính thức. Ở đó, học sinh sẽ được học về lịch sử hình thành âm nhạc dân tộc, tìm hiểu về dân ca ba miền, các loại nhạc cụ dân tộc, tìm hiểu về sân khấu, các loại hình sân khấu, kết cấu kịch bản, quy trình hình thành một tác phẩm hát bội, chèo, cải lương… và thực hành biểu diễn. Trong các tiết học có thể mời những nghệ sĩ nổi tiếng đến giao lưu, những nghệ nhân kinh nghiệm đến truyền nghề. Những buổi diễn báo cáo nên được tổ chức trang trọng như kiểu đêm hội có mời thầy cô, phụ huynh, bạn bè đến xem để cổ vũ và động viên những niềm đam mê đang hình thành. Nội dung của những buổi học sân khấu có thể là những câu chuyện gần gũi xảy ra hằng ngày trong cuộc sống, phù hợp với lứa tuổi, nhưng cũng có thể là những câu chuyện xa xôi, kỳ bí và mang nhiều tính tưởng tượng.
Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan cho biết: “Thời gian qua, CLB Tiếng hát Quê hương đã tiếp nối con đường mà thầy đã âm thầm gầy dựng, chúng tôi đã tổ chức nhiều suất diễn hơn tại một số trường phổ thông ở TP HCM. Các em học sinh phấn khởi lắm”.
Cần một cách làm tử tế
Dự án “Sân khấu học đường” do Cục Nghệ thuật Biểu diễn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thực hiện đã khép lại giai đoạn 2. Theo NSND Phạm Thị Thành, những gì mà dự án “Sân khấu học đường” làm được trong một chục năm qua còn rất khiêm tốn. Các nghệ nhân nhờ có dự án sân khấu học đường đã dạy cho các cháu rất nhiệt tình nhưng khi dự án kết thúc, họ lại phải ngồi nhà, phí hoài chất xám. Theo bà, điều quan trọng là sức sống của sân khấu học đường như thế nào sau khi triển khai dự án xong, có tác động như thế nào đối với thế hệ trẻ?
Theo ThS Huỳnh Khải, trong thời gian tới, cần có cách làm mới để triển khai dự án này thực sự có hiệu quả. Coi dự án sân khấu học đường là nền tảng để triển khai đề án đưa giáo dục sân khấu truyền thống vào chương trình phổ thông. Đó mới là việc chúng ta thực hiện di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê một cách tử tế.
Kỳ tới: Để người Việt xa quê biết nguồn cội
Bình luận (0)